Báo Đồng Nai điện tử
En

Văn hóa làng trong lòng đô thị

09:01, 02/01/2019

Long Khánh là địa danh xuất hiện từ khá lâu trong tiến trình hình thành mảnh đất miền Đông Nam bộ "gian lao mà anh dũng". Trong quá trình khai cơ, lập ấp một bộ phận người dân đã tìm đến mảnh đất Long Khánh để sinh cơ lập nghiệp.

Long Khánh là địa danh xuất hiện từ khá lâu trong tiến trình hình thành mảnh đất miền Đông Nam bộ “gian lao mà anh dũng”. Trong quá trình khai cơ, lập ấp một bộ phận người dân đã tìm đến mảnh đất Long Khánh để sinh cơ lập nghiệp.

Nghi thức khai sắc tại lễ hội kỳ yên đình Xuân Lộc (TX.Long Khánh).
Nghi thức khai sắc tại lễ hội kỳ yên đình Xuân Lộc (TX.Long Khánh).

Từ năm 1897, cư dân tập trung sinh sống ngày một nhiều, đời sống vật chất không có gì khấm khá cho lắm, trong khi đó đời sống tinh thần cũng chưa có nơi nương tựa lâu dài, chẳng có nơi gửi gắm tâm linh hay giao lưu tình cảm gì cả.

Trong quá trình sinh sống trên vùng đất Long Khánh, những người cao niên có uy tín trong làng đã vận động mọi người góp công sức, cho xây dựng nơi đây một mái đình đơn sơ, bằng tranh tre, nứa lá (sau này gọi là đình làng Xuân Lộc). Mái đình được hình thành là nơi mọi người thường xuyên thăm viếng, trước là chiêm bái tiền hiền, sau cầu cho “quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa”, muôn dân no đủ.

Đình làng Xuân Lộc, trải qua nhiều phong ba, nhiều đời hương chức, vẫn đang tồn tại đến ngày hôm nay giữa lòng đô thị (phường Xuân An, TX.Long Khánh). Đây là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, nơi thờ Thành Hoàng làng và sinh hoạt cộng đồng của cư dân khu vực Long Khánh - Xuân Lộc. Hằng năm, ngoài những ngày sóc vọng, đình làng Xuân Lộc đều tổ chức lễ kỳ yên và lễ cúng Ngũ hành nương nương, thường có mời đoàn hát về phục vụ lễ hội và biểu diễn cho bà con xem. Chương trình lễ hội gồm các nghi thức truyền thống như: thỉnh sanh, lễ tế đằng yết, xây chầu đại bội, lễ tế đằng cả, tế hậu bối, tôn vương và viên mãn.

Lễ hội thu hút đông đảo bá tánh khắp nơi đến dâng hương, gặp gỡ giao lưu thân mật, trao đổi kinh nghiệm mùa màng, kể chuyện làm ăn, chuyện gia đình, con cái học hành đỗ đạt... Đó cũng là mối liên kết tình làng nghĩa xóm trong nhịp sống đô thị hối hả ngày nay. Do những ngày tổ chức lễ hội còn trong tiết xuân nên đình làng có tổ chức thêm nhiều trò chơi dân gian truyền thống như múa lân, kéo co, đấu vật, có năm còn thi đấu cả cờ người... để dân làng vui xuân trẩy hội.

Mặc dù ngày nay làng Xuân Lộc xưa đã trở thành TX.Long Khánh sầm uất, nền kinh tế đô thị phát triển nhanh nhưng đình làng vẫn còn đó, vẫn giữ trong mình những nét cổ xưa, là một giá trị tiêu biểu cho văn hóa làng Nam bộ trong quá trình đô thị hóa ngày nay.

Đáo lệ 3 năm một lần, lễ hội kỳ yên ở đình thần Xuân Lộc được tổ chức theo nghi lễ truyền thống của dân tộc, thu hút nhiều người trong và ngoài thị xã đến chiêm bái. Ngày nay, lễ hội kỳ yên, nghi thức hành lễ, thời gian vẫn thế, nhưng có điều người cúng đình không còn bó hẹp trong diện nông dân mà có đủ các thành phần dân cư. Từ mọi nẻo đường, người trong làng, xã từ già, trẻ em, phụ nữ, đàn ông, thanh niên, thiếu nữ... nô nức kéo nhau tham gia lễ hội truyền thống có từ lâu đời. Sân đình tấp nập những cụ ông cụ bà khăn đóng áo dài, các nam thanh nữ tú, thiếu niên nhi đồng chuyện trò rôm rả, bọn trẻ thơ thì nhảy múa tung tăng cho thỏa thích.

Cứ thế, hội đình vẫn còn đủ sức thu hút công chúng vì đây còn là cơ hội giao lưu, trao đổi tình cảm; chính nó còn làm tăng thêm nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, thắt chặt mối quan hệ giữa người với người bền vững hơn.

Có tham gia vào lễ hội kỳ yên mới thấy cái thần của lễ hội như thế nào. Lễ hội là nơi liên kết cộng đồng với thần linh bằng tấm lòng tôn kính, sùng bái. Ngoài đi lễ, dân làng còn dâng lễ vật để tạ ơn thần đã giúp làng một năm làm ăn phát đạt, khấm khá: gạo nếp thơm, thịt heo quay, vịt quay, mâm xôi nếp, trái cây ngũ quả… Sau đó, lễ vật được chia cho tất cả mọi người dự để thưởng thức cho vui. Có lẽ đây chính là sự tinh túy của văn hóa cộng đồng làng xã Việt Nam nói chung và của miền Đông Nam bộ, trong đó có Long Khánh nói riêng; là truyền thống, cội rễ của con người Việt Nam bao thập kỷ qua.

Qua lễ hội, con người được giáo dục về truyền thống của làng xã, ý thức cội nguồn dân tộc, ý thức về đồng loại, tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt hơn. Với phương châm “gạn đục khơi trong”, việc bảo tồn, phát triển lễ hội đòi hỏi sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp và của cả cộng đồng dân cư.

Mặc dù đô thị hóa ngày càng hối hả, phong cách thị dân ngày càng xuất hiện nhiều trong cộng đồng, nhưng văn hóa tín ngưỡng dân gian vẫn luôn trường tồn, ngày càng bén rễ sâu trong lòng dân tộc, ở đó tạo nên sức mạnh vô hình, gắn kết cộng đồng, góp phần tạo nên “thành trì” tinh thần quý báu, sức sống của dân tộc trước những thử thách của thời đại.

Hoàng Long

Tin xem nhiều