Báo Đồng Nai điện tử
En

Chất lượng tác phẩm - trăn trở của văn nghệ sĩ

09:03, 11/03/2019

Hồi lâu lắm, tôi tập tọng… sáng tác truyện ngắn. Được vài trang thì… tắc tị, vì không biết dẫn câu chuyện tới đâu. Mãi mấy năm sau tôi mới tìm lại nó và chẳng hiểu sao lại… viết được cái kết.

Hồi lâu lắm, tôi tập tọng… sáng tác truyện ngắn. Được vài trang thì… tắc tị, vì không biết dẫn câu chuyện tới đâu. Mãi mấy năm sau tôi mới tìm lại nó và chẳng hiểu sao lại… viết được cái kết.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp trao bằng khen của UBND tỉnh cho tập thể, cá nhân của Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai có thành tích xuất sắc trong hoạt động Văn học nghệ thuật năm 2018
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp trao bằng khen của UBND tỉnh cho tập thể, cá nhân của Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai có thành tích xuất sắc trong hoạt động Văn học nghệ thuật năm 2018

Nhà văn Nguyễn Thái Hải đọc rồi bảo tôi “xài” chi tiết phung phí vậy thì những truyện sau lấy gì mà viết. Rồi anh… cắt phéng khúc đầu. Những truyện ngắn khác của tôi cũng bị nhà văn Nguyễn Đức Thọ biên tập, xén đi từng đoạn làm tôi... tiếc đứt ruột. Khi kỹ năng viết truyện ngắn đã khá hơn, vẫn có truyện tôi viết xong rồi… bỏ sọt rác, vì thấy “dở ẹc”. Bởi vậy tôi đồng cảm với Nguyễn Trí khi anh cho rằng viết văn là việc cực khó, dù rằng Nguyễn Trí trong vài năm đã in hàng chục đầu sách.

* Nghề… khổ ải

Không chỉ viết văn, làm thơ mới… khổ ải. Tôi từng chứng kiến NSND.Giang Mạnh Hà ngồi trầm tư trong rạp hát “dợt” một vở cải lương do chính anh làm đạo diễn, lúc đó nhìn anh khắc khổ và… già thêm 5 tuổi. Anh ghi chép tỉ mỉ từng chi tiết để bổ sung, chỉnh sửa sao cho vở diễn thật hoàn hảo. Năm 2017, tôi và chị Minh Hạ cùng đi học lớp bồi dưỡng ở Trường viết văn Nguyễn Du. Hôm nào cũng khoảng 3 giờ sáng là chị Hạ… thức dậy làm thơ. Thì ra, chị bị “thơ” quấy đảo trong đầu, ngủ không nổi.

Ai đó nói rất hay rằng sáng tạo văn học - nghệ thuật như “chim gọi bầy”, nhờ sự tương tác với công chúng, bạn bè, đồng nghiệp mà nhiều người có thêm động lực sáng tác, vươn lên. Nhưng những yếu tố khách quan không thay thế được vai trò của chủ thể. Trong lao động văn học - nghệ thuật, khó có thể nói “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. 

Lần khác tôi chứng kiến một nhà điêu khắc đang cặm cụi nặn tượng chân dung nhân vật theo một tấm hình cũ đã nhòe cả nét. Trong hình, nhân vật cười toe toét. Tôi buột miệng nhận xét rằng “người tượng” có vẻ già hơn người trong ảnh. Anh thở dài bảo biết vậy, nhưng làm cho tượng “trẻ ra” nào có dễ.

Còn nếu nhìn vẻ “phong trần” của các nhà nhiếp ảnh Lò Văn Hợp, Nguyễn An, Lâm Cón… sẽ thấy ngay chụp ảnh nghệ thuật chẳng phải nghề “ngồi mát ăn bát vàng”. Phải đeo bám các sự kiện để luôn xuất hiện kịp thời, dùng ống kính ghi lại những “khoảnh khắc vàng” của đời sống, như các tác phẩm Tấn công và phòng thủ của nhiếp ảnh gia Trần Hữu Cường (huy chương vàng quốc tế tại Montenegro năm 2018); Chung sức của nhiếp ảnh gia Lò Văn Hợp (giải A duy nhất của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam năm 2018).

Thành tích của giới nhiếp ảnh luôn phải “trả học phí” bằng những ngày dãi nắng dầm sương trên đường tác nghiệp, có khi phải chấp nhận những tình huống mạo hiểm. Nghệ sĩ biểu diễn cũng chẳng nhàn nhã hơn, không tấm huy chương vàng, bạc nào từ trời rơi xuống, tất cả đều phải đổi bằng mồ hôi, thậm chí cả bằng máu và nước mắt.

Thực tế, sáng tác VHNT loại hình nào cũng khó. Có được tác phẩm chất lượng càng khó hơn. Dĩ nhiên ai cũng mong sản phẩm của mình “không đến nỗi tệ”, được in báo, nhà xuất bản đưa vào kế hoạch A, được công bố, dàn dựng hay khá hơn là đạt các giải thưởng. Nhưng muốn có tác phẩm tốt phải có tài năng. Trong bối cảnh VHNT Việt Nam “thừa năng khiếu, thiếu tài năng”, văn nghệ sĩ thường phải tích cực học hỏi, tích lũy vốn sống, chịu khó đọc, tìm hiểu, bồi bổ kiến thức… Nhưng không phải cứ “siêng” là ai cũng thành tài, một nhà thơ nổi tiếng từng nói, làm thơ đâu phải là… bổ củi mà ai cũng bổ được. Muốn “cày ải” lâu dài và gặt hái được thành quả trên cánh đồng của mình phải có năng lực bẩm sinh, đam mê và tâm huyết hơn người. Ít khả năng, nghèo trải nghiệm, cảm xúc chai mòn, gánh nặng tuổi tác, sức ì hoặc tự mãn đều là rào cản sự sáng tạo, chúng thường là nguyên nhân của những tác phẩm làng nhàng, “bỏ thì thương, vương thì tội”…

* Sống chết với nghề

Nhưng dù phải đánh vật với chữ nghĩa, bảng màu, khuông nhạc… Hội VHNT Đồng Nai không thiếu những tấm gương về ý thức lao động nghề nghiệp, dường như không gì có thể bắt họ ngừng sáng tác.

Các hội viên Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai trong một chuyến sáng tác ảnh tại huyện Trảng Bom
Các hội viên Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai trong một chuyến sáng tác ảnh tại huyện Trảng Bom

Nhạc sĩ Trần Viết Bính ở tuổi 85 vẫn đều đều viết ca khúc. Nhà văn Nguyễn Thái Hải, Nguyễn Trí thuộc loại “mắn” nhất, năm nào cũng ra sách, luôn có bản thảo được đưa vào kế hoạch A của các nhà xuất bản. Các nhà thơ, nhà văn Lê Thanh Xuân, Đàm Chu Văn, Đỗ Minh Dương, Lê Đăng Kháng, Bùi Quang Tú, Bùi Công Thuấn, nhiếp ảnh gia Bùi Viết Đồng, Nguyễn Đình Quốc Văn, nhạc sĩ Cao Hồng Sơn, Điểu Được… đã thành danh vẫn không ngừng tìm kiếm cách thể hiện mới. Thậm chí “bận như nuôi con mọn” ở các doanh nghiệp lớn mà nhà văn Nguyễn Một, nhà thơ Trần Ngọc Tuấn vẫn lâu lâu “trình làng” một tác phẩm “chất lừ”, như cách nói của giới trẻ đương thời.

Văn nghệ sĩ thành công đều đắm đuối với nghề, không ngừng học hỏi, dám “vượt lên chính mình”. Thật tự hào là ở Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai số  đó không ít, riêng năm 2018 có đến 7 văn nghệ sĩ đạt thành tích cao trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có cả tác phẩm đạt tầm quốc tế.

Những nhà khoa học như TS.Nguyễn Thị Nguyệt và ThS.Phan Đình Dũng thì sách của họ xếp hàng dài, nhiều cuốn được giải thưởng của Hội Văn Nghệ dân gian Việt Nam. Nhà nhiếp ảnh Huỳnh Như Lưu ở tuổi bát tuần, trong người có… 4 cái stent vì bệnh mạch vành vẫn áo gile, quần túi cóc, ngày ngày chạy xe máy đi chụp ảnh. Dương Thu Hường theo ca kíp ở nhà máy vẫn tranh thủ “khăn gói quả mướp” lên biên giới, ra hải đảo để viết những bút ký nóng hổi tính thời sự.

Danh sách những tấm gương “chết sống với nghề” còn khá dài. Mang trái tim luôn hăm he “trở chứng” sau 2 lần thay van tim, thương binh Đào Sỹ Quang vẫn viết truyện với tốc độ chóng mặt. Nhà văn Hoàng Đình Nguyễn có bộ sưu tập “khủng” về sự kiện, hình ảnh, nhân chứng vừa xuất bản cuốn sách hấp dẫn về những năm tháng đã qua. Và còn Lâm Cón, Phạm Quốc Hưng, Kiều Tân, Nguyễn An (nhiếp ảnh); Tấn Hoài, Đoàn Minh Ngọc, Lâm Văn Cảng, Phạm Công Hoàng, Nguyễn Quang Hoàng (mỹ thuật); Đoàn Quang Trung, Lệ Hằng (âm nhạc) cùng nhiều người khác mà tôi không thể kể hết…

Có những nghệ sĩ trẻ  “máu nghề” không thua ai, nhìn những tác phẩm điêu khắc nặng hàng tạ của họa sĩ Hoàng Ngọc Hiến, Trần Đình Thắng… không thể không khâm phục ý tưởng, sự táo bạo lẫn kỳ công của họ. Thật tiếc là tác phẩm Phổi công nghiệp dự Triển lãm mỹ thuật miền Đông năm 2018 của Trần Đình Thắng “vuột” mất giải A trong tầm tay chỉ do anh chưa kịp được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam. Năng lực, điều kiện tác nghiệp, bề dày thành tích khác nhau nhưng hầu hết văn nghệ sĩ kể trên đều bền bỉ, dẻo dai, nỗ lực để có tác phẩm tốt nhất.

Tác giả Trần Thúc Hà ở tuổi 82 bất ngờ có truyện ngắn Người cận vệ của vua Hàm Nghi được Báo Văn nghệ Trung ương chọn vào danh sách 10 truyện ngắn hay năm 2018. Danh tiếng họa sĩ Mai Văn Nhơn bật hẳn lên sau 21 bức tranh ghép gốm mô tả chân dung các vị nguyên thủ quốc gia dự hội nghị APEC năm 2017. Anh chính là một trong những “vẻ đẹp tiềm ẩn” của Hội VHNT Đồng Nai, phát lộ trong tình huống đặc biệt…

Văn nghệ sĩ tác nghiệp đơn độc nhưng hay tham khảo ý kiến bạn bè, vì họ “tỉnh” hơn người trong cuộc. Tôi cũng từng “trân mình” chịu đựng những nhận xét “thẳng như nòng súng” của nhà phê bình Bùi Công Thuấn, Nguyễn Một và Nguyễn Trí, không dám cự cãi vì họ nói... trúng phóc. Một khi đã coi công việc sáng tạo như cơm ăn áo mặc thì ai cũng có quyền làm mọi điều để nâng cao chất lượng tác phẩm, ngoại trừ những “chiêu trò” không phù hợp với đạo lý và pháp luật. Thỏa mãn với những gì đạt được hoặc không đủ can đảm tiếp nhận những lời phê bình, góp ý “trái tai” của bạn bè, đồng nghiệp đồng nghĩa với tự rào dậu con đường sáng tạo của mình.

Để tiếp sức cho hội viên, nhiều năm qua, Hội VHNT Đồng Nai đã có những giải pháp cụ thể, thiết thực. Mỗi năm, hàng trăm triệu đồng (từ nguồn của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam) được đầu tư chiều sâu, hỗ trợ sáng tác, công bố, giới thiệu tác phẩm. Nhiều trại sáng tác “lên rừng xuống biển” giúp văn nghệ sĩ có thêm trải nghiệm, vốn sống, làm tươi mới cảm xúc. Các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng viết bút ký, truyện ngắn, viết kịch bản sân khấu, phim ngắn, mỹ thuật, nhiếp ảnh… góp thêm “lưng vốn” cho đội ngũ lao động VHNT, đặc biệt là lực lượng trẻ.

Hoàng Ngọc Điệp

Tin xem nhiều