Báo Đồng Nai điện tử
En

Tôn vinh đóng góp của nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý với văn học Việt Nam

10:03, 08/03/2019

Lễ tưởng niệm 50 năm ngày nhà văn, nhà báo, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý hy sinh (8-3-1969 - 8-3-2019) đã diễn ra trọng thể tại Hà Nội đúng Ngày quốc tế Phụ nữ (8-3). Hoạt động do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức nhằm tưởng niệm nhà văn, nhà báo, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý, tôn vinh cuộc đời và đóng góp to lớn của chị với nền văn học nước nhà.

Lễ tưởng niệm 50 năm ngày nhà văn, nhà báo, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý hy sinh (8-3-1969 - 8-3-2019) đã diễn ra trọng thể tại Hà Nội đúng Ngày quốc tế Phụ nữ (8-3). Hoạt động do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức nhằm tưởng niệm nhà văn, nhà báo, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý, tôn vinh cuộc đời và đóng góp to lớn của chị với nền văn học nước nhà.

Nhật ký chiến trường của nhà văn, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý
Nhật ký chiến trường của nhà văn, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý

Nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý sinh ngày 19-4-1941 trong một gia đình cách mạng và văn hóa tại Hà Nội. Chị được thừa hưởng truyền thống nho học của gia tộc lớn, sớm trưởng thành và là người phụ nữ có ý chí, nghị lực phi thường. Chị nhận thức sâu sắc nghề nghiệp và có trái tim nhân hậu. Khi là phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam, chị viết đơn tình nguyện vào chiến trường miền Nam chiến đấu và hy sinh ở chiến trường Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) năm 1969.

Tại buổi lễ tưởng niệm, các nhà thơ, nhà văn, những người yêu mến nhà văn, nhà báo - liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý đều ghi nhận: Khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước mở rộng ra miền Bắc, Dương Thị Xuân Quý là cây bút nhiệt tình, luôn có mặt ở những nơi khó khăn, ác liệt nhất. Qua những chuyến đi thực tế, chất liệu báo chí đã được chuyển hóa thành chất liệu văn chương ở chị như một lẽ tự nhiên. Tập truyện ngắn đầu tay Chỗ đứng của chị được xuất bản năm 1968 mang ý nghĩa tuyên ngôn cho lẽ sống, tâm thế của cả một thế hệ trong những năm tháng chiến đấu ác liệt và gian khổ. Truyện ngắn thứ 2 mang tên Hoa rừng ra mắt không lâu khi chị vào Liên khu 5, đánh dấu bước tiến vững vàng về văn nghiệp của chị.

 Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: Dương Thị Xuân Quý, một phụ nữ Thủ đô quen sống dưới ánh đèn phố thị đã âm thầm chuẩn bị cho mình một tiềm năng kỳ lạ để chọn “chỗ đứng” giữa những con người bình thường mà phi thường trong “mắt bão” chiến tranh. Chị anh dũng hy sinh khi vừa 28 tuổi. Tên tuổi, sự nghiệp của Dương Thị Xuân Quý đã đi vào ký ức của người đọc, làm vẻ vang cho thế hệ các nhà văn chống Mỹ. Chị là “đóa hoa rừng” đẹp mãi với thời gian... Cuối năm 2018, Hội Nhà văn Việt Nam đã chuẩn bị hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho nhà văn, nhà báo - liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý.

Nhà báo Nguyễn Thế Khoa, Tổng biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam cho rằng: Nhà văn, nhà báo - liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý ra đi khi còn rất trẻ nhưng những tác phẩm thể hiện tài năng, khát vọng, ý chí và sự hy sinh phi thuờng của chị luôn còn mãi. Có 18 bút ký, truyện ngắn chị viết trong 6 năm làm báo, viết văn ở miền Bắc và trên chiến trường đã được tập hợp, giới thiệu trong cuốn sách Dương Thị Xuân Quý - Tác phẩm và Nhật ký do Tạp chí Văn hiến Việt Nam, Nhà xuất bản Hội Nhà văn thực hiện năm 2007. Đặc biệt, cuốn Nhật ký chiến trường của Dương Thị Xuân Quý là một tác phẩm lớn của văn học đề tài chiến tranh cách mạng. Đây cũng là cuốn sách đáng đọc, gây xúc động mạnh về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta.

Nhà văn, nhà báo - liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007 với 2 tác phẩm Chỗ đứngHoa rừng.

 Mỹ Bình

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích