Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động tìm đến khán giả

09:04, 05/04/2019

Không ngồi đợi nhà đài mời tham gia ghi hình, ghi âm rồi phát sóng đến người xem hay chờ nhà xuất bản duyệt bản thảo mới ra sách, văn nghệ sĩ trong tỉnh đã bắt kịp xu hướng tự quảng bá, giới thiệu tác giả, tác phẩm đến với khán giả.

Không ngồi đợi nhà đài mời tham gia ghi hình, ghi âm rồi phát sóng đến người xem hay chờ nhà xuất bản duyệt bản thảo mới ra sách, văn nghệ sĩ trong tỉnh đã bắt kịp xu hướng tự quảng bá, giới thiệu tác giả, tác phẩm đến với khán giả.

Nghệ sĩ trẻ Khánh Dư (Nguyễn Phước Dư) công tác tại Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai chuẩn bị phát trực tiếp ca khúc do mình thể hiện qua kênh YouTube riêng
Nghệ sĩ trẻ Khánh Dư (Nguyễn Phước Dư) công tác tại Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai chuẩn bị phát trực tiếp ca khúc do mình thể hiện qua kênh YouTube riêng

Thông qua việc đầu tư các sản phẩm âm nhạc, kênh YouTube riêng, ứng dụng mạng xã hội để giới thiệu lịch diễn, tác phẩm văn học mới sáng tác... đã góp phần giúp người nghệ sĩ chủ động tìm đến khán giả.

* Đầu tư mạnh

Để khán giả biết đến mình nhiều hơn, từ đầu năm 2019, nam nghệ sĩ trẻ Khánh Dư (Nguyễn Phước Dư) công tác tại Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đã lập kênh YouTube riêng và đầu tư thiết bị ghi âm, ghi hình, ánh sáng... Đến nay, Khánh Dư đã phát trực tiếp hơn 10 ca khúc do mình thể hiện thông qua kênh YouTube riêng và nhận được nhiều bình luận tích cực. Theo Khánh Dư, do mới ra mắt nên kênh YouTube của Khánh Dư chưa có nhiều lượt đăng ký theo dõi và lượt xem nhưng đây là cách làm đúng xu hướng của các nghệ sĩ trẻ hiện nay.

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt - người rất thành công khi chủ động chia sẻ tác phẩm lên mạng xã hội cho hay: “Nếu tác phẩm thật sự có chất lượng, được người dân mong chờ thì dù đã giới thiệu trước qua mạng nhưng khi chọn lọc lại in thành sách thì vẫn có sức hút. Do vậy, việc sợ không có gì mới để in sách vì tất cả đã công khai trên mạng xã hội từ trước không phải là vấn đề quan trọng”.

Không chỉ tự mình ghi âm, ghi hình và phát trực tiếp như Khánh Dư, nhiều nghệ sĩ trong tỉnh còn bỏ kinh phí để thực hiện các video ca nhạc với sự tham gia của ê-kíp chuyên nghiệp. Nam nghệ sĩ trẻ Hoàng Việt Trang (tên thật Trần Việt Trang) cũng công tác tại Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai là một ví dụ. Thời gian qua, Việt Trang đã thực hiện gần 30 sản phẩm âm nhạc đẹp về phần nhìn và chất lượng ở phần nghe. Hoàng Việt Trang cho hay vì đam mê nghệ thuật nên anh dành dụm thù lao có được qua các buổi diễn trên sân khấu để làm sản phẩm.

“Đây là cách mình chủ động giới thiệu bản thân đến gần hơn với khán giả vì số lần xuất hiện, sản phẩm giới thiệu không bị giới hạn như trong chương trình truyền hình, phát thanh mà tùy vào kinh phí, thời gian, công sức bỏ ra để làm sản phẩm” - Việt Trang cho hay. Cũng nhờ cách làm này mà đã có nhiều người biết đến nam nghệ sĩ hơn trước, nhất là khán giả ngoài tỉnh. Như video tân cổ Nếu hai đứa mình song ca giữa Hoàng Việt Trang - Phương Cẩm Ngọc có đến gần 180 ngàn lượt xem, nhiều khán giả cả nước để lại những bình luận tích cực. Hay video liên khúc Chiều sân ga - Chuyến tàu hoàng hôn của Hoàng Việt Trang - Khánh Đan cũng có gần 180 ngàn lượt xem…

* Tích cực tiếp cận khán giả

Bên cạnh việc tạo kênh YouTube, sản xuất video ca nhạc, thời gian qua văn nghệ sĩ trong tỉnh còn chủ động dùng mạng xã hội gửi lời mời khán giả đến xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Trong đó, mỗi khi Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai ra mắt vở diễn mới, công diễn các vở cải lương, chương trình ca múa nhạc thì trên trang mạng xã hội cá nhân (Zalo, Facebook) từ lãnh đạo đến các nghệ sĩ đều đăng thông tin thời gian - địa điểm diễn, tên vở diễn, nội dung vở diễn, diễn viên tham gia… cùng lời mời trân trọng người dân đến xem.

Không riêng gì đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, các đội tuyên truyền lưu động của trung tâm văn hóa - thể thao cấp huyện cũng luôn chủ động làm công tác quảng bá, giới thiệu trước đêm diễn đến với người dân. Cụ thể, mỗi khi tổ chức chuỗi các đêm diễn phục vụ người dân ở từng xã, phường hay các hội thi, hội diễn là trung tâm văn hóa - thể thao của TX.Long Khánh, Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch đều đăng thông tin liên quan về lịch diễn, địa điểm - thời gian diễn lên mạng xã hội để người dân địa phương dễ dàng cập nhật.

Ông Phạm Đức, cán bộ văn hóa Trung tâm văn hóa - thể thao huyện Long Thành cho hay bên cạnh việc giới thiệu bằng băng-rôn, qua loa truyền thanh, việc đưa thông tin về lịch diễn nghệ thuật lưu động, chiếu phim miễn phí, hội thi hội diễn văn nghệ lên mạng xã hội nhằm giúp người dân biết về hoạt động nghệ thuật ở địa phương, thu hút người dân đến xem.

Hiện nay, nhiều nhà văn, nhà thơ trong tỉnh cũng sử dụng công nghệ vào quảng bá tác phẩm sáng tác. Như nhạc sĩ lão thành Trần Viết Bính, trên trang Facebook, Zalo cá nhân của ông luôn cập nhật những ca khúc do ông sáng tác qua sự thể hiện của nhiều ca sĩ.

2 tác giả thơ trẻ Lê Phan Hiếu Anh và Huỳnh Ngọc Tuyết Cương (hội viên Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai, ngụ TP.Biên Hòa) thường xuyên chia sẻ các bài thơ do mình sáng tác lên trang cá nhân mà không hề sợ lộ tác phẩm trước ngày xuất bản sách.

“Rất nhiều nhà văn, nhà thơ cả nước đã làm điều này và rất thành công. Do đó tôi quyết định giới thiệu tác phẩm trên trang cá nhân thay vì sáng tác được rồi cất đi đợi đến ngày tập hợp in sách” - tác giả Huỳnh Ngọc Tuyết Cương thổ lộ.

Theo NSND Giang Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai, việc văn nghệ sĩ trong tỉnh sử dụng mạng xã hội, tạo kênh cá nhân làm phương tiện quảng bá tác phẩm văn học - nghệ thuật, lịch diễn là điều rất đáng mừng và được Hội khuyến khích. Tuy nhiên, Hội cũng lưu ý văn nghệ sĩ cần lựa chọn những tác phẩm văn học - nghệ thuật phù hợp với thuần phong mỹ tục dân tộc, tuân thủ pháp luật khi đăng tải trên không gian mạng.

Văn Truyên

Tin xem nhiều