Báo Đồng Nai điện tử
En

Sẻ chia với những cảnh đời khốn khó

09:04, 15/04/2019

Ngay trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, cán bộ, công chức và người dân Đồng Nai bàng hoàng hay tin vợ chồng chị Trần Thị Phương Thảo (cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh) và anh Nguyễn Xuân Toàn (công tác ở Liên đoàn Lao động tỉnh) qua đời trong vụ tai nạn giao thông vào mùng 4 Tết tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Cùng tử nạn trong chuyến đi định mệnh ấy còn có mẹ của anh Toàn, còn người em trai của anh cũng bị thương nặng.

1. Ngay trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, cán bộ, công chức và người dân Đồng Nai bàng hoàng hay tin vợ chồng chị Trần Thị Phương Thảo (cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh) và anh Nguyễn Xuân Toàn (công tác ở Liên đoàn Lao động tỉnh) qua đời trong vụ tai nạn giao thông vào mùng 4 Tết tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Cùng tử nạn trong chuyến đi định mệnh ấy còn có mẹ của anh Toàn, còn người em trai của anh cũng bị thương nặng.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Huỳnh Văn Tới trao học bổng hỗ trợ bé Nguyễn Trần Thảo Lam (phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa)
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Huỳnh Văn Tới trao học bổng hỗ trợ bé Nguyễn Trần Thảo Lam (phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa)

May mắn, bé Nguyễn Trần Thảo Lam (tên thường gọi là bé Xíu), con của đôi vợ chồng xấu số chỉ bị xây xát. Nhưng vụ tai nạn thương tâm đã làm bé mồ côi. Những ngày nằm viện ở Bệnh viện nhi đồng Thanh Hóa, bé khóc suốt phần vì đau đớn, hoảng loạn khi chứng kiến vụ tai nạn, phần vì nhớ cha mẹ. Được bà ngoại đón về Đồng Nai nuôi dưỡng, chăm sóc, bé vẫn thường khóc bởi tình thương của ông bà ngoại dù lớn lao, sâu đậm nhưng làm sao thay thế được bóng dáng cha mẹ. Tuổi lên 5 ngây thơ của bé giờ đây đẫm đầy nước mắt…

Tối mùng 8 Tết, bà ngoại đưa bé từ Thanh Hóa về nhà ở phường Bửu Hòa (TP.Biên Hòa), thì sáng mùng 9 Tết Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Huỳnh Văn Tới và sau đó là nhiều cơ quan, đoàn thể đã có mặt. Không ai bảo ai, khi đến thăm bé Xíu không ai mang vẻ mặt “thảm sầu”, không ai hỏi gì để có thể gợi cho bé nhớ đến ký ức đau buồn. Ai cũng mong sao bé và gia đình vượt qua được nỗi đau, hướng tới tương lai phía trước. Bạn bè, đồng nghiệp của cha mẹ, cộng đồng và cả những người không thân thiết, không quen biết đã giang rộng vòng tay, san sẻ yêu thương với bé. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cấp cho bé suất học bổng hằng năm từ nay đến khi trưởng thành. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh vận động đóng góp và mở sổ tiết kiệm cho bé. Một thành viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh còn lặng lẽ vận động bạn bè, người thân thêm được sổ tiết kiệm 50 triệu đồng, là tấm lòng nhỏ góp phần phụ giúp ông bà ngoại bé Xíu chăm lo thêm cho bé.

2. Không riêng gì trường hợp của bé Xíu mà rất nhiều, rất nhiều trường  hợp khó khăn, bất hạnh đã được cộng đồng giang tay giúp đỡ thông qua cầu nối là Mặt trận. Chỉ tính riêng trong dịp Tết cổ truyền Kỷ Hợi vừa qua, hệ thống Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và tổ chức thành viên đã vận động, tiếp nhận được 87.843 phần quà trị giá hơn 34,2 tỷ đồng cho hộ nghèo, cận nghèo. Toàn bộ số tiền, quà tết nhận được đã phân bổ đến 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn đột xuất, người già neo đơn, nạn nhân chất độc da cam… trong tỉnh, đảm bảo mỗi hộ nhận ít nhất một phần quà để ai cũng có Tết, không ai bị bỏ lại phía sau.

Không chỉ thế, hệ thống Mặt trận và các đoàn thể, tổ chức thành viên còn có nhiều mô hình hay, sáng tạo để hỗ trợ người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội, ngoài các hoạt động thường niên như xây nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, Mái ấm Công đoàn, nhà nhân ái, trao học bổng, tặng xe lăn cho người khuyết tật, còn có các chương trình mổ mắt nhân đạo miễn phí; trao “cần câu” cho hộ nghèo như tặng dê, bò, gà…

Có thể nói, phương châm “Ở đâu có khổ đau, bất hạnh, ở đó có Mặt trận” đã trở thành một trong những tiêu chí hàng đầu trong hệ thống MTTQ. Trong 2 cuộc kháng chiến, Mặt trận đã tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, các thành phần xã hội khác nhau cùng đấu tranh thống nhất đất nước, chống ngoại xâm, thì nay Mặt trận tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đoàn kết toàn dân dưới lá cờ của Đảng để đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh do Đảng đề ra, trong đó có vấn đề an sinh xã hội.

Để thực hiện nhiệm vụ trên, hệ thống Mặt trận đã lan tỏa rộng khắp cơ sở, đến tận xã, ấp. Địa phương muốn xây dựng đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa xã, lắp đèn đường chiếu sáng thôn ấp… không thể thiếu bóng dáng các thành viên Ban công tác Mặt trận lặn lội đến từng nhà, gặp từng người dân để vận động đóng góp tiền của, đất đai, công sức cùng Nhà nước. Chính quyền muốn phổ biến về chủ trương chính sách, pháp luật cho người dân, nhất là ở vùng sâu vùng xa, không gì hiệu quả bằng nhiệt tình và kinh nghiệm của những người làm công tác Mặt trận, đoàn thể. Mấy ai biết rằng đội ngũ “vác tù và hàng tổng” ấy không được hưởng lương mà chỉ có chế độ khoán từ quỹ phụ cấp mới được HĐND tỉnh thông qua từ tháng 7-2017, nhưng họ chấp nhận những thiệt thòi ấy để làm việc bằng tấm lòng dành cho cộng đồng.

Điều làm ấm lòng những người làm công tác Mặt trận, đó là trong xã hội lúc nào cũng có rất nhiều, rất nhiều những tấm lòng nhân ái, sẵn sàng san sẻ với người bất hạnh. Quỹ Vì người nghèo của tỉnh mỗi năm nhận sự ủng hộ, đóng góp của các tập thể, cá nhân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… lên đến hàng chục tỷ đồng, đó là chưa kể ở cấp huyện. Mỗi lời kêu gọi, hiệu triệu của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đều được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Đó chính là động lực, niềm tin để những người làm công tác Mặt trận, đoàn thể vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.

3. Năm 2018, Đồng Nai được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam công nhận hoàn thành việc xây dựng nhà Ðại đoàn kết, xóa xong nhà dột nát cho người nghèo. Từ nhiều năm nay ở Đồng Nai không còn hiện tượng người nghèo đói ăn, đứt bữa. Vì thế từ năm 2019, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh sẽ tập trung vào nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng nhà ở cho người nghèo, mở rộng hình thức hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh hình thức tặng quà cho người nghèo trong dịp Tết Nguyên đán hay hỗ trợ đột xuất cho người gặp hoàn cảnh không may, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cũng đẩy mạnh và nhân rộng các mô hình trao “cần câu” cho hộ nghèo, vì thực tế cho thấy đây là cách thoát nghèo căn cơ, bền vững nhất. Không chỉ hỗ trợ con giống để tạo “đà” cho hộ nghèo làm kinh tế, những người làm công tác Mặt trận và đoàn thể ở cơ sở còn phối hợp tổ chức các buổi tập huấn nâng cao kỹ năng, theo dõi thường xuyên để nắm bắt tình hình và kịp thời hỗ trợ nếu con giống bị bệnh hay không sinh sản… Sự quan tâm tưởng chừng “nhỏ mà không nhỏ” đã giúp mô hình thoát nghèo này ngày càng hiệu quả.

đến nay Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đang chủ trì 9 loại quỹ học bổng hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó. Năm học 2018-2019, Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với các đơn vị trao 4.077 suất học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, trị giá trên 4,6 tỷ đồng. Trong đó, bên cạnh mục tiêu khuyến học Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đang hướng đến mục tiêu khuyến tài nhằm phát hiện, đầu tư và bồi dưỡng những học sinh, sinh viên có tài năng có cơ hội phát triển hơn nữa để phục vụ đất nước. Nhiều thế hệ học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn ngày nào từ sự hỗ trợ của các quỹ học bổng này đã hoàn thành ước mơ vào đại học, trưởng thành và tự tin, vững vàng bước vào đời như: Trần Nam, Trần Thị Thủy (học sinh Trường THCS Sông Ray), Nguyễn Nam (học sinh Trường THPT Trấn Biên), Nguyễn Thị Tường Vân (học sinh Trường THPT Ngô Quyền)…

Ở đâu còn khổ đau, khó khăn, bất hạnh, ở đó sẽ tiếp tục có những người làm công tác Mặt trận, đoàn thể.

Nam Hà

Tin xem nhiều