Báo Đồng Nai điện tử
En

In 3D trong nghệ thuật điêu khắc

10:09, 09/09/2019

Tại Đồng Nai, ứng dụng công nghệ in 3D trong nghệ thuật, đặc biệt là lĩnh vực điêu khắc vẫn còn khá mới mẻ.

Tại Đồng Nai, ứng dụng công nghệ in 3D trong nghệ thuật, đặc biệt là lĩnh vực điêu khắc vẫn còn khá mới mẻ.

Thầy Phạm Công Hoàng cùng sinh viên thực hiện các thao tác đồ họa trên máy tính trước khi in 3D. Ảnh: M.ANH
Thầy Phạm Công Hoàng cùng sinh viên thực hiện các thao tác đồ họa trên máy tính trước khi in 3D. Ảnh: M.ANH

Theo PGS-TS.Hoàng Minh Phúc, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai, công nghệ in 3D trong nghệ thuật có rất nhiều ưu điểm. Đáng chú ý là trong đào tạo mỹ thuật, việc tạo ra những bản sao đến mức hoàn hảo từ các bản mẫu thật sẽ giúp sinh viên tiếp cận các tác phẩm nghệ thuật có giá trị và nổi tiếng trên thế giới thay vì xem tranh, ảnh, slide và sách báo. Việc tiếp cận tác phẩm in 3D sẽ đem lại cảm quan thẩm mỹ và một vốn nghệ thuật đa dạng, phong phú hơn so với tiếp cận gián tiếp.

* Từ sáng tạo tác phẩm điêu khắc

Tại Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai, thầy Phạm Công Hoàng được xem như người tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ này. Tham gia Triển lãm mỹ thuật khu vực Đông Nam bộ năm 2019 vừa qua, thầy Hoàng đã giới thiệu đến công chúng tác phẩm điêu khắc Phận người trên chất liệu sợi nhựa và những khối vuông bằng gỗ tự nhiên. Bên trong các khối rubic khắc họa về những số phận, những con người trong xã hội với nhiều tư thế, biểu cảm khác nhau được nối kết thành một thể thống nhất.

Cánh tay nối dài của nghệ nhân điêu khắc

Công nghệ in 3D trên điêu khắc tuy có nhiều ưu điểm song đã và sẽ không bao giờ thay thế được công việc của các nghệ nhân điêu khắc nói riêng hay những người sáng tạo nghệ thuật nói chung. Trên thực tế, công nghệ này chính là cánh tay nối dài của các nghệ nhân điêu khắc, nhất là các nghệ nhân giỏi.

Thầy Phạm Công Hoàng chia sẻ: “Để thực hiện tác phẩm, tôi đã tìm hiểu một số ứng dụng công nghệ thực tế ảo có thể scan hình ảnh rồi hiển thị bằng sơ đồ, đồ họa 3D. Tuy nhiên, do không phải “dân chuyên” về công nghệ thông tin nên tôi gặp không ít khó khăn. Vì vậy, tôi đã kết hợp cùng với một số sinh viên giỏi công nghệ, vẽ trực tiếp trên máy tính để thực hiện công đoạn in”.

Khi bắt tay thực hiện tác phẩm, thầy Hoàng đã phác thảo trên chất liệu bằng đất sét. Sau đó, sử dụng máy tính để vẽ lại những hình ảnh sao cho có hồn và lột tả chân thật nhất ý tưởng muốn truyền tải. Công đoạn này đòi hỏi có sự am hiểu về kỹ thuật (cả vẽ đồ họa và in 3D) để in ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, phức tạp trong tạo hình, kết cấu nhưng vẫn sống động.

Theo thầy Hoàng, in 3D trong nghệ thuật điêu khắc tuy khó mà dễ. Người nghệ sĩ muốn sáng tạo tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, được công chúng đón nhận ngoài việc phải nắm bắt kỹ thuật tạo hình 3D trên máy tính (lập trình) thì rất cần có ý tưởng, kinh nghiệm trong lĩnh vực điêu khắc. Đặc biệt, với công nghệ này người nghệ sĩ có thể tiết kiệm được thời gian, công sức cũng như chi phí thực hiện tác phẩm so với thủ công.

* Đến việc giảng dạy trong nhà trường

Nếu như trước đây, Khoa Điêu khắc của Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai chủ yếu dạy thủ công (trên các chất liệu gỗ, đá, sắt…) thì gần đây, nhà trường đã đầu tư dàn máy in 3D phục vụ cho nhu cầu giảng dạy và học tập của giảng viên, sinh viên. Với thầy Công Hoàng, việc truyền dạy điêu khắc bao giờ cũng phải gắn liền với phương châm “trăm nghe không bằng một thấy”, “học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tiễn”. Do đó, việc thầy kết hợp với sinh viên thực hiện thành công tác phẩm từ ứng dụng công nghệ in 3D, tham gia triển lãm đã giúp cho các bạn được tiếp xúc, làm quen với các loại máy móc, trang thiết bị hiện đại.

Thầy Phạm Công Hoàng cùng sinh viên thực hiện các thao tác đồ họa trên máy tính trước khi in 3D. Ảnh: M.ANH
Tác phẩm điêu khắc rubic Phận người của thầy Phạm Công Hoàng. Ảnh: M. Anh

Là sinh viên từng theo học điêu khắc tại Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai, có xưởng in 3D riêng, anh Nguyễn Khải (TP.Vũng Tàu) nói rằng, ứng dụng in 3D trong điêu khắc rất hữu ích với anh và cả học sinh, sinh viên bởi nó thay đổi phương thức và chất liệu sáng tác nghệ thuật. Từ đó, góp phần mang công chúng đến gần hơn với nghệ thuật, tương tác với tác phẩm mà vẫn bảo toàn được tác phẩm gốc.

“Hiện tại, các máy móc, thiết bị in 3D của xưởng tôi chủ yếu là sản phẩm lắp ráp ở Việt Nam, do sinh viên trong nước thực hiện. So với công nghệ nhập ngoại, sản phẩm lắp ráp rẻ hơn và dễ sửa chữa khi thiết bị hỏng. Điều này mở ra hướng đi mới cho những người làm điêu khắc” - anh Khải nói.

Thầy Nguyễn Trường Giang, phụ trách Khoa Điêu khắc Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai cho biết, hiện nhà trường rất khuyến khích sinh viên học tập và ứng dụng công nghệ 3D. Bản thân khoa sẽ có thêm những cải tiến trong chương trình học, trang thiết bị, máy móc để sao cho phù hợp với chuẩn đầu ra, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

“Những phiên bản đầu tiên của phương pháp học công nghệ 3D tại Khoa Điêu khắc đã được đưa vào sử dụng và nhận được phản hồi tốt. Đây là điều đáng quý, là động lực để khoa chúng tôi tiếp tục hoạt động giảng dạy trong thời gian tới” - thầy Giang nhấn mạnh.

PGS-TS.Hoàng Minh Phúc, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai cho biết: “Công nghệ in 3D cho phép chúng ta tiếp cận, khám phá và có thể nhân rộng những đối tượng không có sẵn (lý thuyết) biến đối tượng ảo thành thật (thực tế) và ngược với việc biến đối tượng thực thành ảo khi internet xuất hiện vào thập niên 70-80 của thế kỷ 20. Điều này giúp cho người học có thể nhìn thấy, chạm vào và mở ra những khả năng mới cho các hoạt động học tập”.

Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ in 3D quá dễ dàng sẽ kéo theo những hệ lụy, gây khó khăn cho nhà quản lý trong theo dõi và xác định hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ. Đơn cử, chỉ cần na ná nhau, thay đổi một chi tiết nhỏ trong bản gốc của tác phẩm đã thành sở hữu của cá nhân. Đó là chưa kể việc sử dụng công nghệ in 3D để chế tạo những mặt hàng “cấm” với quy định của pháp luật mà giá rẻ hơn, làm tăng nguy cơ tiềm ẩn.

Bởi vậy, để ứng dụng công nghệ in 3D trong mỹ thuật nói chung và điêu khắc nói riêng đòi hỏi các cấp, các ngành cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý; đẩy mạnh việc phổ biến và theo dõi việc nghiêm chỉnh thực hiện những quy định của hệ thống pháp luật về bản quyền. Nếu có những vi phạm cần có chế tài và khung pháp lý phù hợp, kịp thời định hướng thị trường, dư luận để tránh việc thế lực xấu lợi dụng công nghệ in 3D phục vụ các mục đích trái pháp luật quy định.

Minh Anh

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích