Báo Đồng Nai điện tử
En

Đi tìm thử nghiệm cho sân khấu

11:10, 06/10/2019

Tối 4-10, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra đêm khai mạc Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần IV-2019 với sự mở màn của vở cải lương Nhật thực (thuộc đơn vị Sân khấu thử nghiệm, Nhà hát Thế giới trẻ - sân khấu Sen Việt của Trường đại học sân khấu - điện ảnh TP.Hồ Chí Minh).

Tối 4-10, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra đêm khai mạc Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần IV-2019 với sự mở màn của vở cải lương Nhật thực (thuộc đơn vị Sân khấu thử nghiệm, Nhà hát Thế giới trẻ - sân khấu Sen Việt của Trường đại học sân khấu - điện ảnh TP.Hồ Chí Minh).

Vở Niềm khát của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai tham gia liên hoan sẽ được biểu diễn vào ngày 11-10 tại rạp Đại Nam, Hà Nội (Ảnh: TL)
Vở Niềm khát của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai tham gia liên hoan sẽ được biểu diễn vào ngày 11-10 tại rạp Đại Nam, Hà Nội (Ảnh: TL)

* Tăng số lượng đơn vị dự thi

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, đơn vị phối hợp tổ chức liên hoan cho biết, so với liên hoan lần III-2016, liên hoan năm nay có thời gian thi dài hơn và số lượng đơn vị đăng ký dự thi cũng đông hơn. Trong đó, có 14 đơn vị nghệ thuật trong nước (phía Nam có 2 vở của Nhà hát Thế giới trẻ là Nhật thực và Dưới cát là nước, 1 vở Niềm khát của Nhà hát nghệ thuật Đồng Nai) và 7 đoàn quốc tế.

Kể từ liên hoan lần III-2016, Ban tổ chức đã ấn định Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm sẽ diễn ra 3 năm/lần tại Việt Nam. Mục tiêu của liên hoan là mong muốn tạo cơ hội giao lưu, học tập giữa sân khấu Việt Nam và thế giới; tìm kiếm những thử nghiệm mới, nâng cao những hình thức thể hiện trong một vở diễn. Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần IV-2019 diễn ra từ ngày 4 đến hết ngày 13-10.

Các vở diễn có thời lượng từ 50-120 phút, khá đa dạng các thể loại từ cải lương, kịch nói, chèo tới múa rối, xiếc… Các đoàn quốc tế tham gia đến từ các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Israel, Hungary, Hy Lạp, Ấn Độ… Các đoàn sẽ luân phiên thi diễn tại các địa điểm Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Tuổi Trẻ, rạp Đại Nam, Nhà hát VOV, Nhà hát kịch Việt Nam, Nhà hát múa rối Thăng Long, Liên đoàn Xiếc Việt Nam… Mỗi ngày có từ 2-3 buổi thi vào các suất 9 giờ, 14 giờ và 20 giờ. Xen giữa các buổi thi là những buổi hội thảo nhỏ để nhìn nhận, đánh giá, thảo luận về các thử nghiệm trong những vở diễn dự thi. Liên hoan chào đón người làm nghề và khán giả vào xem miễn phí.

Trong đêm khai mạc, hội đồng giám khảo cũng đã được công bố bao gồm: NSND Trần Minh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng giám khảo; 4 ủy viên là PTS-TS.Trần Trí Trắc, nhà văn Chu Lai, đạo diễn người Pháp Alain Destandau và giám khảo người Singapore Chua Soo Pong.

* Đi tìm cái mới

Nói về chữ thử nghiệm, đạo diễn, NSND Trần Minh Ngọc, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học sân khấu - điện ảnh TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng giám khảo liên hoan nói: “Sở dĩ, các lĩnh vực khoa học, y tế… phát triển vì liên tục tìm tòi, thử nghiệm cái mới. Thử nghiệm là làm thử chưa biết kết quả ra sao, có thể thành công có thể thất bại. Sân khấu cần hình thức mới thì cũng nên làm thử xem ra làm sao”.

Sự thử nghiệm này đã được nền sân khấu thế giới làm “phép thử” liên tục với nhiều hình thức và hoàn cảnh rất đa dạng. Một nhà hát ở Ba Lan chuyên về sân khấu thử nghiệm chỉ có 99 chỗ ngồi, họ tổ chức bán vé cho khán giả vào xem từ lúc… tập cho đến lúc ra mắt vở diễn. Một sân khấu khác thử nghiệm bằng hình thức thiền, vận dụng các hình thức thể hiện của Phật giáo để xây dựng vở diễn. Có một đoàn kịch châu Âu để tiện việc lưu diễn khắp nơi trên thế giới nên thử nghiệm giản lược cảnh trí và hạn chế nhân lực nên diễn viên cũng là… hậu đài, tự chuyển cảnh trong quá trình diễn…

Vở cải lương Nhật thực mở màn đêm khai mạc Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần IV-2019. Ảnh: T. Trọng
Vở cải lương Nhật thực mở màn đêm khai mạc Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần IV-2019. Ảnh: T. Trọng

Sự thử nghiệm đôi lúc bị cho là… quái dị, khác người, nhưng với những người có sáng tạo thật sự, dường như họ chẳng quan tâm đến điều đó. Mục tiêu của họ là cứ kiên trì làm thử, đến khi nào đó có thể họ sẽ tìm ra phương thức thể hiện, một ngôn ngữ riêng để tạo ra dấu ấn nghệ thuật. Cũng như bác nông dân, cứ thử, cứ mày mò đến một ngày sáng tạo ra một loại máy móc phù hợp, đem lại năng suất cao cho sản xuất nông nghiệp.

Làm nghệ thuật cứ co cụm trong vùng an toàn thì đến ngày nào đó sáng tạo bị thui chột, ngôn ngữ nghệ thuật cứ lặp đi lặp lại một cách nhàm chán, và dần dần cứ quẩn quanh rồi bế tắc. Và như thế cần có cái nhìn nghiêm túc về thử nghiệm trong sân khấu để từ đó phát huy sự sáng tạo, có cái nhìn mới về tư duy nghệ thuật.

Trí Trọng

Tin xem nhiều