Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi bóng xế chiều

08:10, 11/10/2019

Truyện ngắn của Ngô Hường

- Bà ăn cơm gì để tui mua?

- Ông ăn gì thì mua, tui còn dở tô bún hồi trưa.

- Trời, ăn vậy sao khỏe được? Ăn nhiều nhiều mới khỏe được chớ!

Vân khẽ mỉm cười khi nghe đoạn đối thoại của hai cụ giường bên. Bà cụ nằm viện sau Vân một ngày. Bà bị suy tim, rồi hẹp, hở tùm lum. Là Vân biết qua những lần thăm khám của bác sĩ. Bà nặng gần cả tạ, trong lúc ông ốm nhom đi theo chăm bà.

“Con cái ông bà đâu?”, nhiều lần Vân định hỏi nhưng rồi lại thôi.

Ông vẫn nắm tay bà năn nỉ:

- Bà ăn gì đi chứ. Tiền tui còn túi này, túi sau, rồi trong bóp nữa. Bà ăn nhiều vô, khỏe lên mà về với tui cho vui chớ!

Bà nằm thở dài không trả lời, mắt bà chớm rưng rưng. Tính từ đầu năm đến giờ, đây là lần thứ 7 bà nằm viện, lần mươi ngày, lần nửa tháng, lúc Sài Gòn, lúc Biên Hòa, chỉ có một điều không đổi là mình ông theo chăm. Con cái của ông bà đâu? Vân cứ thắc mắc hoài không thôi.

Ông kể, nhìn bà giờ bệnh tật nên mập vậy thôi, ngày xưa bà xinh nhất xứ, đêm đêm trai làng từng tốp, từng tốp xếp hàng trước cổng nhà bà để được vào chơi. Ông ở xứ khác nghe đồn cũng tới để được chiêm ngưỡng dung nhan của bà chứ nào dám tán tỉnh gì. Vậy mà ngay chính lần đầu xuất hiện đó đã bị trai trong xứ rượt ra tận bờ ruộng. Lúc lâm nguy thì bản lĩnh con người ghê gớm lắm.

Ông bảo, lúc đó ông đánh ăn may chứ nào phải khỏe mạnh gì đâu. Mà có khỏe mạnh kiểu gì thì một thằng xứ khác cũng bầm giập hoặc là mất xác với lũ trai 20 tên lực lưỡng. Xác định năm ăn năm thua (mà thua là cầm chắc), ông dồn hết sức lực mà mấy năm cày đồng khổ luyện xông phi một đá vào ngực thằng đứng gần nhất. Thật bất ngờ, thằng này ngã ngửa ra đất rồi bất tỉnh. Đám trai làng hùng dũng kia trố mắt ra nhìn rồi chạy thục mạng. Chúng tưởng gặp phải Võ Tòng giữa miền Đông. Ông đứng lại với thằng thua trận. Lẽ ra ông có thể đi về để mặc đấy, nhưng nghĩ sao, ông bước tới, cõng cái thằng cách đây vài phút là địch thủ đi về hướng nhà bà. Cả nhà bà nháo nhác. Tía của bà là thầy thuốc Đông y nên mấy ca như này chỉ vài cái day huyệt là lại tỉnh táo ngay. Sau bận ấy, ông trở thành khách quý của cả xứ. Đám cưới ông bà diễn ra sôi động với sự hộ tống của hơn 20 trai làng hùng dũng.

Đó là câu chuyện mà ông hay kể nhất mỗi khi bà ngủ. Mà ông kể hoài, kể đến mức đứa nằm giường kế là Vân cũng thuộc ngay cả cái giậm chân lấy đà xông phi của ông. Mỗi lúc ông kể chuyện, bà chẳng thèm trở, giống như là ngủ say lắm. Ấy vậy mà mỗi lần ông kể lộn một chi tiết là bà nhắc ngay. Ông lại nắm nắm tay bà rồi hỏi “Bà khỏe chớ?”.

Những lúc bà khỏe, bà ngồi dậy góp vui với phòng vài điệu vọng cổ. Giọng bà khàn đục nhưng người nghe vẫn nhận ra một giọng ca được rèn luyện cẩn thận. Mỗi lúc như thế, ông vui hẳn, vui như lúc bà gật đầu đồng ý về với ông (là Vân nghĩ vậy chứ nào ai được chứng kiến cảnh đó đâu). Đôi lúc cao hứng, ông còn chêm vào mấy câu lạc điệu làm ai cũng phì cười.

***

Bác sĩ chẩn đoán bà bị hẹp động mạch vành, phải nong thông gì đó. Mà bà thì mập quá, nếu can thiệp thì tiên lượng rất xấu. Ông thở dài đánh thượt khi bước ra khỏi phòng bác sĩ. Chuyện này ông biết từ lâu, từ lúc bà nằm Viện tim Sài Gòn về cách đây 6 tháng. Trong 6 tháng đó, mỗi lúc bà đau, ông lại đổi viện với bệnh án mới tinh. Ông mong rằng bệnh viện mới sẽ cho kết quả khác, cho một kết quả dễ chịu hơn việc phải đè bà ra để phẫu thuật. Ông không muốn xảy ra bất kỳ điều đáng tiếc nào. Ông không muốn xa bà dù chỉ một khắc đồng hồ. Vậy mà ở đây họ cũng kết luận y hệt vậy. Ông mông lung quá. Đất đai ông mấy sào, đang lên giá từng ngày, ông thừa sức đưa bà đi chữa trị nhưng lỡ bà có chuyện gì ông biết sống sao?

Ông về phòng khi đã đốt hết cả bao thuốc, đó có lẽ là lần ông để bà nằm một mình lâu nhất mà Vân chứng kiến. Cả phòng đã tắt đèn đi ngủ từ lâu. Vân cũng nằm nhưng không hiểu sao không ngủ được. Vân lo lắng khi thấy ông chưa về, mà thật lâu ông vẫn chưa về. Bà nằm kế Vân. Lúc đầu bà còn trở mình nặng nhọc, nhưng sau mệt quá bà cũng ngủ thiếp đi mất. Nhiều lúc Vân tính lấy chân khều xem bà còn sống hay không, bởi Vân sợ, Vân sợ lúc ông về bà không còn thở nữa. Nếu như thế chắc ông chết mất. Thế nên khi thấy bóng ông xuất hiện ngoài cửa, Vân thở phào nhẹ nhõm. Ông rón rén ngồi lên mé giường như sợ bà giật mình thức giấc, nhưng chính ông lại là người giật mình khi bà hỏi:

- Ông khỏe chớ? Tui tưởng ông bỏ tui đi mất rồi.

- Ờ, tui ngồi chuyện phiếm với mấy lão đàn ông chăm vợ, mải chuyện nên quên mất.

- Ông đi đâu cầm điện thoại để lỡ có gì tui còn gọi.

- Ờ, bà khỏe không?

Bà không trả lời ông. Bà nằm né vô trong để ông ngồi cho vững. Bà phân vân quá chẳng biết nên nói với ông không. Là cuộc điện thoại hồi đầu hôm bà nhận.

- Ông đến phòng bác sĩ chưa? - Bà đột nhiên hỏi.

- Ờ, ờ… tui, tui đến rồi.

- Gì mà ông lấp lửng thế? Bác sĩ bảo sao?

Lúc này ông đã bớt xúc động nên lên giọng mạnh mẽ:

- Bác sĩ kêu bà đau bệnh cũ thôi, chỉ cần nghỉ ngơi và vui vẻ là khỏe ngay.

Bà cũng chẳng tin, vì bà thấy mình đau dữ lắm, lâu lâu lại đau thắt hết cả ngực như ai bóp nghẹn đường thở. Nhưng lúc này bà chẳng nghĩ đến bệnh đau nữa, lưỡng lự một lúc rồi bà bảo:

- Tui nói ông nghe nè…

- Bà nói đi, bà đau ở đâu? Hay tui gọi bác sĩ cho bà nghe!

- Không, tui không đau, là thằng Lực hồi chiều nó gọi điện…

Ông bỗng đổi giọng quát:

- Tui bảo bà không được nghe điện thoại của nó nữa, sao bà không nghe tui?

- Thì nó lấy số lạ gọi, tui nào có hay.

- Nó nói sao?

- Nó biểu tui bàn với ông bán lô đất ngoài kia cho nó…

- Bán bán cái mả cha nó ấy. Mẹ nằm viện không một lời hỏi thăm còn đòi bán chác cái gì.

Vài tiếng trở mình sột soạt sau tiếng quát của ông. Ông chột dạ ngồi im một lúc rồi dợm mình nằm xuống. Bà kéo tai ông thầm thì:

- Ông à, nước mắt chảy xuôi…

Ông bật dậy như một cái lò xo rồi chắp tay sau đít đi ra. Ông không đôi co với bà nữa, đêm hôm, người bệnh cần được nghỉ ngơi. Nhưng chuyện bán đất cho thằng con bất hiếu thì ông không tha thứ được. Nó có thể cãi ông, hỗn với ông, nhưng với người rứt ruột sanh nó ra thì nó không được phép.

Ông lại châm thuốc. Ông ước gì mình có thể gánh bớt phần bệnh cho bà để bà không phải phẫu thuật. Ông lại nhớ đến lời bác sĩ hồi chiều là càng để lâu thì bệnh bà càng nặng, càng khó chữa. Dù có rủi ro nhưng y học hiện đại rồi, nhiều ca khó hơn của bà họ còn chữa được huống gì là ca này. Chắc ông phải lấy hết sức can đảm để cùng bà vượt qua cơn hoạn nạn này, giống như lúc ông dùng hết sức mạnh để xông phi một quả lên ngực đối phương, có như thế ông mới có được bà.

Ông chầm chậm đi vào phòng khi bà đã thiếp đi. Đặt tay lên ngực bà, thấy bà còn thở là ông thấy như tim mình còn đập. Không phải chỉ ngày mai, mà cả cuộc đời còn lại, ông sẽ mãi sát cánh bên bà.

Ngô Hường

Tin xem nhiều