Báo Đồng Nai điện tử
En

Niềm tin từ Nhân danh công lý

12:11, 13/11/2019

Cách đây hơn 30 năm, vở kịch chống tiêu cực Nhân danh công lý (tác giả kịch bản Doãn Hoàng Giang - Võ Khắc Nghiêm) đã tạo được nhiều tiếng vang trên sân khấu. Câu chuyện đậm tính thời sự ấy nay được NSƯT Đồng Thị Quế Anh, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Đồng Nai chuyển thể, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (TP.Hồ Chí Minh) dàn dựng, nghệ sĩ Phan Quốc Kiệt làm đạo diễn.

Cách đây hơn 30 năm, vở kịch chống tiêu cực Nhân danh công lý (tác giả kịch bản Doãn Hoàng Giang - Võ Khắc Nghiêm) đã tạo được nhiều tiếng vang trên sân khấu. Câu chuyện đậm tính thời sự ấy nay được NSƯT Đồng Thị Quế Anh, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Đồng Nai chuyển thể, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (TP.Hồ Chí Minh) dàn dựng, nghệ sĩ Phan Quốc Kiệt làm đạo diễn.

Một cảnh trong vở cải lương Nhân danh công lý của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Ảnh: L. Na
Một cảnh trong vở cải lương Nhân danh công lý của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Ảnh: L. Na

Tuy là đề tài cũ được làm mới nhưng tính thời sự của vở diễn cùng với việc phản ánh sâu rộng nhiều mặt của đời sống xã hội đương đại đã góp phần mang đến sự hấp dẫn cho người xem…

* Làm mới đề tài cũ

Câu chuyện của vở cải lương được đưa về năm 2019 nhưng vẫn giữ được tính nguyên bản. Nhân vật chính là Hoàng Tú - con của một cán bộ cấp cao có lối sống buông thả, vì si mê cô giáo Thúy Quỳnh xinh đẹp đã bày kế dụ Thúy Quỳnh đến nhà để cưỡng bức. Bác sĩ Huy, người yêu của Thúy Quỳnh, trong lúc tranh cãi với Hoàng Tú đã bị tên này giết hại.

Nhằm bảo tồn và phát huy sân khấu truyền thống dân tộc, đồng thời tạo lại thói quen đến rạp xem cải lương cho công chúng, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang sẽ tiếp tục công diễn, phục vụ khán giả mộ điệu các vở: Giấc mộng đêm Xuân, Nhân danh công lý, Bàn thờ Tổ một cô đào… Mỗi tháng sẽ có 2 suất diễn miễn phí, khán giả có thể liên hệ nhận vé mời tại phòng vé rạp Hưng Đạo (quận 1, TP.Hồ Chí Minh).

Nếu như Hoàng Tú của Nhân danh công lý hơn 30 năm trước vì yêu Thúy Quỳnh mà phạm tội thì trong bản dựng mới, tình yêu chỉ là phù phiếm. Hoàng Tú có sở thích “săn con mồi” để tiêu khiển chứ không phải vì yêu Thúy Quỳnh. Vở diễn được đạo diễn Phan Quốc Kiệt lồng ghép thêm nhiều chi tiết, phù hợp với hiện thực xã hội, trong đó nổi lên vấn nạn “chạy án”, “chạy chức” và “chạy quyền”.

Hoàng Tú giết người nhưng vẫn thách thức pháp luật “ngã giá” để thay đổi bản án từ đen thành trắng. Bà Hoán (mẹ của Hoàng Tú) dựa vào quyền uy của chồng mà tự tung tự tác. Vở diễn kết thúc với việc chạy án của Hoàng Tú không thành công, anh ta đã bị đưa ra xét xử…

Cảnh trí vở cải lương được thiết kế đơn giản. Tiết tấu của câu chuyện được đẩy lên nhanh hơn, cắt bớt những đoạn thoại dài mà thay bằng những câu vọng cổ, những bài bản cải lương trữ tình, sâu lắng. Với liều lượng vừa đủ, các bài nhạc trong Nhân danh công lý đã tạo ra hứng thú cho khán giả mê cải lương.

NSƯT Quế Anh cho biết, Nhân danh công lý là một vở kịch nổi tiếng nên đa phần khán giả đã biết nội dung. Để thu hút người xem, đòi hỏi có những thủ pháp dàn dựng và chuyển thể cải lương mới lạ và hấp dẫn.

“Khi được mời chuyển thể cho vở diễn, Quế Anh đã rất trăn trở, dành nhiều thời gian tìm hiểu kỹ những vấn đề pháp lý liên quan; lời thoại của các tuyến nhân vật cũng được làm mới, bài bản cải lương kết hợp sao cho có độ mượt mà. Rất may, khi lên sàn diễn, các diễn viên đã hóa thân vào vai một cách trọn vẹn, đẩy cảm xúc lên cao trào và truyền hồn cốt vào câu chuyện…” - NSƯT Quế Anh nói.

* Niềm tin vào công lý

Xem cải lương Nhân danh công lý, khán giả nhận ra nhiều thông điệp được gửi gắm. Vở diễn mạnh dạn phê phán những hiện tượng tiêu cực đang tồn tại trong đời sống như: với những người nắm luật, cầm trong tay “cán cân công lý” cần có trách nhiệm để tránh oan sai cho dân; những bậc cha mẹ có chức, có quyền không nuông chiều con thái quá, không dùng đồng tiền để chi phối các mối quan hệ, xem thường pháp luật.

Trong vở diễn, bên cạnh một số cán bộ công an vì lợi ích đã “tự diễn biến” để thỏa hiệp với cái xấu, cái ác, làm sai lệch hồ sơ, chứng cứ vụ án, còn có những con người dám dấn thân để bảo vệ lẽ phải và không đánh mất chính mình trước những cám dỗ. Điều này ít ra khiến nhân dân còn niềm tin vào những người đang thực thi công lý. Ở thời điểm hiện tại, khi cả nước đẩy mạnh việc phát hiện và đưa ra xét xử nhiều vụ án tham nhũng, lợi dụng chức quyền thì việc lựa chọn vở diễn để dàn dựng và cho ra mắt công chúng đã bắt kịp với tình hình thời sự, góp thêm một tiếng nói, niềm tin vào công lý.

Dẫu không còn “chấn động” nhưng những bài học từ Nhân danh công lý vẫn làm cho người xem trăn trở. Đạo diễn, NSND Trần Minh Ngọc cho rằng, với cách làm mới tác phẩm kịch thành cải lương cùng những bài học ý nghĩa, vở diễn Nhân danh công lý sẽ kéo khán giả đến gần hơn với cải lương.        

Ly Na

Tin xem nhiều