Báo Đồng Nai điện tử
En

Tết về nhớ ngày tảo mộ

09:01, 16/01/2020

Tảo mộ là một phong tục của người Việt có tự bao đời nay. Truyền thống tâm linh người Việt tin rằng, khi năm mới đến tất cả mọi thứ đều phải được chuẩn bị, sửa sang cho mới mẻ, kể cả nơi an nghỉ của ông bà, người thân.

Tảo mộ là một phong tục của người Việt có tự bao đời nay. Truyền thống tâm linh người Việt tin rằng, khi năm mới đến tất cả mọi thứ đều phải được chuẩn bị, sửa sang cho mới mẻ, kể cả nơi an nghỉ của ông bà, người thân.

Tôi nhớ, hồi ông tôi còn sống, ông vẫn luôn nhắc nhở với con cháu rằng, dẫu bận rộn cỡ nào cũng phải tranh thủ “dọn nhà” cho ông bà, tổ tiên đón Tết. “Dọn nhà” mà ông nói tới chính là việc tảo mộ. Ông nói thêm, Tết là một mốc thời gian vô cùng quan trọng, trong thời khắc thiêng liêng âm dương giao hòa, con người có thể cộng cảm với thiên nhiên, nghe từng hơi Xuân len vào mạch đời và cảm ứng được với tổ tiên, những người đã khuất. Việc ăn Tết không đơn thuần là hết một năm con người thêm một tuổi, tụ tập ăn uống, nói chuyện mà Tết còn là bổn phận con cháu đối với ông bà đã khuất. Tảo mộ là dịp con cháu đến chăm sóc mộ phần, thắp nén hương dâng lên tổ tiên.

Trong ánh nắng chiều của ngày ba mươi Tết, nhà nhà lại đi tảo mộ. Dọc đường làng, đường dẫn ra nghĩa trang ông dắt cháu, cha dắt con mang dụng cụ đi tảo mộ. Người lớn sẽ hướng dẫn cho con trẻ tất cả các nghi thức cần thiết. Và cứ thế, tiếp nối, từ thế hệ này sang thế hệ khác, tảo mộ chiều ba mươi Tết là nét đẹp, tục lệ thiêng liêng từ năm này qua năm khác. Đầu giờ chiều, cả khu nghĩa trang bắt đầu nghi ngút của khói hương. Cũng chính vì thế mà chiều ba mươi Tết nghĩa trang bớt hiu quạnh, vắng lặng như ngày thường. Nhiều gia đình cho rằng mỗi dịp tảo mộ cũng là một dịp giãi bày với ông bà, tổ tiên những chuyện đã xảy đến trong năm với cả gia đình, dòng họ...

Người đời ví: “Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu” là vậy. Ca dao xưa cũng có câu: “Con người có tổ có tông - Như cây có cội, như sông có nguồn”, thăm viếng phần mộ tổ tiên cũng là nét đặc trưng của văn hóa cổ truyền, một tục lệ trong “đạo thờ ông bà” của dân tộc ta vốn từ lâu đã trở thành truyền thống. Dù tất bật thế nào đi chăng nữa trong cuộc mưu sinh, dù cả năm bôn ba làm ăn ở nơi xa, nhưng đến ngày này, chốn quay về vẫn là gia đình. Đó cũng là thể hiện của tình cảm hướng về với nguồn cội.

Tôi còn nhớ rất rõ câu nói của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng trong một tạp chí văn hóa. Ông nhấn mạnh, việc tảo mộ ngày Xuân là nét đẹp của truyền thống uống nước nhớ nguồn, đồng thời là dịp con cháu tụ họp để tái lập và củng cố lại duyên mối, cấu kết của cộng đồng tộc họ. Về mặt tín ngưỡng, tâm linh thì việc nhớ tới người đã khuất còn là bổn phận của con cháu, phải lo cho ông bà mình tử tế, để cho vong hồn ông bà mình được thảnh thơi, được đủ đầy, được vui vẻ và từ đó ông bà phù hộ cho công việc, sức khỏe, làm ăn, học hành của con cháu. Việc tụ họp con cháu vào ngày tảo mộ là việc quan trọng, giúp cho các thế hệ trẻ biết nơi chốn mồ mả ông bà, tổ tiên, để sau này tiếp nối truyền thống uống nước nhớ nguồn của dòng tộc mình.

Vậy nên, năm nào không về dự được ngày tảo mộ của tộc họ, tôi cảm thấy mình còn thiếu sót nhiều trong bổn phận đối với tổ tiên và tự hứa năm sau phải cố gắng hơn...

Ngô Nữ Thùy Linh

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích