Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm tòi, trăn trở của người trẻ

10:02, 05/02/2020

Các họa sĩ, nhà điêu khắc trẻ như: Trần Đình Thắng, Lê Vân, Nguyễn Quốc Trọng, Trần Thanh Tùng… đều là hội viên Hội Văn học nghệ thuật (VNHT) Đồng Nai. Họ đã và đang từng bước khẳng định mình bằng tác phẩm mới và để lại dấu ấn trong lòng công chúng.

Các họa sĩ, nhà điêu khắc trẻ như: Trần Đình Thắng, Lê Vân, Nguyễn Quốc Trọng, Trần Thanh Tùng… đều là hội viên Hội Văn học nghệ thuật (VNHT) Đồng Nai. Họ đã và đang từng bước khẳng định mình bằng tác phẩm mới và để lại dấu ấn trong lòng công chúng.

Tác phẩm Thanh âm (chất liệu khắc gỗ đen trắng) của họa sĩ Lê Vân tham dự giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam 2019. Ảnh: L.Na
Tác phẩm Thanh âm (chất liệu khắc gỗ đen trắng) của họa sĩ Lê Vân tham dự giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam 2019. Ảnh: L.Na

* Người trẻ với tác phẩm mới

Trần Đình Thắng (33 tuổi) là họa sĩ, điêu khắc trẻ của mỹ thuật Đồng Nai có nhiều chuyển biến trong quá trình lao động nghệ thuật. Sự chuyển biến đó đến từ trăn trở, tìm kiếm ý tưởng trong sáng tạo của cá nhân. Những sáng tác của Đình Thắng trong thời gian gần đây cho người xem thấy được tâm thế nhập cuộc với cái mới, với những thử nghiệm gắn liền giữa tính truyền thống và hiện đại. Các chất liệu mà anh sử dụng nhiều nhất vẫn là đá, sắt, gỗ… Qua đó, kể những câu chuyện về quê hương, mảnh đất và con người Đồng Nai.

Các tác phẩm của Đình Thắng luôn mang tính thời sự, điều này đã tạo được sự rung động cũng như ấn tượng trong giới mỹ thuật. Trong đó phải kể đến các tác phẩm: Trưa hè (điêu khắc gỗ) được trưng bày tại Bảo tàng mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh; Văn miếu Trấn Biên (điêu khắc đá) trưng bày ở công viên Văn miếu Trấn Biên; Rừng già (hàn sắt, đoạt giải B Triển lãm mỹ thuật Đông Nam bộ năm 2019)...  Chiêm ngưỡng tác phẩm của Đình Thắng, người xem thấy ở đó có một sự tính toán, làm chủ của chủ thể nghệ thuật, không nương bám theo thời đại một cách qua loa, hời hợt.

Mỹ thuật của họa sĩ trẻ Lê Vân (35 tuổi, giảng viên Trường đại học Đồng Nai) cũng ám ảnh người xem không kém bởi kỹ thuật vững vàng và cách lựa chọn điểm nhìn trong nghệ thuật. Lê Vân sinh ra và lớn lên ở Nam Định, chị tốt nghiệp Trường đại học mỹ thuật Việt Nam nhưng có duyên với mảnh đất Đồng Nai. Với đam mê và kiến thức được học cộng với sự tìm tòi trong sáng tạo nghệ thuật, Lê Vân đã làm mới mình trên chất liệu sơn mài và khắc gỗ.

Nhiều họa sĩ ở Đồng Nai nhận xét rằng, tác phẩm của Lê Vân có đường nét, màu sắc chỉn chu, thể hiện nhiều tiếng nói trong cuộc sống. Một số tác phẩm đôi khi trở về với những điều mộc mạc, giản dị, những gam màu tươi sáng tạo nên cảm giác bình yên và hy vọng. Đáng chú ý là tác phẩm Thanh âm (chất liệu khắc gỗ đen trắng) của chị được gửi tham dự xét giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2019. Thanh âm lấy cảm hứng từ văn hóa Chăm, truyền tải đến người xem thông điệp về việc giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc.

Hay với họa sĩ sinh năm 1982 Nguyễn Quốc Trọng, nỗ lực làm mới mình trong nghệ thuật đã trải qua một thời gian dài cho đến khi có nhiều tác phẩm được công chúng ghi nhận và giới chuyên môn đánh giá cao. Cụ thể như: tác phẩm Bức họa chân dung Bác Hồ trên mành tre; Chiến sĩ hải quân vẽ bằng bút sắt trên gỗ… Mỗi tác phẩm là một lát cắt sinh động thể hiện độ chín của sự sáng tạo; chất lượng và ngôn ngữ tạo hình, kỹ năng thể hiện phong phú.

* Và những trăn trở…

Với những người trẻ, sáng tạo và làm mới mỹ thuật trên mảnh đất Biên Hòa - Đồng Nai hơn 320 năm hình thành và phát triển là điều không hề dễ dàng bởi ở đây có truyền thống nghệ thuật lâu đời, có nhiều “bậc thầy” đi trước. Bởi vậy, những khám phá mới, ý tưởng mới trong mỹ thuật trẻ bao giờ cũng phải được thực hiện một cách nghiêm túc, dày công.

Tác phẩm Rừng già (hàn sắt) của Trần Đình Thắng đoạt giải B Triển lãm mỹ thuật Đông Nam bộ 2019. Ảnh: L.Na
Tác phẩm Rừng già (hàn sắt) của Trần Đình Thắng đoạt giải B Triển lãm mỹ thuật Đông Nam bộ 2019. Ảnh: L.Na

Với họa sĩ Lê Vân, hiện thực đời sống luôn là nguồn cảm hứng của sáng tạo nghệ thuật. Lê Vân chia sẻ: “Điều ám ảnh nhất đối với người nghệ sĩ là phản ánh hiện thực đến với công chúng một cách sáng tạo, hiệu quả, thẩm mỹ nhất. Đặc biệt, phải làm sao để mỗi tác phẩm của mình đủ sức chạm vào những cung bậc cảm xúc của công chúng”.

Dù trẻ nhưng các họa sĩ, nhà điêu khắc đều thể hiện tay nghề và có những suy nghĩ táo bạo. Nhiều tác phẩm tham gia các liên hoan, cuộc thi trong và ngoài tỉnh được hội đồng nghệ thuật đánh giá cao với sự ghi nhận bằng những giải thưởng và được công chúng biết đến nhiều hơn. Tuy vậy, hầu hết các nghệ sĩ đều bày tỏ mong muốn sẽ sáng tạo nhiều tác phẩm mới, phù hợp với thực tiễn và có giá trị nghệ thuật cao hơn, đồng thời có thêm một không gian rộng để trưng bày tác phẩm phục vụ công chúng.

Theo Trưởng ban Mỹ thuật (Hội VHNT Đồng Nai) Phạm Công Hoàng, các tác giả trẻ của mỹ thuật Đồng Nai hôm nay đã không ngừng sáng tạo nhằm mang đến cho công chúng cái nhìn mới về nghệ thuật. Cái mới ấy thể hiện ở chỗ, mọi sự tìm tòi không còn bị hạn chế bởi hình thức mà vượt sang những lãnh địa khác trong cảm xúc và khai thác nhiều khía cạnh của cuộc sống. Nhiều tác giả còn khai thác tính triết lý trong đời sống và thể hiện bằng những thông điệp cụ thể, giúp công chúng hiểu rõ hơn về các giá trị nhân văn.

“Chúng tôi vui mừng vì VHNT tỉnh nhà đã và đang có một thế hệ trẻ tiếp nối được nền tảng, dòng chảy của mỹ thuật Đồng Nai. Chúng tôi mong rằng, mỹ thuật trẻ sẽ tiếp tục sáng tạo để có những tác phẩm mới, va đập vào hiện thực đời sống nhiều hơn, thể hiện sự rung cảm gắn liền với đời sống xã hội” - họa sĩ Phạm Công Hoàng nói.

Trưởng ban Mỹ thuật (Hội VHNT Đồng Nai) Phạm Công Hoàng cho hay: “Hiện tại, lực lượng trẻ ở Ban Mỹ thuật hoạt động rất tích cực, một phần nhờ có sự quan tâm của lãnh đạo Hội. Với việc tìm tòi, sáng tạo không ngừng trong tư tưởng cũng như trong bút pháp, mỹ thuật trẻ Đồng Nai hứa hẹn có những tên tuổi lớn góp mặt vào bức tranh mỹ thuật Việt Nam trong tương lai gần”.

Ly Na

Tin xem nhiều