Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Hữu Thiết: Đam mê nhiếp ảnh đời thường

09:04, 02/04/2020

Đầu năm 2020, nhiều niềm vui đến với nhiếp ảnh gia Lê Hữu Thiết. Anh liên tiếp giành 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 2 huy chương đồng cùng nhiều tác phẩm được cấp bằng danh dự trên sân chơi ảnh nghệ thuật quốc tế. Thành tích vang dội ấy là kết quả tất yếu cho khoảng thời gian Lê Hữu Thiết miệt mài với đam mê nhiếp ảnh của riêng mình.

Đầu năm 2020, nhiều niềm vui đến với nhiếp ảnh gia Lê Hữu Thiết. Anh liên tiếp giành 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 2 huy chương đồng cùng nhiều tác phẩm được cấp bằng danh dự trên sân chơi ảnh nghệ thuật quốc tế. Thành tích vang dội ấy là kết quả tất yếu cho khoảng thời gian Lê Hữu Thiết miệt mài với đam mê nhiếp ảnh của riêng mình.

Chân dung nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Hữu Thiết
Chân dung nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Hữu Thiết

Mỗi tác phẩm anh bấm máy ngày càng tươi mới hơn, ý nghĩa và tích cực hơn, mang tới sự lạc quan, hướng đến những niềm vui trong cuộc sống.

* Nhiếp ảnh vừa là đam mê, vừa là nghề nghiệp

Trước khi trở thành đam mê, nhiếp ảnh đối với Lê Hữu Thiết là nghề nghiệp. Máy ảnh chính là cánh tay phải đắc lực mang đến cho tổ ấm nhỏ của anh cuộc sống hòa thuận, đầm ấm hôm nay, cùng anh đi qua đủ mọi buồn vui ở đời, ghi dấu từng thăng trầm, biến đổi trong đời sống mưu sinh của chàng thanh niên sinh ra từ mảnh đất gió Lào cát trắng. Mãi đến sau này, khi trên vai nhẹ dần gánh nặng áo cơm, các con dần khôn lớn, Lê Hữu Thiết mới dám nghĩ đến những bức ảnh nghệ thuật. Cũng từ lúc ấy, loại hình nghệ thuật của tốc độ, thị giác đầy công phu đã trở thành “người tri kỷ” thứ hai không thể thiếu với anh.

Đảm nhiệm vai trò trụ cột gia đình với thu nhập chính từ việc làm quản lý cho một công ty phân bón tại TP.HCM, Lê Hữu Thiết vẫn nuôi dưỡng đam mê bao năm ấp ủ, luôn mang theo chiếc máy ảnh bên mình, cùng xuôi ngược mọi nẻo đường đất nước. Anh bắt đầu tham gia CLB Nhiếp ảnh Long Khánh, CLB Nhiếp ảnh Hội Nhà báo Đồng Nai, rồi đến với Ban Nhiếp ảnh Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai vào năm 2019.

Xuất thân từ miền Trung “chang chang cồn cát”, Lê Hữu Thiết đặc biệt chú ý đến không gian xung quanh với sinh hoạt đời thường và những câu chuyện của con người, mối tương quan giữa con người và vũ trụ, chuyên tâm vào mảng đề tài này. Ham muốn tìm kiếm, khám phá những điều mới mẻ, nhưng không vì thế mà Hữu Thiết thờ ơ trước mỗi khuôn mặt hay sự vật, hiện tượng mà anh nhìn thấy mỗi ngày.

Tác phẩm Hai chị em (Huy chương đồng Fiap Bronzet tại Thiên Tân - Trung Quốc năm 2019 - thể loại Ảnh màu tự do)
Tác phẩm Hai chị em (Huy chương đồng Fiap Bronzet tại Thiên Tân - Trung Quốc năm 2019 - thể loại Ảnh màu tự do)

Không dễ dàng bỏ qua một khoảnh khắc đẹp nào tại chính nơi mình sinh sống, Hữu Thiết sẵn sàng ghi lại vẻ đẹp tiềm ẩn hay những khoảnh khắc vĩnh cửu của cuộc sống đời thường. Mỗi bức ảnh tuy chỉ ghi được thời điểm nhất định nhưng có tác dụng kể lại từng câu chuyện hấp dẫn: lúc về tình người ấm áp nâng đỡ sẻ chia, khi là sự hăng say trong công việc, lúc lại nêu cao tinh thần thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe, mang đến cho công chúng những cảm xúc mạnh mẽ về thiên nhiên, văn hóa và con người địa phương.

* Say mê tìm tòi

Không quá dày công lên rừng xuống biển, Lê Hữu Thiết cứ thế mà lượm lặt những mẩu chuyện xảy ra hằng ngày ở khắp phố phường thiên hình vạn trạng, muôn màu muôn vẻ, rồi âm thầm gạn đục khơi trong, cô đọng, sàng lọc ra những gì tinh túy nhất, chớp lấy cái hồn của cuộc sống đưa vào trong ảnh. Dù đặc tả công việc ở trên cao của công nhân điện, ngay mặt đất quanh ta của phụ nữ, người già và trẻ em hay dưới tầng sâu của thợ mỏ hoặc ngoài biển khơi của ngư phủ lênh đênh, Lê Hữu Thiết đều say mê tìm tòi, suy nghĩ, lựa chọn góc độ, bối cảnh độc đáo để chụp được những bức ảnh bình thường nhưng không tầm thường. Không tiếc số lần bấm máy, với Lê Hữu Thiết, chụp thật nhiều là cách đưa anh đến nhanh hơn với một bức ảnh hoàn hảo. Đôi khi, một khung hình được cho là không đẹp tại thời điểm chụp lại đem đến những hiệu quả bất ngờ sau này.

Đẩy lùi Covid-19 (Giải nhì cuộc thi Marathon phòng chống dịch Covid- 19 Kênh truyền hình Nhân dân)
Đẩy lùi Covid-19 (Giải nhì cuộc thi Marathon phòng chống dịch Covid- 19 Kênh truyền hình Nhân dân)

Ít có sự can thiệp của kỹ xảo và hầu như không có sự bố trí, sắp đặt nào, nhân vật trung tâm thường được Lê Hữu Thiết chụp ở những khoảnh khắc tự nhiên nhất, lột tả được đối tượng ở những giây phút thăng hoa và chân thực nhất. Không gian và bối cảnh trong tác phẩm của anh xuyên suốt và trải dài từ những tỉnh, thành công nghiệp Biên Hòa, Bình Dương tới các bản làng dân tộc ít người vùng Thanh Sơn, Phú Lý, đến những cồn cát mênh mông nắng nóng như Phan Rang, hay cửa biển Hàm Thuận Nam mặn mòi gió muối.

Niềm vui rạng ngời trong nét mặt của người khuyết tật khi được chia sẻ, chăm sóc và yêu thương, sự ân cần, tận tâm trìu mến của người nữ tu trước sự bất hạnh, đau khổ tột cùng nơi nạn nhân chất độc da cam mang đến cho công chúng một ấn tượng sâu sắc. Tác phẩm của Lê Hữu Thiết thu hút người xem bởi các chi tiết như: bàn tay, ánh mắt, trang phục của nhân vật, kể một câu chuyện xúc động về tình người, tình đời, xóa đi ranh giới giữa các tầng lớp, tôn giáo, dân tộc, giới tính...

Giúp trẻ khuyết tật (Huy chương bạc FIP Silver tại Ấn Độ - thể loại Phụ nữ)
Giúp trẻ khuyết tật (Huy chương bạc FIP Silver tại Ấn Độ - thể loại Phụ nữ)

Lê Hữu Thiết không ngừng nỗ lực để bứt mình ra khỏi sự quen thuộc (đôi khi đến nhàm chán), vượt qua cái vô cảm trước cuộc sống đang diễn ra hằng ngày, để có được sự đồng điệu với nhân vật mình thể hiện, bắt được cái “thần”, cái “thật” của cuộc sống, chắt ra những “lát cắt” tiêu biểu ở đời thường muôn màu muôn vẻ, hiện diện mọi lúc, mọi nơi, tự nhiên nhưng vô cùng gần gũi, thân thiết với mọi người đến nỗi khó có thể nhận ra một giá trị hình tượng nghệ thuật nào.

Bằng bản năng nghề nghiệp sắc bén, với một tâm hồn tinh tế và nhạy cảm, dễ rung động trước những điều dung dị, chân thành, Lê Hữu Thiết trở thành một người kể chuyện tài tình với ngôn ngữ hình ảnh đậm tính nhân văn. Cứ thế ngụp lặn giữa môi trường tưởng như quen thuộc nhưng mới mẻ, hấp dẫn, Lê Hữu Thiết vẫn hối hả chạy đua trong cuộc chơi đòi hỏi tính hiện thực có sáng tạo, dưới góc nhìn thị giác đầy nghệ thuật, đậm nhân văn. Vốn sống dày dặn và năng lực triết học logic của một doanh nhân tuổi ngoại tứ tuần là chất liệu chính xây dựng nên công trình nhiếp ảnh nghệ thuật mang tên Lê Hữu Thiết.

Cho con (Huy chương bạc KCA Silver tại Ấn Độ - thể loại Thiên nhiên)
Cho con (Huy chương bạc KCA Silver tại Ấn Độ - thể loại Thiên nhiên)

Những mảng đối lập trong cảm xúc, tư duy tạo nên diện mạo phong phú, đa dạng cho những đứa con tinh thần anh ngày đêm thai nghén. Từ cách khai thác và tôn vinh giá trị nhân văn của đời sống ấy, người xem hiểu được thái độ và trách nhiệm công dân của chính anh với xã hội, với cộng đồng. Cùng với anh em nghệ sĩ nhiếp ảnh Đồng Nai, Lê Hữu Thiết ngày càng thể hiện rõ vai trò người thư ký trung thực của thời gian, ghi lại tất cả những khoảnh khắc của lịch sử, sự biến đổi của thiên nhiên, đất nước, con người vào thời điểm hiện tại mà cuộc sống sau này mãi mãi không lặp lại bao giờ.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Quốc Hưng nhận xét: “Lê Hữu Thiết luôn lắng nghe ý kiến góp ý của anh em với tinh thần cầu thị, vui vẻ hòa đồng, thường xuyên chia sẻ, giúp đỡ đồng nghiệp. Trong môi trường nhiếp ảnh, anh là một thành viên có góc nhìn đơn sơ nhưng đầy mới mẻ, sáng tạo và ấn tượng”.

Huyền Quy

Tin xem nhiều