Báo Đồng Nai điện tử
En

Gìn giữ nghề đan gùi truyền thống

09:05, 15/05/2020

Với đồng bào dân tộc thiểu số, gùi là một vật dụng quen thuộc gắn bó mật thiết trong cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày.

Với đồng bào dân tộc thiểu số, gùi là một vật dụng quen thuộc gắn bó mật thiết trong cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày.

Già Điểu Thanh (phải) đang chuốt nan để đan gùi của đồng bào Chơro ở xã Túc Trưng, H.Định Quán. Ảnh: Ly Na
Già Điểu Thanh (phải) đang chuốt nan để đan gùi của đồng bào Chơro ở xã Túc Trưng, H.Định Quán. Ảnh: Ly Na

Gìn giữ những chiếc gùi truyền thống không chỉ đơn thuần là gìn giữ những vật dụng phục vụ sản xuất, sinh hoạt mà còn giữ “hồn” của văn hóa cộng đồng các dân tộc.

* Nỗ lực giữ nghề truyền thống

Về xã Tà Lài (H.Tân Phú) vào mùa này, không khó để bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ dân tộc Mạ, S’tiêng lưng đeo gùi lên rẫy, lên nương. Đồng bào nơi đây xem gùi như vật “bất ly thân” trong lao động sản xuất. Theo lời kể của bà Ka Né (70 tuổi, dân tộc S’tiêng), bà không nhớ rõ chiếc gùi có từ lúc nào, chỉ biết rằng nó là sản phẩm được hình thành trong quá trình lao động, sản xuất của đồng bào.

Phó chủ tịch HĐND xã Túc Trưng Điểu Hoàng cho biết: “H.Định Quán hiện chỉ còn một hộ gia đình còn giữ nghề đan gùi, đó là gia đình già Điểu Thanh. Các sản phẩm gùi của đồng bào Chơro chủ yếu để phục vụ cho hoạt động bảo tồn giá trị văn hóa, trưng bày nhiều trong Nhà cộng đồng dân tộc tại xã Túc Trưng. Hằng năm, tại đây thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao lưu với các đoàn khách đến tham quan. Qua đó, góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống”.

Bà Ka Né cho biết, bà bắt đầu học đan gùi từ khi 13 tuổi, đến nay đã có hơn 50 năm kinh nghiệm với việc đan lát. “Ngày xưa, những lúc nông nhàn, tôi cùng với người dân trong ấp vào rẫy tìm lồ ô về đan gùi cho gia đình sử dụng. Khi đã thành thạo, tôi học cách đan những chiếc có chi tiết hoa văn phức tạp hơn. Giờ già rồi, thi thoảng mới đan, chủ yếu hướng dẫn cho con cháu học theo” - bà Ka Né nói.

Ở tuổi 67, ông K’Sổi vẫn thường xuyên đan những chiếc gùi truyền thống của đồng bào Mạ từ vật liệu lồ ô, tre nứa. Theo ông, để hoàn thành một chiếc gùi vừa đẹp vừa bền, người làm phải trải qua rất nhiều công đoạn từ việc chọn cây, chuốt nan đến kỹ thuật đan. “Tầm khoảng tháng 7 dương lịch hằng năm, đàn ông trong làng dậy từ tờ mờ sáng, lên núi chọn những cây lồ ô loại không già, không non, có đốt dài về đan gùi. Tùy thuộc vào nhu cầu của người sử dụng mà kích thước mỗi chiếc gùi sẽ được đan to hay nhỏ” - ông K’Sổi chia sẻ.

Là địa phương có đông đồng bào Chơro sinh sống nhưng trên địa bàn H.Định Quán chỉ còn duy nhất một già làng vẫn giữ nghề đan gùi truyền thống. Đó là già Điểu Thanh ở ấp Suối Dzui, xã Túc Trưng. Theo già Điểu Thanh, mấy chục năm về trước, gia đình già đã làm nghề đan gùi. Ở tuổi 76 nhưng già đã có hơn 60 năm tuổi nghề. Giờ đây, khi bà con đã thôi nghề đan gùi, già vẫn say mê với nghề. Một tuần một lần già lên rừng lấy cây lùng (loại cây thuộc họ với tre, nứa, trúc) về “chuốt nan đan gùi”. Già đan thường xuyên không phải vì có khách đặt mua mà chỉ là để khỏi quên nghề.

Già Điểu Thanh bộc bạch: “Có một thời, đồng bào Chơro ở H.Định Quán nhà nhà đều đan gùi. Mỗi người làm được 1-2 sản phẩm/tháng. Không chỉ đan gùi, mà đồng bào Chơro nơi đây còn đan đó, rổ rá, nia... phục vụ nghề nông. Tuy nhiên, hiện nay đồng bào trong ấp, trong xã rất ít người lên rẫy mang theo gùi. Họ sử dụng các phương tiện cũng như vật dụng hiện đại hơn để mang lại hiệu quả lao động cao hơn. Chỉ khi nào có lễ lạt của cộng đồng hay ca hát ở địa phương cần gùi mới có người đặt. Không làm thì mất nghề, mà làm thì thu nhập không bao nhiêu”.

* Còn nhiều trăn trở…

Những năm gần đây, nhiều nghệ nhân, già làng hay người uy tín thành thạo nghề đan gùi ở trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đã nỗ lực truyền nghề, dạy nghề cho người trẻ ở địa phương. Tuy nhiên, đan gùi cũng chưa thực sự được lan tỏa, nhân rộng bởi đây là nghề thủ công truyền thống, đòi hỏi tính kiên trì, khéo léo và sáng tạo, trong khi giới trẻ bây giờ ít mặn mà với nghề này. Làm thế nào để gìn giữ và truyền nghề đan nói chung và đan gùi nói riêng của đồng bào dân tộc Mạ, S’tiêng, Chơro không bị mai một là nỗi trăn trở của rất nhiều người.

Già Điểu Thanh cho biết, già có 9 người con nhưng không có ai theo học nghề đan gùi của cha. Các con của già chủ yếu theo nghề nông và đi làm công nhân, không ai mặn mà với nghề truyền thống. Bởi đầu ra không có nên đa số những người theo nghề đành phải bỏ để tìm kế mưu sinh. Thanh niên trẻ trong ấp đều đi học xa, lên thành phố tìm việc trong nhà máy hoặc theo những nghề khác. Già Điểu Thanh ngậm ngùi: “Giờ muốn truyền dạy cho bà con nhưng không ai đến học. Già mà chết đi sợ rằng người ta sẽ không còn nhớ đến nghề đan gùi của đồng bào Chơro hoặc nếu có nhớ cũng chỉ còn trong ký ức”.

Theo Chi hội phó Chi hội Phụ nữ 4B (xã Tà Lài, H.Tân Phú) Ka Ngoăn, mặc dù thời gian qua đồng bào Mạ, S’tiêng ở xã có một số đơn đặt hàng nhỏ, lẻ (từ 10-20 cái gùi) do các trường dân tộc nội trú, du khách hoặc cơ sở du lịch đặt nhưng vẫn chưa giải quyết được hướng đi cho nghề truyền thống. Những người làm nghề đan gùi nơi đây không khỏi băn khoăn, trăn trở về tương lai của nghề truyền thống. Bởi “cái khó lớn nhất hiện nay của các hộ gia đình đan gùi là việc tìm đầu ra cho sản phẩm” - chị Ka Ngoăn nhấn mạnh. 

Ly Na

Tin xem nhiều