Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghệ thuật kết nối cộng đồng

10:06, 12/06/2020

Phong trào du ca, âm nhạc đường phố... đang trở nên thịnh hành. Đây được xem là "mảnh đất" cho những người trẻ yêu nghệ thuật hoạt động, tạo nên một nét văn hóa giải trí vừa sinh động, hấp dẫn vừa kết nối cộng đồng.

Phong trào du ca, âm nhạc đường phố... đang trở nên thịnh hành. Đây được xem là “mảnh đất” cho những người trẻ yêu nghệ thuật hoạt động, tạo nên một nét văn hóa giải trí vừa sinh động, hấp dẫn vừa kết nối cộng đồng.

Một buổi biểu diễn của CLB Âm nhạc và nghệ thuật Đồng Nai tại TP.Biên Hòa. Ảnh:L.Na
Một buổi biểu diễn của CLB Âm nhạc và nghệ thuật Đồng Nai tại TP.Biên Hòa. Ảnh:L.Na

* Không gian sinh hoạt văn hóa lành mạnh

Được thành lập từ năm 2014 với gần 20 thành viên nòng cốt, đến nay, CLB Âm nhạc và nghệ thuật Đồng Nai do thầy Phan Thanh Tuấn (giảng viên Khoa ngoại ngữ Trường đại học Công nghệ Đồng Nai) làm chủ nhiệm thu hút hơn 40 học sinh, sinh viên, người lao động tham gia. Hằng đêm, CLB có mặt tại các không gian công cộng hay hội tụ về quán cà phê để biểu diễn. Chỉ với guitar, trống, âm thanh hầu như mộc và những bản acoustic khá trẻ trung đã thu hút rất đông lượt người tập trung theo dõi.

Chủ nhiệm CLB Âm nhạc và nghệ thuật Đồng Nai Phan Thanh Tuấn cho biết, cách thức hoạt động của CLB dựa trên không gian mở, nên bất kỳ người trẻ nào cũng có thể tham gia, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Từ những người hoàn toàn xa lạ, mọi người kết nối với nhau bằng đam mê âm nhạc, cùng chia sẻ một bài hát trên sân khấu.

Để tổ chức một đêm diễn, ngoài việc thầy Tuấn hỗ trợ về âm thanh, ánh sáng, máy quay phim..., các thành viên trong CLB “xoay xở” bằng cách ai có gì góp đó. Chẳng hạn như làm nhạc công, hỗ trợ trang phục hoặc dẫn chương trình... “Với phương châm là mang đến sân chơi âm nhạc bổ ích cho mọi người, CLB đã cố gắng tìm kiếm không gian và tạo ra nhiều sân khấu giao lưu văn nghệ. Sau màn chào hỏi, ai nấy ngồi quây quần bên nhau, cùng vui, cùng đàn hát. Tự nhiên như chính đây là nơi dành cho mình” - thầy Tuấn chia sẻ.

Cùng với CLB Âm nhạc và nghệ thuật Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh có nhiều nhóm nhạc acoustic (acoustic chủ yếu sử dụng các nhạc cụ mộc hoặc cổ điển) hoạt động sôi nổi, thu hút đông đảo người trẻ tham gia. Vũ Ngọc Kim Ngân, sinh viên Trường đại học Nông lâm TP.HCM là thành viên của nhóm Radio Band cho biết, nhóm thành lập hơn 2 năm có 3 thành viên (1 guitar, 1 trống cajon và 1 giọng hát chính). Những ngày cuối tuần, nhóm biểu diễn acoustic tại một số địa điểm như: cà phê Gác nhỏ, Sao Mai, BOT Beer...

“Tôi thường đến các nơi công cộng, nhất là đến phố đi bộ Nguyễn Văn Trị để ca hát và biểu diễn. Không khí rất gần gũi, người xem cổ vũ rất nhiệt tình. Và tôi thích không gian sinh hoạt văn hóa nhẹ nhàng như thế” - chị Kim Ngân chia sẻ.

Nhóm nhạc The Beast (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) là một trong số những nhóm nhạc thường xuyên hoạt động ở các quán cà phê trên địa bàn tỉnh. Trưởng nhóm The Beast Võ Hồng Mạnh Linh kể rằng, từ khi còn là học sinh, Linh đã biết chơi guitar, tham gia tích cực các hoạt động văn nghệ của trường và địa phương. Vì mê đàn nên khi vừa tốt nghiệp phổ thông, Linh mở cửa hàng đàn của riêng mình và thành lập nhóm nhạc The Beast.

“Môi trường biểu diễn acoustic ở khu vực công cộng mang đến cho tôi nhiều cảm xúc. Ở đó người chơi, người nghe chân phương, mộc mạc. Cách hát và cảm giác thư giãn nhẹ nhàng, sâu lắng. Chơi nhạc acoustic giúp tôi hoàn thiện bản thân vừa trau dồi kỹ năng vừa có thêm thu nhập, đủ để lo chi tiêu cá nhân” - Linh nói.

* Kết nối cộng đồng

Ngoài luyện tập, sinh hoạt, giao lưu và biểu diễn, các CLB, nhóm nhạc còn tích cực hướng đến cộng đồng bằng cách kết hợp với các nghệ sĩ, tổ chức những đêm nhạc gây quỹ từ thiện. Đặc biệt, những người trẻ không hề ngại ngùng khi đi hát dạo, đàn dạo để có quỹ phục vụ cho hoạt động thăm, tặng quà cho trẻ mồ côi, người khuyết tật và người già neo đơn.

Đội trưởng Đội Tuyên truyền lưu động Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh Trần Tâm cho biết: “Đồng Nai là tỉnh có số lượng các CLB, nhóm nhạc phát triển mạnh. Hiện tại, các sân chơi văn nghệ đã không còn bó hẹp tại TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh mà đã mở ra ở tất cả các huyện. Ở mỗi địa phương, các CLB, nhóm nhạc đã gắn với bản sắc của quê hương mình, nhiều không gian, nhiều câu chuyện hay được thể hiện xúc động qua dòng nhạc, lan tỏa, nhân rộng trong cộng đồng”.

Theo Chủ nhiệm CLB Âm nhạc và nghệ thuật Đồng Nai Phan Thanh Tuấn, việc gây quỹ được thực hiện thường xuyên và liên tục. Hằng tháng, hằng quý, CLB đều tổ chức những chuyến đi về vùng đồng bào dân tộc thiểu số vừa biểu diễn âm nhạc miễn phí kết nối mọi người, vừa tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Hoạt động này không chỉ kết nối cộng đồng mà còn giúp các thành viên trong CLB hiểu hơn về ý nghĩa nhân văn trong cuộc sống, biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.

“Đợt dịch Covid-19 vừa qua, mặc dù không thể biểu diễn gây quỹ nhưng mỗi thành viên của CLB vẫn tự nguyện đóng góp kinh phí để tổ chức các chuyến thăm hỏi và tặng quà. CLB đã kêu gọi các mạnh thường quân chung tay cùng thực hiện công tác thiện nguyện. Mỗi chương trình, CLB đều ghi lại hình ảnh và phát sóng trên mạng xã hội nhằm lan tỏa, nhân rộng trong cộng đồng” - thầy Tuấn bộc bạch.

Hiện tại, các CLB, nhóm nhạc acoustic đang hoạt động độc lập. Ngoài việc kết nối với nhau khi hoạt động nghệ thuật, họ còn kết nối thông qua các liên hoan, hội diễn không chuyên do Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh, trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao các huyện, thành phố tổ chức. Đó là những sân chơi bổ ích, giúp người trẻ tìm tòi, sáng tạo ra những giai điệu hay, lan tỏa những câu chuyện đẹp...    

Ly Na

Tin xem nhiều