Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà thơ Lê Minh Quốc: Sức mạnh lớn lao của một dân tộc bao giờ cũng nằm ở văn hóa

09:06, 26/06/2020

Được biết đến là một cây bút làm việc không biết mệt mỏi trên nhiều lĩnh vực, mới đây, nhà thơ - nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc đã giới thiệu đến bạn đọc tác phẩm mới nhất của mình là Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt. Đây là công trình nghiên cứu đồ sộ, dày đến 687 trang, được tác giả ấp ủ, theo đuổi suốt 20 năm.

Được biết đến là một cây bút làm việc không biết mệt mỏi trên nhiều lĩnh vực, mới đây, nhà thơ - nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc đã giới thiệu đến bạn đọc tác phẩm mới nhất của mình là Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt. Đây là công trình nghiên cứu đồ sộ, dày đến 687 trang, được tác giả ấp ủ, theo đuổi suốt 20 năm.

Nhà thơ Lê Minh Quốc ký tặng sách cho bạn đọc. Ảnh: N.Lộc
Nhà thơ Lê Minh Quốc ký tặng sách cho bạn đọc. Ảnh: N.Lộc

Nhà thơ - nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc chia sẻ với Báo Đồng Nai nhiều thông điệp gửi gắm qua công trình đầy tâm huyết này.

* Động lực nào để anh thực hiện công trình đồ sộ và tỉ mẩn này?

- Những năm gần đây, tôi thường nghe người ta nói rằng tính cách người Việt đang ngày một xấu đi và điều đó làm hạn chế sự tiến hóa của dân tộc. Tôi cũng phần nào nhìn thấy những biểu hiện đó nhưng có phải là người Việt ta thực sự xấu xí? Nghiên cứu của tôi không đi vào con đường chỉ ra những cái xấu đó mà tôi muốn tìm lại những giá trị văn hóa đã có để thấy được chúng ta đã sở hữu những giá trị văn hóa gì để phát huy, bổ sung. Vì có phát huy, có bổ sung, có khơi dậy những tính tốt thì mới có thể khơi dậy, chấn chỉnh tính cách Việt. Điều tốt nhất theo tôi nghĩ vẫn là quay lại giá trị vốn có của mình - đó là: tinh thần phụng sự “mình vì mọi người”.

Nhà thơ Lê Minh Quốc sinh năm 1959 tại Đà Nẵng. Trong hàng chục tác phẩm đã xuất bản, nhiều tác phẩm gây ấn tượng lớn với bạn đọc như: Ngày trong nếp ngày, Ngày viết mỗi ngày, Ngày sống đời thơ, Mẹ đã đi chợ về (tùy bút), Người Quảng Nam, Hành trình chữ viết, Lắt léo tiếng Việt (biên khảo), Tôi vẽ mặt tôi, Chào thế giới bây giờ con đã đến (thơ)…

Ví dụ các bậc tổ ngành nghề là những bậc thầy sáng tạo, những vị đi công cán nước ngoài đem theo về những hạt giống mới, khoa học kỹ thuật mới truyền lại cho dân mà không hề giấu nghề, đề dành làm giàu cho riêng mình mà chỉ hướng tới phục vụ cộng đồng.

Bên cạnh đó là tinh thần ham học hỏi, sẵn sàng tiếp thu tinh hoa nhân loại của người Việt. Thuở văn hóa phương Tây xâm nhập, những gì người phương Tây có thì người Việt phải có và làm theo cách của mình. Như người Pháp mang xà phòng vào Việt Nam từ thế kỷ XIX và để đáp ứng nhu cầu của nhân dân, ông Trương Văn Bền đã làm nên thương hiệu Xà bông Cô Ba của người Việt. Rồi người Việt cũng biết bào chế thuốc Tây, mở ra các hãng tàu bè cạnh tranh trong hệ thống giao thông.

Nói chung, người Việt mình rất năng động. Nhìn lại, giá trị đó làm ta càng khâm phục, càng tạo sự tự tin về sức mạnh dân tộc mình - một dân tộc luôn có sự đổi mới. Tôi muốn thông qua những công việc cụ thể của tiền nhân để chứng minh rằng trong người Việt luôn luôn có sự sáng tạo, phẩm chất cần thiết tạo nên sự phát triển.

* Vậy đâu là điều anh tâm đắc nhất và muốn gửi gắm cùng bạn đọc ở cuốn sách này?

- Sức mạnh lớn lao của một dân tộc bao giờ cũng nằm ở văn hóa. Và văn hóa Việt có một sức mạnh trường tồn như thế là vì trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng có những sáng tạo tài tình để phục vụ cộng đồng, phục vụ lợi ích chung. Đó là thông điệp mà tôi muốn truyền tải!

Sách Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành, gồm 5 chương: Vua Hùng và Tứ bất tử, Các vị tổ ngành nghề Việt Nam, Những danh tài sáng tạo tiên phong, Vài cột mốc khơi dòng nghệ thuật hiện đại và Nước non nặng một lời thề.

Qua những khảo sát, nghiên cứu về văn hóa, giá trị tinh thần người Việt ta đã trải qua trong những năm tháng quá khứ như thế nào thì hôm nay thế hệ đi sau sẽ học được gì ở tiền nhân? Tôi đặc biệt muốn nói với các bạn trẻ rằng: điều gì người Việt chưa có khi văn hóa toàn cầu giao thoa trong thời buổi hội nhập và phát triển ngày nay, chúng ta cần tiếp thu và chuyển đổi, biến hóa uyển chuyển theo tâm lý người Việt chứ không thể bê nguyên xi. Sự thành công của các cụ ngày xưa là các cụ biến nét văn hóa của Tây vốn khác mình, nhưng đưa vào phù hợp với bối cảnh của Việt Nam. Nếu bây giờ, như các bạn thích nhạc rock - rap, hay bất cứ loại hình nghệ thuật nào từ nước ngoài, nếu các bạn không biến chuyển bằng tâm thế của một người Việt thì các bạn sẽ thất bại. Đó là điều không phải tôi nói mà là kinh nghiệm của ông cha đã chỉ ra. Học điều gì thì học nhưng phải bằng tâm lý, bằng sự hưởng thụ, thưởng ngoạn của chính người Việt thì mới thành công!

* Vậy chúng ta không cần nhìn đi đâu xa xôi, chỉ cần tìm về đúng cội nguồn văn hóa dân tộc là sẽ thành công?

- Đúng vậy! Bản sắc văn hóa chính là nền tảng sức mạnh nội tại để mình tin tưởng và đi tới. Muốn dựa vào đâu thì dựa nhưng không thể không dựa vào văn hóa vì văn hóa là điểm tựa rất quan trọng phản ánh toàn bộ sinh hoạt của đời sống con người, tất cả các lĩnh vực đều nằm hết trong văn hóa. Nếu chúng ta quay về xem đúng vai trò văn hóa là điểm tựa tinh thần thì thấy rõ rằng mọi thay đổi, mọi thăng trầm trong đời sống lịch sử đều đã có một điểm tựa vững mạnh và chúng ta không phải sợ gì cả, không phải cầu cạnh ở đâu cả.

Và đây cũng là vấn đề mở mà tôi đã tiếp thu từ những công trình, khám phá của người đi trước để có được quyển sách này. Tôi hy vọng từ cơ sở này, các bạn trẻ sẽ tiếp tục nghiên cứu và bổ sung vì văn hóa là một dòng chảy bất tận không bao giờ dừng lại và sẽ thay đổi. Như quyển sách này dừng lại ở khoảng năm 1945 vậy thì trong phần còn lại của thế kỷ XX, sang thế kỷ XXI đâu là những dòng văn hóa mới, khoa học kỹ thuật mới du nhập vào Việt Nam và những ai là người đầu tiên làm điều đó? Tôi cho rằng đây là nghiên cứu mở mà nhiều thế hệ sẽ tiếp tục tìm hiểu không ngừng theo dòng văn hóa.

* Xin cảm ơn anh!

Ninh Lộc (thực hiện)

Tin xem nhiều