Báo Đồng Nai điện tử
En

Giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình

09:07, 06/07/2020

Giáo dục đạo đức, lối sống gia đình là nền tảng để xây dựng gia đình hạnh phúc, đặc biệt là trong xu thế hội nhập hiện nay.

Giáo dục đạo đức, lối sống gia đình là nền tảng để xây dựng gia đình hạnh phúc, đặc biệt là trong xu thế hội nhập hiện nay.

Gia đình anh Nguyễn Hữu Huy (ngụ xã Gia Canh, H.Định Quán)  tham gia gameshow Gia đình thời @. Ảnh: Q.Nhật
Gia đình anh Nguyễn Hữu Huy (ngụ xã Gia Canh, H.Định Quán) tham gia gameshow Gia đình thời @. Ảnh: Q.Nhật

Nhận thức tầm quan trọng của môi trường giáo dục gia đình, những năm qua, Đồng Nai đã chủ động triển khai thực hiện Đề án Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020.

* Bạo lực vẫn còn sau cánh cửa...

Mỗi lần nhắc đến chồng mình, chị N.T.H. (ngụ KP.1, P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) thường bật khóc. Chị lập gia đình nhưng chồng chị không chí thú làm ăn, suốt ngày nhậu nhẹt. Khi đã say khướt, người chồng lại trút hết những trận đòn, những lời chửi mắng lên chị. Các con của chị rất sợ cha. Cả chị và các con không dám ở nhà vào cuối giờ chiều và chỉ trở về khi đêm đã khuya.

Chị N.T.H. cho biết, sau khi đánh vợ con vô cớ, chồng chị còn dọa sẽ đốt nhà để mẹ con chị không còn chỗ ở. Thương con, chị im lặng cam chịu. Một phần chị muốn giữ gìn gia đình, phần nữa chị không muốn kể ra bên ngoài, sợ “vạch áo cho người xem lưng”. Thế nhưng, càng nín nhịn, số lần chị bị chồng đánh càng tăng lên. Đỉnh điểm là ngày 28-4-2019, chị phải nhập viện khâu 7 mũi bên mắt phải và ngày 19-12-2019 nhập viện khâu 4 mũi bên mắt trái.

Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình cho biết: “Để công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên địa bàn tỉnh ngày càng đạt hiệu quả, ngành Văn hóa tiếp tục lồng ghép triển khai với Đề án Phát huy giá trị các mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình và xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững cùng chương trình hành động quốc gia Giáo dục đời sống gia đình của Bộ VH-TTDL. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về gia đình và triển khai các đề án cho cán bộ gia đình từ cấp tỉnh đến cơ sở; duy trì việc hỗ trợ tủ sách, đồng phục, tài liệu cho các CLB và nhóm phòng, chống BLGĐ”.

Sau những bản cam kết và bị xử phạt hành chính về hành vi bạo lực, người chồng vẫn không chấm dứt thói vũ phu. Vì vậy, những ngày đầu năm 2020, chị đã đưa đơn gửi lên chính quyền địa phương và Sở VH-TTDL xin cứu giúp vì hành vi bạo lực gia đình do chồng gây ra. Mới đây, chị H. đã ly hôn, tuy nhiên người chồng lấy lý do đến thăm con, nhiều lần vẫn “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với mẹ con chị.

Cùng cảnh ngộ, chị H.T.N.T. (P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) bị chồng bạo hành về cả tinh thần và thể xác. Chị T. bản tính hiền lành, chịu thương, chịu khó nhưng do người chồng ghen tuông, luôn nghi ngờ chị ngoại tình. Anh quản lý chị chặt chẽ về chi tiêu, giờ giấc... thậm chí đến chỗ làm của chị để “bắt quả tang”.

Chị H.T.N.T. cho biết, chồng chị không có việc làm ổn định, lại có 4 đứa con. Chị đi làm nhiều nơi, nhưng cũng không kiếm được công việc ổn định do chồng giữ hết giấy tờ tùy thân, cắt nát cả những bộ quần áo đẹp. Các con của chị cũng luôn trong tình trạng hoảng sợ. Những trận đòn kéo dài kèm theo lời xúc phạm khiến chị T. phải đem con đến nhà người em trai sống tạm bợ, chờ khi người chồng không có nhà chị về tìm lại lấy giấy tờ tùy thân để làm thủ tục ly hôn.

Gần đây, trên mạng xã hội liên tục xuất hiện những đoạn clip ghi lại cảnh phụ nữ bị bạo hành một cách thô bạo, tàn nhẫn. Nạn nhân của các vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) ít khi tự đứng lên để bảo vệ quyền lợi của mình, không ít người đã chọn con đường chấp nhận và giữ im lặng. Có rất nhiều lý do khiến người phụ nữ cam chịu như: kinh tế bị phụ thuộc, sợ bị đuổi ra khỏi nhà, sợ chồng đe dọa lấy mất quyền nuôi con, sợ ảnh hưởng đến tính mạng hoặc thân nhân, sợ điều ra tiếng vào từ dư luận làm tổn thương đến danh dự của mình và gia đình...

* Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống

Theo Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VH-TTDL), tình trạng BLGĐ trên địa bàn tỉnh vài năm trở lại đây có xu hướng giảm về số vụ nhưng vẫn tăng về mức độ nghiêm trọng. Hiểu rõ về vai trò giáo dục đạo đức, lối sống gia đình, ngành Văn hóa đã đẩy mạnh công tác triển khai thực hiện Đề án Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn tỉnh. Ngành Văn hóa luôn xem xây dựng gia đình hạnh phúc chính là nền tảng để xây dựng gia đình văn hóa, phòng, chống BLGĐ.

Thực hiện đề án, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú như: tổ chức nói chuyện chuyên đề phòng, chống BLGĐ và xâm hại trẻ em; phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Củng cố và nâng cao chất lượng mô hình phòng, chống BLGĐ, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Hiện, toàn tỉnh có 771 CLB gia đình phát triển bền vững, 991 nhóm phòng, chống BLGĐ, 59 CLB nam giới nói không với BLGĐ; 1.031 địa chỉ tin cậy cộng đồng; 171 điểm tạm lánh.

Hiện tại, Sở VH-TTDL đã triển khai chuyên mục Góc tư vấn gia đình trên website của Sở, duy trì hoạt động 24/24 giờ nhằm kịp thời cung cấp thông tin và hỗ trợ tư vấn pháp lý về phòng, chống bạo lực gia đình. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, Sở đã trang bị 25 tủ sách, 25 bộ sách (mỗi bộ 16 đầu sách) cho 25 CLB gia đình tại các xã, phường, thị trấn của các huyện: Trảng Bom, Thống Nhất, Tân Phú, Định Quán và TP.Biên Hòa. Trang bị 330 bộ đồng phục (áo, mũ) cho 66 nhóm phòng, chống BLGĐ tại 11 huyện và thành phố.

Việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đã và đang được lồng ghép với công tác xây dựng gia đình văn hóa, gắn việc thực hiện đề án với hoạt động của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều gương gia đình điển hình, phát huy được vai trò giáo dục con cháu trong việc ứng xử với các thành viên khác trong gia đình,  nêu gương người tốt việc tốt, gia đình văn hóa tiêu biểu; đồng thời lên án, phê phán những biểu hiện không lành mạnh ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình.

Thông qua các hoạt động đã tạo chiều sâu và sức lan tỏa trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân về giáo dục đạo đức, lối sống; giữ gìn, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình. Tuy nhiên, cũng theo Sở VH-TTDL, việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình chỉ có thể đạt được hiệu quả cao nhất khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, các tổ chức đoàn thể. Từ đó, giúp thế hệ trẻ trang bị kiến thức, hiểu được những bài học về mối quan hệ yêu thương, đùm bọc giữa các thành viên, đẩy lùi BLGĐ.

Quang Nhật

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích