Báo Đồng Nai điện tử
En

Sân chơi của những người mê cổ vật

10:08, 07/08/2020

Nhắc đến sân chơi của những người mê cổ vật trên địa bàn TP.Long Khánh, rất nhiều người biết đến CLB Cổ vật Long Khánh. CLB tọa lạc tại quán cà phê Mỹ nghệ xưa và nay trên đường Hồ Thị Hương, thu hút 20 thành viên tham gia.

Nhắc đến sân chơi của những người mê cổ vật trên địa bàn TP.Long Khánh, rất nhiều người biết đến CLB Cổ vật Long Khánh. CLB tọa lạc tại quán cà phê Mỹ nghệ xưa và nay trên đường Hồ Thị Hương, thu hút 20 thành viên tham gia.

 Thành viên của CLB Cổ vật Long Khánh giao lưu, tìm hiểu về hiện vật được trưng bày tại quán cà phê Mỹ nghệ xưa và nay (đường Hồ Thị Hương, TP.Long Khánh). Ảnh: L.Na
Thành viên của CLB Cổ vật Long Khánh giao lưu, tìm hiểu về hiện vật được trưng bày tại quán cà phê Mỹ nghệ xưa và nay (đường Hồ Thị Hương, TP.Long Khánh). Ảnh: L.Na

CLB Cổ vật Long Khánh ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu, sở thích của những người đam mê cổ vật. Từ sân chơi này, họ không chỉ có đóng góp tích cực cho xã hội mà còn góp phần kết nối và lan tỏa giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

1. Ấn tượng đầu tiên của khách khi đến quán cà phê Mỹ nghệ xưa và nay chính là những món đồ in hằn dấu ấn của thời gian được trưng bày khắp nơi. Người dân và du khách đến với quán không đơn thuần chỉ nhâm nhi tách cà phê, thưởng thức âm nhạc… mà còn được nghe kể nhiều câu chuyện lý thú về “gốc tích” của các món cổ vật và giá trị lịch sử của nó qua các thời kỳ, giai đoạn lịch sử. Đặc biệt, những món cổ vật ở đây có tuổi đời gấp đôi, gấp ba số tuổi của các thành viên trong CLB.

Chủ nhiệm CLB Cổ vật Long Khánh Nguyễn Bá Nhật Trường cho biết, khi mới thành lập, CLB chỉ có 6 thành viên, lâu dần, niềm đam mê lan tỏa, đến nay đã có 20 hội viên tham gia với hàng ngàn hiện vật cổ được sưu tầm, lưu giữ. Định kỳ mỗi tháng/lần, CLB tổ chức sinh hoạt, giao lưu theo hình thức mỗi người mang một ít hiện vật mình sưu tầm được góp vào CLB để trưng bày, giới thiệu đến mọi người.

Ông Trần Minh Đức (cán bộ hưu trí ở P.Xuân Thanh, TP.Long Khánh) chia sẻ: “CLB cổ vật Long Khánh là điểm đến thú vị, đáp ứng được nhu cầu giải trí, học tập, nghiên cứu cũng như tìm hiểu cổ vật của người dân ở địa phương. Hoạt động của CLB đã và đang mở ra một hướng đi mới về công tác trưng bày, triển lãm, góp phần xã hội hóa các hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh”.

“Hiện CLB đang lưu giữ một số “vốn” kha khá, trên 2 ngàn hiện vật cổ. Phần lớn hiện vật có niên đại từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX như: đồ đá, đồ đồng, đồ gốm; các kỷ vật thời chiến tranh, thời bao cấp, thời kỳ đổi mới... Trong đó, nổi bật là bộ sưu tập gốm Biên Hòa xưa. Đây là những sản phẩm gốm của ông cha ta sản xuất, một thời vang tiếng. Tuy không có vẻ đẹp tinh xảo như gốm hiện đại, nhưng những đường nét, hoa văn, màu sắc của gốm lại mang nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa quý giá” - anh Trường chia sẻ.

2. Sở hữu bộ sưu tập đồ cổ tại gia với hơn 2 ngàn hiện vật, ông Lăng Trung Bình hiện là thành viên có nhiều cổ vật được trưng bày tại CLB. Ông Bình cho biết, điều khó nhất của người chơi, sưu tầm đồ cổ là phải cảm nhận và hiểu được cổ vật ấy. Vì thế, nhiều năm qua, ông bỏ thời gian, công sức tìm hiểu, nghiên cứu kiến thức, thông tin về cổ vật. Khi sở hữu các cổ vật, ông đi sâu vào nghiên cứu, tìm hiểu về giai đoạn lịch sử. Mỗi món đồ cổ, ông đều nhớ như in hoàn cảnh, xuất xứ của nó. Chính niềm đam mê cổ vật đã đưa ông gia nhập CLB Cổ vật Long Khánh.

Cũng theo ông Bình, cổ vật được làm ra từ hàng trăm năm về trước, càng lâu đời sẽ càng quý, đặc biệt là những món đồ độc bản sẽ càng quý giá hơn. Tuy nhiên, không phải cổ vật vì quý giá nên cất giữ thật kỹ hoặc chỉ trưng bày khi có dịp phù hợp mà phải đem cổ vật đi giao lưu, giới thiệu thì mới phát huy hết hiệu quả. Việc sưu tầm và lưu giữ cổ vật không chỉ đem lại cho ông niềm vui, rèn đức tính kiên nhẫn mà còn giúp ông được sống với quá khứ, với những câu chuyện, sự kiện xưa thật xưa.

Là một trong những người trẻ tham gia CLB Cổ vật Long Khánh, anh Võ Lê Minh cũng sở hữu hơn 200 món đồ cổ các loại như: nhạc cụ cổ, máy đĩa đá (quay tay), đồng hồ, máy may, đèn măng xông... Để có được số hiện vật trên, anh Lê Minh đi nhiều nơi để tìm kiếm, mua lại hoặc hễ ở đâu có các món đồ cổ bị bỏ đi là anh “lượm” về, vệ sinh sạch sẽ, lưu giữ kỹ càng. Ngoài các hiện vật trưng bày cùng CLB, anh Minh còn có không gian trưng bày riêng tại KP.2, P.Xuân Trung (TP.Long Khánh).

Nhiều người tham gia CLB Cổ vật Long Khánh không ngần ngại mang đến những hiện vật quý, giao lưu học hỏi lẫn nhau, nhất là học hỏi trong việc đánh giá giá trị của cổ vật. Họ thường xuyên bổ sung những hiện vật mới sưu tầm được để cùng nhau chia sẻ, giúp người yêu cổ vật ở Long Khánh có thêm cơ hội thưởng lãm.

3. Bởi cổ vật trưng bày tại quán cà phê Mỹ nghệ xưa và nay độc đáo, ấn tượng nên số lượng khách đến tham quan, tìm hiểu cổ vật ở CLB ngày càng tăng. CLB đã xây dựng nhiều chương trình giao lưu nhằm gắn kết các hội viên như: tổ chức tham quan, tìm hiểu hiện vật lịch sử, đồ cổ cho các thành viên tại di tích, bảo tàng trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, CLB còn tổ chức hoạt động đấu giá cổ vật để tạo quỹ hoạt động và thực hiện các chương trình an sinh xã hội.

Chủ nhiệm CLB Cổ vật Long Khánh Nguyễn Bá Nhật Trường cho biết: “Hiện tại, nguồn quỹ tích cóp từ việc bán một số hiện vật được 35 triệu đồng. Chúng tôi dự định trong tháng 8 này sẽ tổ chức đi hỗ trợ cho bà con có hoàn cảnh khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn TP.Long Khánh. Số tiền tuy không nhiều nhưng là tấm lòng, là tình cảm của anh em CLB chung tay với công tác xã hội, thiện nguyện”.

Trong thời điểm cả nước đang phòng, chống dịch Covid-19 này, thay vì tụ họp để gặp gỡ, giao lưu, các thành viên của CLB Cổ vật Long Khánh đã chọn cách trao đổi qua mạng xã hội Zalo, Facebook... Đây là cách để các thành viên có thể nắm bắt kiến thức cổ vật, sưu tầm đúng với giá trị thật của nó. Từ đó, chia sẻ và lan tỏa rộng hơn những hiểu biết về giá trị cổ vật, văn hóa truyền thống của con người và vùng đất Đồng Nai.       

  Ly Na

Tin xem nhiều