Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát huy các nguồn lực trong bảo tồn di sản

10:04, 09/04/2021

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh nhiều năm qua đã được các cấp, các ngành và địa phương nỗ lực thực hiện.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh nhiều năm qua đã được các cấp, các ngành và địa phương nỗ lực thực hiện.

Các cựu chiến binh và đoàn viên thanh niên đến tưởng niệm, về nguồn tại Đền thờ liệt sĩ H.Xuân Lộc
Các cựu chiến binh và đoàn viên thanh niên đến tưởng niệm, về nguồn tại Đền thờ liệt sĩ H.Xuân Lộc. Ảnh: L.Na

Nhờ vậy, nhiều công trình đã được trùng tu, tôn tạo và xây mới… phục vụ cộng đồng, ngày càng phát huy giá trị trong đời sống.

* Huy động các nguồn lực...

Sau hơn 1 năm khởi công xây dựng, đền thờ liệt sĩ H.Xuân Lộc đã chính thức được khánh thành và đưa vào sử dụng. Với diện tích gần 21 ngàn m2, đền thờ nằm ở địa thế lưng tựa vào đồi Mai, mặt nhìn về hồ Núi Le. Đây là công trình được bố trí theo kiến trúc truyền thống dựa trên thuật phong thủy Á Đông: lưng đền thờ tựa núi (huyền vũ), trước có sân lễ làm minh đường, hai bên có tả vu (Thanh Long) và hữu vu (Bạch Hổ) chầu. Trước đền thờ có hồ sen là nơi thủy tụ.

Đền thờ liệt sĩ H.Xuân Lộc gồm các hạng mục: cổng tam quan, đường vào chính, sân lễ, đền thờ chính, phòng khách, hồ sen. Ngoài các hạng mục chính, công trình còn có các hạng mục phụ trợ như: nhà quản đền, tường rào, hệ thống điện, cấp thoát nước, phòng cháy chữa cháy, bãi đỗ xe. Tổng kinh phí xây dựng là 39,7 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn ngân sách của tỉnh khoảng 16,5 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách của huyện khoảng 19 tỷ đồng, còn lại là nguồn vận động xã hội hóa).

Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Xuân Lộc Tống Trần Hòa cho biết: “Đền thờ liệt sĩ H.Xuân Lộc được chọn là một trong 13 công trình chào mừng thành công Đại hội Đại biểu Đảng bộ H.Xuân Lộc (nhiệm kỳ 2020-2025), tiến tới kỷ niệm 30 năm thành lập huyện (1-7-1991 - 1-7-2021). Đền thờ liệt sĩ là công trình có ý nghĩa hết sức thiêng liêng, thể hiện truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của cán bộ, nhân dân H.Xuân Lộc và thân nhân các anh hùng liệt sĩ”.

Không chỉ ở H.Xuân Lộc, nhiều di tích trên địa bàn tỉnh cũng được tu bổ, tôn tạo, đưa vào khai thác và sử dụng với sự tham gia của nhiều nguồn lực. Trong đó, phải kể đến di tích Khu ủy miền Đông Nam bộ và Trung ương Cục miền Nam. Đây là 2 di tích có vị trí hết sức quan trọng về kinh tế, chính trị và quân sự trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Ngày nay, nơi đây được xem là “địa chỉ đỏ” và là “lá phổi xanh” của Đồng Nai và các tỉnh lân cận.

Phó giám đốc phụ trách Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai Nguyễn Hoàng Hảo cho hay: “Từ năm 2007- 2020, nhiều dự án trùng tu di tích được thực hiện tại 2 khu di tích trên với tổng kinh phí hơn 84,6 tỷ đồng. Các di tích đã và đang được gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, là điểm đến của các đồng chí lãnh đạo, các đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nhằm ôn lại truyền thống cách mạng. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, bồi đắp lý tưởng, niềm tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau”.

* Phát huy vai trò của cộng đồng

Không chỉ những di tích xếp hạng huy động được các nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa vào trùng tu, tôn tạo mà nhiều di tích phổ thông hiện nay cũng được cộng đồng quan tâm, gìn giữ và phát huy giá trị. Chẳng hạn như di tích phổ thông miếu Quan Âm 116 (xã Phú Vinh, H.Định Quán) sau nhiều năm xuống cấp được thực hiện bằng nguồn xã hội hóa nhiều hạng mục, tạo điều kiện để người dân địa phương đến sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng.

“Từ khi thành lập đến nay, miếu Quan âm 116 được tu bổ, tôn tạo 2 lần. Nguồn kinh phí chủ yếu lấy từ sự đóng góp tự nguyện (vật chất và ngày công) của bà con trên địa bàn và các mạnh thường quân hỗ trợ. Cùng với việc tu bổ khang trang ngôi miếu, bà con còn đóng góp xây dựng được nguồn quỹ từ thiện nhằm giúp đỡ các hoàn cảnh neo đơn, khó khăn” - Phó ban trị sự miếu Quan Âm 116 Hoàng A Sanh nói.

Theo ông Huỳnh Sử - thành viên Ban quý tế của đình Hưng Phú, từ ngày hình thành và phát triển đến nay, đình Hưng Phú đã trải qua hơn 200 năm và đã được sắc phong của vua Tự Đức. Trước đây, đình nhiều lần xuống cấp, người dân địa phương và các mạnh thường quân đã đóng góp công sức để cùng tu bổ, tôn tạo một số hạng mục, giúp đình ngày càng khang trang. Với việc được công nhận là di tích cấp tỉnh đình Hưng Phú, bà con nhân dân ở Hiệp Hòa rất vinh dự và vui sướng nhưng cũng đặt ra nhiều điều lo lắng. Bởi được công nhận rồi thì giữ gìn như thế nào? Đó là những điều mà Ban quý tế  đình Hưng Phú phải bàn bạc, phải phấn đấu.

Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Kim Bằng cho biết, Đồng Nai là địa phương có hơn 1.500 di tích phổ thông. Trước khi công nhận di tích, cộng đồng dân cư trực tiếp tham gia vào công tác giữ gìn và phát huy giá trị di tích. Khi được công nhận là di tích, không ai khác, chính cộng đồng dân cư tại di tích là chủ thể phát huy vai trò của di tích. Việc phát huy vai trò của cộng đồng được thể hiện bằng những việc làm hết sức cụ thể như: cộng đồng duy trì các lễ hội hằng năm, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng... “Ở góc độ quản lý nhà nước, ngành Văn hóa sẽ tạo điều kiện tốt nhất về cơ chế, hành lang pháp lý… nhằm giúp bà con khi đến di tích tham quan, tìm hiểu lịch sử, sinh hoạt cộng đồng thuận lợi. Bên cạnh đó, ngành cũng tạo điều kiện cho những người làm công tác quản lý di tích được tham gia tập huấn, tổ chức các hoạt động để gìn giữ, bảo tổn và phát huy giá trị di tích, lan tỏa rộng hơn trong cộng đồng” - ông Lê Kim Bằng nhấn mạnh.

Ly Na

Tin xem nhiều