Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển văn hóa đọc trong hệ thống thiết chế

07:06, 18/06/2022

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, góp phần xây dựng xã hội học tập, thời gian qua, Đồng Nai đã đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, CLB.

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, góp phần xây dựng xã hội học tập, thời gian qua, Đồng Nai đã đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, CLB.

Phòng đọc sách tại Trung tâm Văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng xã Bình Lộc (TP.Long Khánh) thu hút người dân đến tìm kiếm tài liệu học tập và giải trí
Phòng đọc sách tại Trung tâm Văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng xã Bình Lộc (TP.Long Khánh) thu hút người dân đến tìm kiếm tài liệu học tập và giải trí. Ảnh: L.Na

Hầu hết các thiết chế văn hóa đều có mô hình tủ sách, tổ chức nhiều hoạt động phục vụ học tập cho đông đảo người dân, đặc biệt là đối tượng thanh, thiếu nhi.

* Phát triển về số lượng và nội dung hoạt động

Mô hình tủ sách thiếu nhi trưng bày và phục vụ bạn đọc nhí hơn 1 ngàn bản sách tại nhà của anh Phan Đình Phương (ngụ xã An Phước, H.Long Thành) thời gian qua thu hút nhiều thanh, thiếu nhi trên địa bàn đến mượn và đọc sách. Tủ sách phần lớn gồm: truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện tranh do anh Phương sưu tầm, tuyển chọn từng cuốn, cũ có, mới có nhưng đa dạng nội dung, chủ đề.

Anh Phương cũng thường xuyên “cõng sách” đến các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa trên địa bàn phục vụ bạn bè, người thân. Đặc biệt, để tạo thêm sân chơi cho bạn đọc nhí, hằng năm anh tổ chức các cuộc thi nhỏ như: chụp ảnh bìa sách, thi viết văn qua mạng xã hội Facebook.

Trung tâm Văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng xã Bình Lộc (TP.Long Khánh) là một trong những địa chỉ thu hút đông người dân đến sinh hoạt, đọc sách và tìm kiếm tài liệu. Với diện tích hơn 4 ngàn m2, ngoài sân cầu lông, sân bóng chuyền, trung tâm đã xây dựng phòng đọc sách, điểm tra cứu thông tin khoa học công nghệ khang trang. Bạn đọc có thể truy cập, tìm kiếm thông tin qua hệ thống máy tính tại trung tâm.

Ngoài Thư viện tỉnh, Đồng Nai hiện có 11 thư viện các huyện, thành phố; 65 tủ sách trung tâm học tập cộng đồng xã; hơn 170 tủ sách pháp luật. Ngoài ra, có thư viện Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai; 11 thư viện kết hợp nông trường - xã và 95 điểm bưu điện văn hóa xã.

Hiện nay, phòng đọc sách của trung tâm cung cấp hơn 800 tài liệu khoa học, hàng chục đầu sách lịch sử, văn hóa Biên Hòa - Đồng Nai và hơn 3 ngàn bản tin phục vụ các chi bộ, các ngành, đoàn thể, tổ nhân dân đến sinh hoạt.

Mới đây nhất (cuối tháng 5-2022), H.Vĩnh Cửu đã có buổi làm việc với Ban điều hành mô hình Ngôi nhà trí tuệ Việt Nam nhằm triển khai mô hình này tại hệ thống các trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng; nhà văn hóa ấp, khu phố. Đây là mô hình được tích hợp bên trong nhà văn hóa cộng đồng, trên cơ sở phát huy công năng hiện có của nhà văn hóa và bổ sung một số thiết chế khác. Không chỉ phục vụ nhu cầu đọc sách của người dân, mô hình hứa hẹn sẽ hình thành những không gian văn hóa đa dạng, góp phần thực hiện các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn H.Vĩnh Cửu.

Mạng lưới thư viện cấp xã đã phủ rộng khắp, đến nay 100% xã, phường, thị trấn ở Đồng Nai có thư viện, tủ sách pháp luật. Ngoài ra, có hàng trăm tủ sách được xây dựng tại nhà văn hóa, nông trường, điểm bưu điện văn hóa xã phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân. Đây không chỉ là điểm đọc và mượn sách, mà trở thành không gian văn hóa với nhiều hoạt động giao lưu, tiếp cận tri thức số… Bảo tàng tỉnh thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động giáo dục cộng đồng, triển lãm lưu động về cơ sở. Ngoài ra, hàng trăm mô hình CLB ra đời từ nguồn xã hội hóa. Chỉ tính riêng Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh đã có 10 CLB với hơn 200 thành viên.

* Nâng cao tri thức, phát triển văn hóa đọc

Mặc dù có sự phát triển về số lượng, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm tốt song việc triển khai đề án Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, CLB còn gặp nhiều khó khăn.

Bạn đọc xem báo, tạp chí tại Thư viện TP.Biên Hòa
Bạn đọc xem báo, tạp chí tại Thư viện TP.Biên Hòa

Báo cáo tổng kết đề án Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, CLB, Sở VH-TTDL cho biết, hệ thống thư viện điện tử được đầu tư đến nay đã lâu nên trang thiết bị không còn đáp ứng yêu cầu, cơ sở dữ liệu nhiều nên việc truy cập còn chậm. Việc hoàn thành dự án Cung cấp tài liệu số trực tuyến và xây dựng kho tư liệu số trong hệ thống thư viện công cộng toàn tỉnh chưa thực hiện được do chưa có kinh phí…

Để thúc đẩy người dân đến các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, CLB, Sở VH-TTDL đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, tăng cường công tác truyền thông, thường xuyên đổi mới các hoạt động phục vụ bạn đọc, các dịch vụ thư viện. Đẩy mạnh việc vận động, kêu gọi các nguồn lực xã hội, các đơn vị, tổ chức, cá nhân cùng tham gia. Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện, thường xuyên giới thiệu sách qua môi trường internet. Ngoài ra, cung cấp thêm nhiều dịch vụ để người dân tiếp cận thông tin, nâng cao tri thức, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.  

Thực hiện đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, định hướng đến năm 2030, Thư viện tỉnh đã đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, mỗi năm cấp khoảng 16 ngàn thẻ bạn đọc; phục vụ hơn 320 ngàn lượt bạn đọc với 1,2 triệu lượt sách báo lưu hành. Chọn lọc, bổ sung sách mới có chất lượng, phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025 đạt 70 ngàn bản sách (trong đó có 25 ngàn bản sách cho thiếu nhi).

Ly Na

Tin xem nhiều