Báo Đồng Nai điện tử
En

Đưa sân khấu kịch đến với khán giả

08:09, 27/09/2022

11 huyện, thành phố đã và đang tích cực đưa các chương trình nghệ thuật và sân khấu kịch về biểu diễn tại cơ sở nhằm đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu và Tháng An toàn giao thông năm 2022.

11 huyện, thành phố đã và đang tích cực đưa các chương trình nghệ thuật và sân khấu kịch về biểu diễn tại cơ sở nhằm đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu và Tháng An toàn giao thông năm 2022.

Người dân xã Đắc Lua, H.Tân Phú xem sân khấu hóa tuyên truyền lưu động do Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh tổ chức ngày 24-9. Ảnh: TTVH-ĐA tỉnh cung cấp
Người dân xã Đắc Lua, H.Tân Phú xem sân khấu hóa tuyên truyền lưu động do Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh tổ chức ngày 24-9. Ảnh: TTVH-ĐA tỉnh cung cấp

Sân khấu hóa hoạt động tuyên truyền gắn với những câu chuyện thực tế từ đời sống nhằm góp phần nâng cao hiệu quả trong việc đưa thông tin về cơ sở, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân.

* Từ đời thực lên sân khấu…

Lấy bối cảnh một vùng quê ở Đồng Nai đang xây dựng NTM kiểu mẫu, tiểu phẩm kịch Nơi tôi sống (tác giả Thanh Tuyền) đã kể câu chuyện điển hình về một gia đình nông dân có bí quyết, phương pháp trồng rau sạch. Khi người con dâu trong gia đình đem bí quyết ấy chia sẻ cho Hội LHPN xã, giữa mẹ chồng và nàng dâu đã xảy ra nhiều mâu thuẫn. Sau đó, cán bộ địa phương đã đến nhà giải thích, phân tích để mọi người cùng hiểu rõ về tác dụng của việc chia sẻ, không chỉ một gia đình phát triển mà cả xã cùng phát triển, chung sức hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu.

Tác giả Thanh Tuyền cho biết: “Ngoài tuyên truyền xây dựng NTM, kịch bản Nơi tôi sống còn lồng ghép một phân cảnh nhằm tuyên truyền về an toàn giao thông ở vùng nông thôn. Mỗi người dân khi điều khiển xe máy ra đường phải đội mũ bảo hiểm, không uống rượu bia và không lạng lách, đánh võng. Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh đã và đang đưa tiểu phẩm  kịch này về biểu diễn tại nhiều xã vùng sâu như: Phú Bình, Đắc Lua, Phú Điền (H.Tân Phú); làng dân tộc Chơro xã Túc Trưng và Phú Cường (H.Định Quán); xã Phú Lý, Hiếu Liêm và Mã Đà (H.Vĩnh Cửu); xã Bảo Bình (H.Cẩm Mỹ)…, được bà con đón nhận tích cực”.

Đội trưởng Đội Tuyên truyền lưu động Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh CAO THÉP cho biết: “Từ nay đến ngày 15-11, Đội sẽ tổ chức 35 buổi diễn văn nghệ và sân khấu kịch nói, kết hợp tổ chức những gian hàng 0 đồng trao tặng quần áo, nhu yếu phẩm cho người dân tại 11 huyện, thành phố trong tỉnh. Trong đó, chú trọng tổ chức hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số”.

11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đang tích cực tuyên truyền lưu động thông qua các chương trình văn nghệ và kịch bản sân khấu. Có thể kể đến như: hài kịch Không phải chuyện đùa (phong trào hiến đất xây dựng NTM); tiểu phẩm Khoảnh khắc mong manh (an toàn giao thông) của H.Trảng Bom; kịch ngắn Từ ngõ ra lối xóm (xây dựng NTM nâng cao và kiểu mẫu) của H.Nhơn Trạch…

Bí thư Chi bộ ấp 2, xã Long Thọ (H.Nhơn Trạch) Võ Tấn Tài cho biết, thời gian qua, ấp phối hợp với trung tâm văn hóa huyện và xã thường xuyên tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước qua hình thức sân khấu hóa kịch ngắn, kịch vui không chuyên. Theo ông, đây là hình thức rất thực tế và hiệu quả cao, bởi các thông điệp được gửi gắm không chỉ góp phần cổ vũ, động viên người dân thực hiện tốt mà còn nâng cao đời sống văn hóa tinh thần.

“Nếu như tuyên truyền bằng pa-nô, áp-phích ở ngoài đường, người dân đi qua và chỉ thấy trong một giây phút và dễ lãng quên thì hình thức sân khấu hóa lại trở nên sinh động và dễ nhớ hơn. Từ những câu chuyện đến diễn viên, lời đối thoại, phong cách… tạo ấn tượng trong lòng người xem. Đặc biệt, các tiểu phẩm, trích đoạn ngắn gọn, xoay quanh cuộc sống và con người NTM ở H.Nhơn Trạch nói riêng, Đồng Nai nói chung. Nhờ vậy, mỗi đêm diễn kịch không chuyên thu hút hàng trăm đến cả ngàn người dân đến xem” - ông Tài chia sẻ.

* Phát triển kịch từ sân khấu không chuyên

NSƯT Trần Đức Sìn, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, là một trong những nghệ sĩ tâm huyết và có hàng chục kịch bản sân khấu hay phục vụ phong trào nghệ thuật quần chúng. Các kịch bản của ông đa dạng và phong phú, đề cập trúng những vấn đề của cuộc sống, mang tính thời sự như: tham nhũng, vấn đề đất đai, suy thoái đạo đức; tâm trạng của con người trong xã hội đương đại… được dàn dựng, đưa về cơ sở để phục vụ cho hoạt động tuyên truyền.

“Hiện nay, lực lượng diễn viên tham gia các vở kịch ngắn, kịch vui không chuyên chủ yếu là cộng tác viên ở các trung tâm văn hóa. Do đó, quá trình tập luyện gặp nhiều khó khăn, bởi một số diễn viên chưa “một lần” được đứng và biểu diễn trên sân khấu. Để khắc phục nhược điểm này, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về xây dựng kịch bản, đạo diễn, biểu diễn… cho đội ngũ làm công tác văn hóa ở cơ sở. Điều đáng mừng là hiện có nhiều kịch bản sân khấu không chuyên có chất lượng tốt về nội dung, hình thức được công diễn, phục vụ người dân trong tỉnh” - NSƯT Trần Đức Sìn nói.

Mặc dù kịch không chuyên đã và đang được các cá nhân, đơn vị quan tâm song nhiều người cũng cho rằng, kịch đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức, nhất là việc tìm kiếm những kịch bản mới, hấp dẫn cũng như việc thu hút khán giả. Do đó, những người hoạt động sân khấu kịch không chuyên cần tiếp tục giữ nhiệt huyết, phát huy sáng tạo, xây dựng những tác phẩm ý nghĩa, giá trị, phản ánh yếu tố mới trong cuộc sống hôm nay. Chỉ có không ngừng làm mới sân khấu kịch mới có thể tạo nên những đột phá, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Ly Na

Tin xem nhiều