Báo Đồng Nai điện tử
En

Gìn giữ và phát huy nghệ thuật truyền thống

08:01, 31/01/2023

Nhằm tạo điều kiện cho các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian của Nam bộ lan tỏa rộng hơn trong cộng đồng, ngành Văn hóa Đồng Nai đã và đang nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động ngay từ những ngày đầu Xuân Quý Mão 2023. Trong đó, có tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử (ĐCTT) và bóng rỗi tỉnh Đồng Nai mở rộng năm 2023.

Nhằm tạo điều kiện cho các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian của Nam bộ lan tỏa rộng hơn trong cộng đồng, ngành Văn hóa Đồng Nai đã và đang nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động ngay từ những ngày đầu Xuân Quý Mão 2023. Trong đó, có tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử (ĐCTT) và bóng rỗi tỉnh Đồng Nai mở rộng năm 2023.

Các nghệ nhân ở Đồng Nai trình diễn múa bóng rỗi tại buổi họp Ban tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử và bóng rỗi tỉnh Đồng Nai mở rộng năm 2023
Các nghệ nhân ở Đồng Nai trình diễn múa bóng rỗi tại buổi họp Ban tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử và bóng rỗi tỉnh Đồng Nai mở rộng năm 2023. Ảnh: My Ny

Không chỉ giúp nghệ nhân, những người yêu nghệ thuật truyền thống sáng tạo, có những thử nghiệm mới mẻ mà nỗ lực này vừa tránh sự mai một, vừa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong đời sống đương đại.

* Giữ lửa nghệ thuật múa bóng rỗi

Múa bóng rỗi còn gọi là múa bóng, một loại hình diễn xướng dân gian độc đáo ra đời cách nay khoảng 300 năm. Bóng rỗi nở rộ ở đất Gia Định xưa, dần phổ biến rộng rãi và phát triển ở Nam bộ, trong đó có Đồng Nai. Đây là nghi thức múa hát trong dịp lễ hội tại các đình, miếu, đặc biệt thường gắn với các dịp cúng Bà (bà chúa Xứ, bà Hỏa, Ngũ Hành nương nương…).

PGS-TS Huỳnh Văn Tới, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh Đồng Nai cho biết: “Múa bóng rỗi là bộ môn nghệ thuật truyền thống được trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, bằng cái tâm của những người yêu nghề. Đây chính là nét văn hóa độc đáo của vùng đất Nam bộ. Tại Đồng Nai, từ sau năm 2017, bộ môn múa bóng rỗi được quan tâm, các đơn vị liên quan nỗ lực tìm kiếm cách thức hỗ trợ để bộ môn bóng rỗi gắn với địa nàng tiếp tục được phát triển”.

Với chủ đề Bản sắc miền Đông, Liên hoan ĐCTT và bóng rỗi tỉnh Đồng Nai mở rộng năm 2023 được tổ chức từ ngày 1 đến 3-2 (nhằm ngày 11 đến 13 tháng Giêng). Liên hoan có sự tham gia của 9 tỉnh, thành: Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Bình Thuận, Tây Ninh, Long An, Bến Tre và TP.HCM. Trong khuôn khổ liên hoan, các đơn vị tham gia được tham quan Văn miếu Trấn Biên, Khu du lịch Bửu Long và hòa mình vào không khí của lễ hội chùa Ông (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa).

Nghệ thuật múa bóng rỗi được trao truyền theo hình thức “tự phát” của mỗi cá nhân, gia đình. Tại Đồng Nai chưa có trường, lớp nào đào tạo. Bởi vậy, bắt đầu từ năm 2023, CLB ĐCTT tỉnh Đồng Nai trực thuộc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh Đồng Nai đã tập hợp những người yêu nghệ thuật diễn xướng dân gian này để luyện tập và biểu diễn. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm CLB ĐCTT tỉnh Đồng Nai Phạm Lơ, số lượng nghệ nhân theo đuổi múa bóng rỗi trên địa bàn tỉnh hiện nay rất ít, phải tính trên đầu ngón tay.

Là một trong những người trẻ tham gia biểu diễn bóng rỗi trong liên hoan đầu Xuân Quý Mão 2023, chị Ngọc Nguyên (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho hay, để giỏi múa bóng rỗi phải dày công luyện tập, nhất là các tiết mục tạp kỹ. Nhờ sự hướng dẫn của mẹ - nghệ nhân Kim Phụng, chị không chỉ học được cách múa bóng rỗi, mà còn học chế tác mâm vàng, phục vụ cho các buổi diễn ở đình, miếu.

Theo PGS-TS Huỳnh Văn Tới, việc tổ chức liên hoan ĐCTT và múa bóng rỗi tỉnh Đồng Nai mở rộng là việc làm thiết thực, ý nghĩa. Cùng với sự tham gia của các nghệ nhân, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là ngành Văn hóa làm sao qua liên hoan rút kinh nghiệm để có tác động, tổ chức thêm các lớp tập huấn, truyền lửa nghệ thuật. Qua đó, có điều chỉnh phù hợp để múa bóng rỗi tiếp tục phát triển theo đúng hướng hội nhập với cuộc sống mới nhưng không bị lạc vào mê tín dị đoan.

* Thêm sân chơi cho người yêu ĐCTT

Xuân Quý Mão 2023, Trung tâm Văn hóa - điện ảnh Đồng Nai tổ chức hàng chục chương trình biểu diễn ĐCTT tại các không gian công cộng trên địa bàn tỉnh. Không chỉ phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân, các buổi biểu diễn này còn góp phần tạo sân chơi cho những nghệ nhân, tài tử đam mê bộ môn ĐCTT Nam bộ, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tài tử Khánh Đan - thành viên CLB ĐCTT tỉnh Đồng Nai có chất giọng bẩm sinh, làn hơi cao chứa nhiều cung bậc cảm xúc. Mỗi chương trình chị tham gia biểu diễn đều khiến người nghe thổn thức, say mê.

Khánh Đan bộc bạch: “Được biểu diễn ĐCTT vào mỗi dịp đầu Xuân vừa là niềm vui, vừa là niềm vinh dự của những người yêu tài tử cải lương. Mặc dù theo đuổi nghệ thuật không chuyên song tôi luôn cố gắng tập luyện, mang đến cho người xem những bản tài tử, vọng cổ hay nhất. Các sân chơi do Trung tâm Văn hóa - điện ảnh Đồng Nai tổ chức đã mang đến cho tôi cơ hội, mà ở đó tôi được thỏa sức biểu diễn, truyền lửa nghệ thuật đến với mọi người”.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh Đồng Nai Tôn Thị Thanh Tình cho biết, cùng với hoạt động biểu diễn ở cơ sở, trung tâm còn xây dựng triển lãm ĐCTT - bảo tồn và phát triển tại Văn miếu Trấn Biên. Đặc biệt, CLB ĐCTT của trung tâm tiếp tục tham gia Liên hoan ĐCTT và bóng rỗi tỉnh Đồng Nai mở rộng năm 2023. Liên hoan không chỉ là nơi để các nghệ nhân, tài tử giao lưu, trao đổi kinh nghiệm mà còn góp phần liên kết, phối hợp các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong phong trào thi đua yêu nước ở các tỉnh, thành phía Nam.

“Liên hoan ĐCTT và bóng rỗi tỉnh Đồng Nai mở rộng năm nay sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: dâng hương tưởng nhớ nhạc sư Nguyễn Quang Đại tại Văn miếu Trấn Biên; khai mạc, bế mạc, thi diễn ĐCTT và bóng rỗi tại Khu du lịch Bửu Long. Mỗi đoàn tham gia xây dựng chương trình biểu diễn 60 phút với 2 nội dung: ĐCTT và bóng rỗi. Qua liên hoan nhằm góp phần bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian; tuyên truyền, xây dựng thương hiệu, hình ảnh đẹp của Đồng Nai với nhiều tiềm năng văn hóa, du lịch đến với người dân và du khách gần xa” - bà Thanh Tình nói.

My Ny

Tin xem nhiều