Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát huy nguồn lực văn học nghệ thuật

08:03, 21/03/2023

Xã hội hóa hoạt động văn học nghệ thuật là một trong những chính sách quan trọng những năm qua được Ðảng, Nhà nước quan tâm.

Xã hội hóa (XHH) hoạt động văn học nghệ thuật (VHNT) là một trong những chính sách quan trọng những năm qua được Ðảng, Nhà nước quan tâm. 

Tại Đồng Nai, XHH lĩnh vực VHNT chưa thực sự nổi bật và tạo được nhiều dấu ấn. Tuy nhiên, trên một số lĩnh vực VHNT chuyên nghiệp và không chuyên, đã có các cá nhân, đơn vị chung tay, góp phần duy trì, phát triển, tạo sức sống lâu dài cho tác phẩm.

Khách tham quan triển lãm Dấu ấn do nhóm họa sĩ, nghệ nhân của Đồng Nai và TP.HCM tổ chức tại Hội quán Tranh và chim, P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa năm 2023. Ảnh: L.Na
Khách tham quan triển lãm Dấu ấn do nhóm họa sĩ, nghệ nhân của Đồng Nai và TP.HCM tổ chức tại Hội quán Tranh và chim, P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa năm 2023. Ảnh: L.Na

* Mở lối cho XHH hoạt động VHNT

Hoạt động XHH VHNT ở Đồng Nai tập trung nhiều ở mảng VHNT không chuyên. Tại các thiết chế văn hóa, hàng trăm mô hình CLB sáng tác VHNT, đội, nhóm văn nghệ dân gian ở 11 huyện, thành phố không ngừng được củng cố và kiện toàn, duy trì sinh hoạt thường xuyên. Phong trào nghệ thuật quần chúng diễn ra sâu rộng, phong phú về hình thức, đa dạng về nội dung. Các CLB đờn ca tài tử, tuồng cổ, dân ca… tổ chức giao lưu, biểu diễn vào các dịp Tết, các ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương.

Nổi bật là CLB Đờn ca tài tử và CLB Thơ ca trực thuộc Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao H.Long Thành. Đây là 2 mô hình phát huy hiệu quả XHH hoạt động VHNT quần chúng. Chỉ tính riêng CLB Thơ ca Long Thành hàng năm đã huy động nhiều nguồn lực để tổ chức và duy trì các hoạt động như: Ngày Thơ Việt Nam; phát động cuộc thi sáng tác và trao giải thơ ca; giao lưu với các nhà thơ, nhà văn; xuất bản các tập thơ chung; trao hàng chục suất học bổng mỗi năm cho học sinh nghèo tại các trường học trên địa bàn…

Hội VHNT Đồng Nai hiện có gần 300 hội viên. Trong đó, Ban Văn học chiếm tỷ lệ cao nhất với 90 người. Ban Sáng tác trẻ có trên 30 hội viên dưới 35 tuổi. Các hội viên chuyên ngành trung ương chiếm 1/4 tổng số hội viên của Hội.

Anh Phạm Văn Đức, phụ trách văn hóa Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao H.Long Thành cho hay, hoạt động XHH trong văn hóa, nghệ thuật được trung tâm thực hiện thường xuyên, liên tục. Đã có nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng được các cá nhân, đơn vị chung tay hỗ trợ tổ chức như: hội thi bolero xã Bình Sơn, biểu diễn đờn ca tài tử… Nhờ vậy, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; kịp thời phát hiện, bồi dưỡng tài năng trong lĩnh vực VHNT quần chúng trên địa bàn H.Long Thành.

Trên lĩnh vực nhiếp ảnh và mỹ thuật, một số CLB, nghệ sĩ đã tự đứng ra kêu gọi các cá nhân góp sức tổ chức các cuộc thi ảnh, mỹ thuật và triển lãm, phục vụ công chúng. Trong đó có nhóm các họa sĩ, nhà điêu khắc và nghệ nhân gốm: Nguyễn Quang Hoàng, Đinh Công Việt Khôi, Phạm Công Hoàng, Hoàng Ngọc Hiến, Trần Đình Thắng, Nguyễn Quốc Trọng, Thoòng Cọc Thành… Họ nhiều lần tự bỏ tiền túi tổ chức các cuộc triển lãm nhóm như: triển lãm Đất nghĩ 2016; triển lãm Gốm Sài Gòn 2020; triển lãm mỹ thuật Dấu ấn 2023... Bên cạnh việc khẳng định tài năng thì đây là cơ hội để tác giả quảng bá tác phẩm của mình.

Hoạt động sáng tác và xuất bản tác phẩm văn học được các tác giả, nhà văn, nhà thơ chủ động, bởi kinh phí hỗ trợ sáng tác hàng năm từ Hội VHNT Đồng Nai và từ nguồn ngân sách của tỉnh còn ít nên phần lớn các tác giả đều tự liên hệ với NXB để in và phát hành sách.

“Hiện nay, việc in một cuốn sách không khó như trước. Để tác phẩm văn học đến với bạn đọc nhanh nhất, nhiều tác giả ở Đồng Nai tự bỏ kinh phí để in ấn, giới thiệu đến bạn đọc. Nhiều tác giả còn sử dụng Facebook là một cách để giới thiệu đứa con tinh thần. Đó là cách rất hay cần được phát huy để mỗi tác giả tiếp tục nâng cao chất lượng sáng tác của mình, phục vụ công chúng” - nhà văn Lê Đăng Kháng chia sẻ.

* Cần phát huy giá trị các nguồn lực

Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình cho biết, XHH hoạt động VHNT là một trong những chính sách quan trọng của Ðảng và Nhà nước trong thời kỳ đổi mới. Thực chất, tác phẩm VHNT cũng là một sản phẩm hàng hóa nên mang những thuộc tính thương mại của hàng hóa và chịu sự chi phối theo quy luật cung - cầu của thị trường, từ khâu in ấn, quảng bá, phân phối, tiêu dùng. Do vậy, các tác giả cần linh động nắm bắt cơ hội, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Việc đặt hàng sáng tác tác phẩm VHNT của các tổ chức, doanh nghiệp sẽ tạo ra nhiều sản phẩm, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của người dân.

Một số tác phẩm của họa sĩ, nhà điêu khắc ở Đồng Nai tham gia triển lãm nhóm trong và ngoài tỉnh
Một số tác phẩm của họa sĩ, nhà điêu khắc ở Đồng Nai tham gia triển lãm nhóm trong và ngoài tỉnh

Theo NSND Giang Mạnh Hà, Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai, VHNT ra đời phục vụ các nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân. Do vậy, mỗi sáng tác phải có giá trị nội dung và nghệ thuật, không có tác phẩm nào đi ngoài đường lối phát triển VHNT của Đảng và Nhà nước. Đối với VHNT ở Đồng Nai, có XHH chủ yếu là ở mảng biểu diễn nghệ thuật. XHH VHNT phải dựa thêm vào các nguồn lực, sức mạnh của xã hội, phải tạo cho văn nghệ sĩ điều kiện, môi trường, địa điểm, không gian để hoạt động.

“Tất cả các nghị quyết về văn hóa, văn nghệ của Đảng đều quy định rõ đầu tư cho văn nghệ sĩ, đầu tư cho tác phẩm, đầu tư cho con người. XHH VHNT nếu buông lỏng quản lý rất dễ đi chệch với chủ trương, đường lối đã đề ra. XHH hoạt động VHNT phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý và chủ thể sáng tạo tác phẩm. Có như vậy mới đảm bảo lợi ích hài hòa, vừa có tác phẩm đúng định hướng, vừa tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ phát huy tài năng, trí tuệ, sống được bằng nghề của mình từ tác phẩm VHNT” - NSND Giang Mạnh Hà nhấn mạnh.

Ly Na

Tin xem nhiều