Báo Đồng Nai điện tử
En

Gian nan đường đến trường

04:09, 21/09/2013

Đậu đại học, cao đẳng là niềm mơ ước của nhiều học sinh, nhưng với những công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp thì đường đến trường còn lắm gian nan.

Đậu đại học, cao đẳng là niềm mơ ước của nhiều học sinh, nhưng với những công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp thì đường đến trường còn lắm gian nan.

Nhiều năm liền là học sinh khá giỏi, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi hoàn thành bậc THCS, Ngô Thị Kim Tuyền (18 tuổi, KP.6, phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) xin làm công nhân tại Công ty Namyang và học hệ bổ túc văn hóa tại Trung tâm giáo dục thường xuyên TP.Biên Hòa.

Sau giờ tan ca, cô tân sinh viên Ngô Thị Kim Tuyền lại cặm cụi xếp từng bó rau cho cha  mang ra chợ bán.
Sau giờ tan ca, cô tân sinh viên Ngô Thị Kim Tuyền lại cặm cụi xếp từng bó rau cho cha mang ra chợ bán.

Lầm lũi với biết bao công việc vất vả nhưng bằng sự cố gắng của mình, năm 2012 vừa qua, Kim Tuyền đã trở thành tấm gương sáng trong học tập không chỉ đối với học sinh tại trung tâm khi em liên tiếp đạt được nhiều giải thưởng cao, trong đó có giải nhất kỳ thi học sinh giỏi giải toán bằng máy tính cầm tay cấp quốc gia. Đặc biệt, tại kỳ thi đại học, cao đẳng vừa qua, với 22 điểm Kim Tuyền đã trúng tuyển vào khoa sư phạm ngành Vật lý của Trường đại học Đồng Nai. Tuy nhiên, niềm vui đó sớm bị thay thế bằng nỗi lo kinh phí.

Cùng hoàn cảnh với cô công nhân Kim Tuyền là anh Phu Lỷ Lầm (23 tuổi) hiện đang là công nhân tại Công ty may Majestic (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1, huyện Nhơn Trạch). Kể về hoàn cảnh của mình, anh Lầm cho biết, vì là con lớn trong gia đình nghèo có 6 anh em, nên khi vừa học xong lớp 9, anh phải nghỉ học rồi sau đó theo cha mẹ đi làm thuê. Đến khi vừa đủ tuổi lao động, anh rời vùng quê nghèo ở huyện Định Quán đến xin làm công nhân tại huyện Nhơn Trạch. Thu nhập kiếm được, ngoài trang trải các chi phí sinh hoạt hàng tháng, anh còn phải tiết kiệm một khoản để gửi về phụ giúp cha mẹ nuôi các em đang tuổi ăn tuổi học ở quê. Vất vả là thế, nhưng vì còn rất ham mê việc học nên sau mỗi giờ tan ca, dù người mệt nhoài anh vẫn cố gắng tranh thủ đến lớp học bổ túc tại Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Nhơn Trạch đúng giờ và không bỏ sót buổi học nào.

Bằng sự nỗ lực và lòng ham học của bản thân, Phu Lỷ Lầm trúng tuyển vào Trường đại học khoa học và xã hội nhân văn TP.Hồ Chí Minh. Khi biết tin anh đậu đại học, cả nhà ai cũng vui và động viên anh cố gắng theo học. Nhưng anh cứ băn khoăn mãi về việc “nếu nghỉ làm để đi học thì không có tiền trang trải cuộc sống, không thể tiếp tục phụ giúp cha mẹ nuôi các em ăn học. Nhưng nếu không được đi học thì tiếc lắm vì tuổi của bản thân cũng không phải còn nhỏ nữa”.

Học cùng lớp bổ túc, làm chung công ty và hoàn cảnh cũng tương tự như anh Lỷ Lầm, chị Bùi Diệu An (ngụ xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch) cho biết, chị vừa đậu vào Trường đại học Sài Gòn nhưng đành nộp hồ sơ vào học cao đẳng tại Trường cao đẳng nghề khu vực Long Thành - Nhơn Trạch. Tuy nhiên, thời gian dành cho việc học  sắp tới chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập, bởi khi đã học thì không thể đi làm như thời gian trước đây. “Khó khăn cản trở nhiều quá, không biết mình có theo được đến khi hoàn thành chương trình học được hay không” - chị Diệu An chia sẻ.

Võ Tuyên

 

 

Tin xem nhiều