Báo Đồng Nai điện tử
En

Tai nạn lao động vẫn ở mức cao

07:03, 10/03/2014

Nhiều năm nay, Đồng Nai luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành có số vụ tai nạn lao động cao của cả nước.

 

Nhiều năm nay, Đồng Nai luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành có số vụ tai nạn lao động cao của cả nước.

Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Lâm Duy Tín cho hay, nếu như năm 2012 toàn tỉnh xảy ra 1.624 vụ tai nạn lao động, làm 1.658 người bị thương, 27 người bị chết thì năm 2013 đã có 1.690 vụ tai nạn lao động xảy ra làm 1.691 người bị thương và 26 người thiệt mạng.

* Ý thức chấp hành kém

Cũng theo ông Lâm Duy Tín, năm 2013 toàn tỉnh chỉ có 510/16.511 số doanh nghiệp (chiếm 3,2%)  thực hiện việc báo cáo tình hình an toàn vệ sinh lao động. Số lượng quá ít ỏi này phản ánh ý thức kém của không ít doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định về quản lý Nhà nước trên lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động.

Hoạt động khoan và nổ mìn trong khai thác đá luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.
Hoạt động khoan và nổ mìn trong khai thác đá luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.

Từ báo cáo của 510/16.511 doanh nghiệp cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn lao động vẫn là việc doanh nghiệp chưa xây dựng được quy trình sản xuất hợp lý, chưa quan tâm đến công tác tuyên truyền, tập huấn, trang thiết bị bảo hộ lao động và người lao động còn chủ quan…

Khi được hỏi tại sao không đeo khẩu trang và găng tay khi làm việc, anh Lê Công Lành, công nhân khai thác thuộc bãi đá số 8, xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) cho biết: “Tôi đứng thuận chiều gió với dòng bụi nên không cần đeo khẩu trang. Còn đeo găng tay khi làm việc thường có cảm giác khó chịu và không “thật” khi thao tác”.

Theo Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường (thuộc Sở Y tế), tỷ lệ người lao động được khám sức khỏe định kỳ tại các doanh nghiệp thời gian qua còn thấp, nhưng số người được khám lại mắc bệnh nghề nghiệp khá cao. Năm 2013, trung tâm đã khám sức khỏe cho gần 10 ngàn lao động tại 270 cơ sở, nhưng có 221 người được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp. Các nhóm ngành, như: dệt may, chế biến gỗ, hóa chất, sản xuất vật liệu xây dựng... được xếp vào những nhóm ngành có tỷ lệ người mắc bệnh nghề nghiệp cao. Điều đáng nói, không ít doanh nghiệp dù có tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động nhưng chỉ để đối phó với các đoàn kiểm tra, thậm chí người lao động cũng muốn “giấu bệnh” để không bị mất việc.

* Đâu là giải pháp?

Bà Mai Thị Tuyết, Chánh thanh tra Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho biết để kéo giảm tai nạn lao động, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, phải nâng cao hơn nữa mức xử phạt hành chính khi phát hiện doanh nghiệp có vi phạm. Thực tế hiện còn rất nhiều doanh nghiệp chưa có bộ máy đảm trách công tác bảo hộ lao động, không thực hiện đo kiểm môi trường làm việc, các máy móc đòi hỏi phải có quy trình sử dụng nghiêm ngặt cũng bị doanh nghiệp coi thường. Ngoài ra cũng phải gắn chặt ý thức, trách nhiệm của người lao động trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, bởi không ai bảo vệ sức khỏe cho mình bằng chính mình.

Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, Phó ban Chỉ đạo Tuần lễ An toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ lần thứ 16, cho biết: “Trong tháng 3 này sẽ có 7 đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh tiến hành kiểm tra đồng loạt tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, tập trung vào những địa chỉ có nguy cơ cao về an toàn lao động và cháy nổ. Đối với những doanh nghiệp vi phạm ở mức độ nghiêm trọng, đã nhắc nhở nhiều lần thì sẽ chỉ đạo tiến hành thanh tra lại để có biện pháp xử phạt, vi phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể kiến nghị UBND tỉnh ra quyết định đóng cửa với doanh nghiệp đó”.

Ông Lâm Duy Tín cho biết trong cả năm 2013, chỉ có 75 cơ sở bị đề nghị xử phạt hành chính trên lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động với số tiền 1,2 tỷ đồng. “Mức xử phạt hành chính khi doanh nghiệp có vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh lao động hiện còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe” - ông Tín nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm cần tăng mức xử  phạt hành chính để nâng tính răn đe đối với doanh nghiệp trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, ông Lê Ngọc Tích, Phó phòng Kỹ thuật - an toàn và môi trường (Sở Công thương), cho rằng phải áp dụng biện pháp cao hơn là xử phạt hành chính, thậm chí là cho đóng cửa ngay nếu doanh nghiệp không chấp hành nghiêm các quy định về an toàn lao động. “Giải pháp này suy cho cùng cũng là để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người lao động” - ông Tích nói.

Công Nghĩa

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều