Báo Đồng Nai điện tử
En

Người khuyết tật vượt lên số phận

10:04, 16/04/2014

Đồng Nai có nhiều người khuyết tật đang từng ngày nỗ lực vượt qua mặc cảm để khẳng định mình. Không ít người còn tiếp thêm tinh thần và ý chí cho những người đồng cảnh ngộ để cùng vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

 

Đồng Nai có nhiều người khuyết tật đang từng ngày nỗ lực vượt qua mặc cảm để khẳng định mình. Không ít người còn tiếp thêm tinh thần và ý chí cho những người đồng cảnh ngộ để cùng vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

Một trong những gương điển hình đó là chị Nguyễn Thị Kiều Giang, Chủ tịch Hội Người mù huyện Trảng Bom. Chị Giang chia sẻ, cách tốt nhất giúp người khuyết tật vượt qua mặc cảm, ổn định cuộc sống chính là tạo cho họ một công việc phù hợp.

* Vượt lên chính mình

Vượt qua những tháng ngày cơ cực chống chọi với bệnh tật, với mặc cảm “Không thấy đường thì làm được gì?”, chị Giang đã tích cực tham gia các phong trào và trở thành Chủ tịch Hội Người mù huyện Trảng Bom khi mới 23 tuổi. Suốt 9 năm qua, chị đã luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng Hội ngày càng vững mạnh với nhiều hoạt động thiết thực, nhất là tạo việc làm cho các hội viên với các hình thức, như: mở các cơ sở xoa bóp; liên hệ với Công ty cổ phần Tuico (Khu công nghiệp Hố Nai) nhận ron cao su về cho các hội viên gia công, giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng chục hội viên.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã nhận người khuyết tật vào làm việc. Trong ảnh: Người khuyết tật làm việc tại Công ty TNHH Watabe Wedding Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP. Biên Hòa).
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã nhận người khuyết tật vào làm việc. Trong ảnh: Người khuyết tật làm việc tại Công ty TNHH Watabe Wedding Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP. Biên Hòa).

 Cũng với ý chí không khuất phục khó khăn, dù đôi chân yếu đi sau cơn sốt bại liệt, anh Đinh Tấn Sương, ngụ tại xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc) vẫn chăm chỉ lao động. Anh Sương tâm sự, sinh ra trong gia đình nghèo lại đông anh em, anh không thể ngồi yên khi thấy cha mẹ hàng ngày phải lao động vất vả, các em học hành thiếu thốn. Anh Sương vừa đăng ký học nghề điện tử dân dụng, vừa làm thuê để học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, anh ra mở tiệm kiếm tiền nuôi các em đi học, giảm gánh nặng cho cha mẹ. Khi có chút vốn liếng, anh đầu tư nuôi gà. Nhờ chịu khó học hỏi kỹ thuật và đầu tư cho chăn nuôi nên đàn gà của anh ban đầu chỉ có 300 con, nay đã lên đến hơn 2 ngàn con, đem lại thu nhập mỗi tháng lên đến trên 10 triệu đồng.

Toàn tỉnh hiện có 154 ngàn người khuyết tật (chiếm 5,6% dân số). Trong đó, trên 4,7 ngàn người khuyết tật đặc biệt nặng, trên 18 ngàn người khuyết tật nặng, còn lại là khuyết tật nhẹ. Trong đó 65% người khuyết tật hiện đang trong độ tuổi lao động.

Không chỉ vươn lên khẳng định mình trong tạo việc làm, phát triển kinh tế gia đình, người khuyết tật còn vươn lên khẳng định mình ở nhiều lĩnh vực khác. Đó là Đinh Thị Hoàng Loan, một nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam ở TP.Biên Hòa. Chị đã vượt qua nỗi đau về thể xác để cho ra đời nhiều tập thơ đã được Nhà xuất bản Đồng Nai phát hành: Cám ơn cuộc đời, Xe lăn khát vọng. Hay chị Lê Thị Mỹ Hạnh, xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom), vận động viên điền kinh của tỉnh, tuy đôi mắt không nhìn thấy, nhưng chị vẫn nỗ lực tập luyện và giành nhiều giải cao như 6 huy chương vàng cấp tỉnh và 1 huy chương vàng toàn quốc ở cự ly 100m và 200m...

* Tiếp sức của cộng đồng

Ông Nguyễn Hữu Thành, Chi cục trưởng Chi cục Bảo trợ xã hội - bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh (thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội), cho biết hiện nay không ít người khuyết tật trong tỉnh vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn, nhất là tìm cho mình một công việc phù hợp để ổn định cuộc sống. Những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách trợ giúp, tạo điều kiện để người khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục - thể thao. Đặc biệt, để tạo việc làm cho người khuyết tật, tỉnh có triển khai dạy nghề, giới thiệu việc làm cho người khuyết tật;  thành lập các tổ chức người khuyết tật vươn lên để các thành viên chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Chi cục trưởng Chi cục Bảo trợ xã hội - bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh, từ đầu tháng 4 đến nay, Sở Lao động - thương binh và xã hội đã và đang phối hợp tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18-4). Trong đó, khám sàng lọc cho 200 người khuyết tật; tặng gần 100 xe lăn, xe lắc, gậy cho người khuyết tật tại các huyện Xuân Lộc, Vĩnh Cửu; triển lãm ảnh ngoài trời với chủ đề “Sống và làm”; tư vấn pháp luật, chính sách có liên quan đến người khuyết tật tại các huyện Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu; cấp trên 100 suất học bổng cho học sinh khuyết tật; tập huấn kỹ năng tìm kiếm việc làm cho người khuyết tật...

Hiện nay, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, như: Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), Hội Trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH), Dự án việc làm và an sinh xã hội (Handicap International)... đã chung tay góp sức cùng với tỉnh tổ chức nhiều hoạt động trợ giúp người khuyết tật. Đặc biệt, ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc tại công ty, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người khuyết tật. Tiêu biểu như: Công ty TNHH Changshin Việt Nam, Công ty cổ phần Taekwang Vina, Công ty TNHH Fashion Garments (Khu công nghiệp Biên Hòa 2), Công ty TNHH Pousung Việt Nam, Công ty TNHH Sanlim Furniture Việt Nam, Công ty TNHH Watabe Wedding Việt Nam…

Công ty TNHH Changshin Việt Nam hiện có trên 300 công nhân là người khuyết tật. Tùy vào điều kiện sức khỏe mà người lao động khuyết tật được công ty bố trí những công việc phù hợp với khả năng.  Anh Nguyễn Thanh Phương, Phòng đối ngoại tổng hợp Công ty TNHH Changshin Việt Nam, cho biết công nhân là người khuyết tật làm việc rất chăm chỉ, chịu khó, làm tốt nhiệm vụ được giao. Chị Bùi Thị Thanh Thủy, công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam nhận xét, chị bị mất đi cánh tay phải sau một vụ tai nạn giao thông. Khi được công ty nhận vào làm công nhân chị đã mừng khôn xiết. Công việc đóng gói, xịt rửa khuôn giày, ngồi máy rửa đế phù hợp với sức khỏe của chị. Sau 8 năm làm việc, thu nhập của chị hiện trên 5 triệu đồng/tháng. “Với tôi có được việc làm phù hợp, thu nhập ổn định như hiện nay là không có gì mong mỏi hơn” - chị Thủy bộc bạch.

Nga Sơn

 

 

 

Tin xem nhiều