Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi công nhân đồng cảm với chủ doanh nghiệp

11:06, 13/06/2014

Nhằm chia sẻ những khó khăn với các công ty bị thiệt hại do vụ gây rối trong các ngày 13 và 14-5 vừa qua, nhiều công nhân đã tình nguyện không nhận lương vào những ngày nghỉ.

Theo thống kê của tổ công tác của tỉnh, vụ gây rối trong các ngày 13 và 14-5 vừa qua làm ảnh hưởng đến 205 doanh nghiệp (DN), trong đó  có 135 DN Đài Loan (chiếm tỷ lệ 66,2%) và 9 DN Trung Quốc (chiếm tỷ lệ 4,5%).

Sản xuất giày ở Công ty Taekwang Vina ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Ảnh: Công Nghĩa
Sản xuất giày ở Công ty Taekwang Vina ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Ảnh: Công Nghĩa

Theo ước tính, tổng mức thiệt hại của các DN trong tỉnh khoảng 500 tỷ đồng.

Chia sẻ khó khăn

Với sự hỗ trợ tích cực của địa phương và các cơ quan chức năng, các DN đã sớm trở lại sản xuất. Nhiều công nhân đã chia sẻ khó khăn với công ty bằng cách tình nguyện không nhận lương vào những ngày nghỉ. Cụ thể, tại Nhơn Trạch công nhân của 11 DN đề nghị trừ ngày nghỉ vào phép năm, công nhân của 4 DN không nhận lương vào những ngày này và công nhân của 4 DN chỉ nhận 70% lương. Tại Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa, công nhân và chủ DN đã có những thỏa thuận theo nhiều hình thức khác nhau về việc nghỉ vào những ngày xảy ra sự cố, như: trừ vào phép năm, chỉ nhận một phần lương... Đây cũng là những chia sẻ khó khăn thiết thực giữa người lao động với chủ doanh nghiệp.

Ghi nhận những thiện cảm, thiện chí của người lao động đã cùng chia sẻ khó khăn với DN, nhiều chủ đầu tư vẫn chi trả lương vào những ngày nghỉ này. Gần 40 DN ở Nhơn Trạch đã quyết định vẫn chi trả 100% lương cho công nhân vào những ngày nghỉ và rất nhiều DN chi trả cho công nhân ở mức 70%. Có lẽ, đây là thời điểm giữa nhà đầu tư và người lao động sát cánh chia sẻ với nhau hơn bao giờ hết.

Cảnh giác kẻ xấu

Ông Đoàn Văn Đây, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, cho biết thời gian qua Công đoàn các cấp đã triển khai khá nhiều hoạt động tuyên truyền cho công nhân tại các KCN, đặc biệt ở những DN bị thiệt hại. Sau khi tuyên truyền, vận động công nhân cùng góp sức với các chủ DN để việc sản xuất sớm ổn định, đa số công nhân đã nhiệt tình hưởng ứng. Không chỉ vậy, các công nhân còn chấp nhận làm tăng ca và đi làm cả vào ngày chủ nhật để đáp ứng các đơn hàng đang bị trễ.

Chị Mai Thị Hà, công nhân Công ty Eclat ở KCN  Nhơn Trạch 2 cho biết, trong những ngày xảy ra các vụ gây rối, chị rất lo lắng vì sợ công ty không hoạt động trở lại sẽ thất nghiệp. “Đến ngày 16-5 công ty hoạt động trở lại, tôi và nhiều công nhân khác rất mừng, vì nếu thất nghiệp không biết lấy đâu tiền để chi tiêu cho gia đình” - chị Hà nói. Với hơn 5 ngàn lao động, Công ty Eclat vẫn cố gắng chi trả toàn bộ lương cho những ngày nghỉ này để công nhân yên tâm làm việc.

Anh Nguyễn Văn Vinh, công nhân Công ty Hualon (KCN Nhơn Trạch 2) cho rằng, công nhân của các công  ty cần có ý thức  bảo vệ nơi làm việc của mình, không nghe theo xúi giục của những kẻ phá rối. Anh Vinh bộc bạch: “Nơi làm việc chính là chỗ đảm bảo cuộc sống cho mình nên cần phải bảo vệ. Nghe lời hoặc làm theo những kẻ phá rối, đầu tiên thiệt chính bản thân”.

Trong khi công nhân và chủ DN đang cùng nhau chia sẻ khó khăn và cố gắng phục hồi sản xuất thì ở một số  KCN vẫn có những kẻ xấu kích động công nhân đình công đòi lương... Đây là một kiểu gây rối mà các công nhân cũng cần hết sức cảnh giác để không bị kẻ xấu xúi giục làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, làm xấu môi trường đầu tư.

Quốc Khánh

 

 

 

 

Tin xem nhiều