Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển tổ chức Công đoàn và đoàn viên: Còn nhiều khó khăn

11:06, 18/06/2014

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao chỉ tiêu cho Liên đoàn Lao động Đồng Nai phát triển thêm 194 ngàn đoàn viên trong giai đoạn 2013-2018.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao chỉ tiêu cho Liên đoàn Lao động Đồng Nai phát triển thêm 194 ngàn đoàn viên trong giai đoạn 2013-2018.

Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hồ Thanh Hồng, việc phát triển tổ chức Công đoàn cơ sở (CĐCS) và đoàn viên hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với lực lượng đoàn viên nòng cốt.

* Nhiều khó khăn

Cũng theo ông Hồ Thanh Hồng, từ đầu năm đến nay các cấp Công đoàn trong tỉnh mới chỉ thành lập được 52 CĐCS với trên 30 ngàn đoàn viên, trong đó đoàn viên phát triển ở các doanh nghiệp đã có tổ chức Công đoàn chiếm tới trên 28 ngàn đoàn viên. Tuy nhiên, số tổ chức CĐCS bị sáp nhập do không đủ điều kiện hoạt động lại chiếm tỷ lệ khá cao, với 27 tổ chức. Đáng lưu ý, số đoàn viên giảm tới trên 15 ngàn người, bằng một nửa so với số đoàn viên mới phát triển được.

Công nhân trong giờ sản xuất tại Công ty San Lim Furniture Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom), chuyên sản xuất đồ gỗ xuất khẩu.
Công nhân trong giờ sản xuất tại Công ty San Lim Furniture Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom), chuyên sản xuất đồ gỗ xuất khẩu.

Việc tổ chức khảo sát các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để xem xét thành lập các tổ chức CĐCS còn chưa được chú trọng, dẫn đến việc thành lập các tổ chức CĐCS và đoàn viên mới vì thế chưa cao. Cụ thể, như TP.Biên Hòa có trên 10,8 ngàn doanh nghiệp tư nhân, nhưng qua khảo sát từ đầu năm 2014 đến nay, mới chỉ có 21 doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập CĐCS. Hay huyện Long Thành có hơn 4 ngàn doanh nghiệp tư nhân nhưng mới chỉ khảo sát được 33 doanh nghiệp và trong số này có 8 doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập tổ chức CĐCS.

Ông Tăng Quốc Lập, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, cho biết toàn tỉnh hiện có 2.595 tổ chức CĐCS với trên 523 ngàn đoàn viên/574,7 ngàn lao động tại các khu công nghiệp, tỷ lệ tập hợp người lao động tham gia tổ chức Công đoàn đạt 91,1%. Yêu cầu đặt ra là tất cả các doanh nghiệp đều phải có tổ chức Công đoàn để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động, đặc biệt là công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên Công đoàn, nhất là trong thời điểm hiện nay. Việc thành lập các tổ chức CĐCS ở các khu công nghiệp tập trung là tương đối thuận lợi, tuy nhiên lại gặp không ít khó khăn đối với các doanh nghiệp tư nhân ở ngoài địa bàn khu công nghiệp, do chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

* Tăng cường các giải pháp

Việc thành lập mới các tổ chức CĐCS có vai trò rất lớn của liên đoàn lao động các cấp, trong khi đó việc phát triển mới đoàn viên Công đoàn lại phụ thuộc vào CĐCS và đội ngũ cán bộ Công đoàn. Ông Cao Văn Hưng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Trảng Bom, đề nghị hệ thống Công đoàn, đặc biệt là cán bộ CĐCS cần tiếp tục đi sâu đi sát, quyết liệt mới có thể hoàn thành được các chỉ tiêu về phát triển đoàn viên mới. Muốn làm được điều này, cán bộ Công đoàn cần thực sự có kiến thức, kỹ năng Công đoàn để người lao động hiểu được vai trò của tổ chức Công đoàn với việc bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng cho họ. Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động tỉnh cần tăng cường các lớp bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ Công đoàn ở cơ sở hiện nay.

Đồng chí Huỳnh Tấn Kiệt, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: “Trách nhiệm của cán bộ Công đoàn là rất lớn, trong đó có trách nhiệm với người lao động, vì cán bộ Công đoàn nhận lương của Nhà nước, nhưng thực chất chính là từ tiền đoàn phí đóng góp của người lao động hàng tháng. Cán bộ Công đoàn phải thường xuyên sâu sát, nắm được tâm tư và nói được tiếng nói của người lao động”.

Còn Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp Biên Hòa Nguyễn Văn Thắng cho biết, sở dĩ Công đoàn Khu công nghiệp Biên Hòa có được kết quả thành lập tổ chức Công đoàn và phát triển đoàn viên tương đối cao là do đã phối hợp tốt với ban giám đốc các doanh nghiệp, đặc biệt ở những doanh nghiệp có đông người lao động. Còn ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu), cho biết số lao động mới của công ty thường dao động từ 400-500 người/tháng. Chỉ cần người lao động được ký hợp đồng lao động chính thức, cán bộ Công đoàn sẽ đến tiếp xúc, vận động tham gia vào tổ chức Công đoàn ngay. Chính vì vậy, tỷ lệ tập hợp người lao động ở công ty luôn ở mức cao nhất. 

Đồng chí Huỳnh Tấn Kiệt, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, cho biết  thời gian tới sẽ tiếp tục khuyến khích cán bộ Công đoàn bán chuyên trách sang làm cán bộ Công đoàn chuyên trách, trong đó ưu tiên về chế độ chính sách để cán bộ Công đoàn thực sự an tâm và gắn bó với nhiệm vụ được giao, tạo niềm tin vững chắc cho người lao động. Đồng thời, Liên đoàn Lao động sẽ cử cán bộ về công tác tại cơ sở, tổ chức các lớp đào tạo và bồi dưỡng cho cán bộ Công đoàn. Đồng chí Huỳnh Tấn Kiệt cho rằng, sau sự cố công nhân bị lợi dụng biểu tình, gây rối chống Trung Quốc trong 2 ngày 13 và 14-5 vừa qua, đã thực sự thấy được vai trò và trách nhiệm to lớn của tổ chức Công đoàn, đặc biệt là lực lượng đoàn viên nòng cốt là rất quan trọng.

Công Nghĩa

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều