Báo Đồng Nai điện tử
En

Nợ đọng bảo hiểm xã hội: Thiếu chế tài đủ mạnh

04:07, 24/07/2014

Tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) của nhiều doanh nghiệp đang trở thành "căn bệnh" khó chữa.

Tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) của nhiều doanh nghiệp đang trở thành “căn bệnh” khó chữa.

Điều đáng nói, việc này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động và gây khó khăn trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

* Ít khó khăn, nhiều chiếm dụng

Nguyên nhân của tình trạng này được xác định là do thiếu chế tài đủ mạnh để xử lý các doanh nghiệp chây ỳ; bản thân người lao động chưa ý thức đầy đủ quyền lợi của mình để đấu tranh khi chủ doanh nghiệp chiếm dụng quỹ BHXH; hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp thực sự khó khăn, không thể thanh toán  nợ…

Người lao động nhận chế độ bảo hiểm thất nghiệp tại Bảo hiểm xã hội TP. Biên Hòa.
Người lao động nhận chế độ bảo hiểm thất nghiệp tại Bảo hiểm xã hội TP. Biên Hòa.

Tin từ BHXH tỉnh cho biết tính đến ngày 30-6, toàn tỉnh có hơn 3 ngàn doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT với số tiền lên đến hơn 300 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp “than thở” sản xuất gặp khó khăn nên khất lần việc đóng BHXH, BHYT, trong khi hàng tháng, người lao động vẫn bị doanh nghiệp trích nộp những khoản này.

Danh sách doanh nghiệp nợ BHXH đang ngày một dài. Trong số hơn 3 ngàn doanh nghiệp nợ đọng BHXH, có đến hơn 55% doanh nghiệp nợ BHXH từ 1-3 tháng; 25% nợ từ 3-6 tháng và 20% nợ trên 6 tháng. Cá biệt, có doanh nghiệp nợ BHXH đến 85 tháng. Đứng đầu danh sách doanh nghiệp có khoản nợ lớn là Công ty cổ phần Lilama 45-1 (địa chỉ 140, Điện Biên Phủ, TP.Hồ Chí Minh) nợ hơn 13,8 tỷ đồng; Công ty cổ phần sản xuất và đầu tư Hoàng Gia (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2) nợ gần 8,2 tỷ đồng;  Công ty Vietbo (Khu công nghiệp Sông Mây) nợ 7,6 tỷ đồng;  Công ty TNHH Spring Fashion Việt Nam (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) nợ 6,5 tỷ đồng…

Lê Ngọc Mai, Phó giám đốc phụ trách BHXH tỉnh, cho biết: “Một trong những bất cập hiện nay là ngành BHXH chỉ được giao thu tiền BHXH và phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, chứ không có quyền xử phạt doanh nghiệp. Trong khi đó, luật pháp cũng chưa quy định vì nợ đóng BHXH mà doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động. Vì thế, tình trạng nợ đọng BHXH vẫn như căn bệnh không thuốc chữa”.

Bên cạnh số ít những doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT thực sự khó khăn, sản xuất cầm chừng... thì phần lớn doanh nghiệp trong danh sách nợ sản xuất ổn định, thậm chí còn mở rộng sản xuất khi hàng tháng vẫn tuyển thêm công nhân, nhưng không chịu giải quyết nợ BHXH, kéo dài thời gian chiếm dụng quỹ BHXH của người lao động. Làm một phép tính đơn giản: một công ty có 1 ngàn công nhân, với mức lương bình quân 3 triệu đồng/tháng/người, nếu mỗi công nhân trích nộp BHXH 7%/ tháng, một năm công ty sẽ thu được 2,5 tỷ đồng. Đây là khoản vốn để công ty tiếp tục đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, sinh lợi nhuận.

* Thiếu chế tài đủ mạnh…

“Nếu thực sự doanh nghiệp khó khăn, thì việc chậm đóng BHXH vẫn có thể thông cảm được. Nhưng lợi dụng tình hình khó khăn để chây ỳ, trốn tránh trách nhiệm, thậm chí là cố tình chiếm dụng quỹ BHXH của người lao động thì cần một chế tài đủ mạnh để xử lý những doanh nghiệp này” - bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, Trưởng phòng thu BHXH tỉnh cho hay. Tuy nhiên, theo bà Cẩm, cho đến nay vẫn chưa có một chế tài nào đủ mạnh để xử lý tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT đối với các doanh nghiệp chây ỳ.

Được biết, từ ngày 10-10-2013, Nghị định 95/2013 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH quy định hành vi chậm đóng BHXH bị phạt đến 75 triệu đồng. Mặc dù mức phạt này đã cao hơn rất nhiều so với mức cũ, nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe. Tình trạng chấp nhận nộp phạt, chấp nhận nộp lãi khoản nợ đọng để chiếm dụng quỹ BHXH của người lao động làm vốn riêng vẫn tiếp tục diễn ra. Kể cả biện pháp mạnh tay nhất là khởi kiện các doanh nghiệp ra tòa, dù thắng kiện là 100%, nhưng khả năng thu hồi nợ cũng rất thấp. Chưa kể trong thời gian chờ tòa giải quyết, thời gian thi hành án, số nợ cũ của doanh nghiệp chưa trả được, số nợ mới lại tiếp tục phát sinh. Thậm chí có những doanh nghiệp khi bị kiện ra tòa thì tuyên bố phá sản, mất khả năng chi trả hoặc chủ doanh nghiệp bỏ trốn… Vì thế, rất khó để giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng BHXH.

Chị H., công nhân Công ty TNHH C&H Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) cho biết: “Tôi từng làm việc ở công ty này gần 2 năm. Mặc dù hàng tháng tôi vẫn bị trừ tiền BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp nhưng công ty không nộp. Năm ngoái, khi công ty tuyên bố ngừng hoạt động, tài sản bị ngân hàng “xiết” để thu nợ, công ty không còn khả năng chi trả mà BHXH cũng không giải quyết chế độ cho công nhân vì doanh nghiệp không đóng các khoản bảo hiểm này cho người lao động”.

Trong năm 2013, BHXH tỉnh đã khởi kiện 49 doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền 40,5 tỷ đồng, nhưng chỉ thu hồi được 10 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2014, 5 doanh nghiệp khác bị khởi kiện với tổng số tiền nợ là 14,33 tỷ đồng, tuy nhiên cũng chỉ thu được 347 triệu đồng. Cụ thể như ở huyện Nhơn Trạch, Chi cục Thi hành án dân sự huyện vừa thông báo với BHXH tỉnh, trong 10 công ty bị kiện nợ đọng BHXH (từ năm 2011-2013) phải thi hành án với tổng số tiền là 14,2 tỷ đồng, đã có 4 công ty ngưng hoạt động, 4 công ty thế chấp hết tài sản cho ngân hàng, không còn điều kiện thi hành án, chỉ có 2 doanh nghiệp cam kết trả dần hàng tháng.

Bà Lê Ngọc Mai, Phó giám đốc phụ trách BHXH tỉnh, cho biết: “Hành vi nợ BHXH của các doanh nghiệp chưa được quy định như một tội danh để phải xử lý hình sự. Trong khi tội danh liên quan đến thuế đã có các khung xử lý, kể cả xử lý hình sự nên doanh nghiệp chấp hành đầy đủ, còn hành vi nợ đọng, chậm đóng BHXH chỉ bị xử phạt hành chính nên doanh nghiệp luôn tìm cách trốn tránh, khất lần khất lữa”.

Việc các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHXH đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Đã có không ít lao động bị mất quyền được hưởng hoặc chậm được hưởng các chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động... do chủ sử dụng lao động không đóng BHXH cho họ.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Đó là khuyến cáo của GS.TS Phạm Mạnh Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, Chủ tịch Tổng hội y học Việt Nam về giải pháp giải quyết tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) tại buổi nói chuyện tại Đồng Nai về “Các vấn đề an sinh xã hội theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước” vừa qua.

GS.TS Phạm Mạnh Hùng cho rằng, có nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng nợ đọng BHXH, nhưng đầu tiên vẫn phải nói đến giải pháp tuyên truyền, nhất là có giải pháp tuyên truyền riêng cho đối tượng là chủ các doanh nghiệp. Cần cho họ hiểu tính chất an sinh xã hội của BHXH góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển của các doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế mà quên lợi ích an sinh xã hội thì chưa làm tròn trách nhiệm của mình.

Bên cạnh đó, cần phải làm cho người lao động hiểu ý nghĩa BHXH, BHYT đối với họ để chính người lao động tham gia kiểm soát, đóng góp BHXH, BHYT cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Nhà nước cần tăng chế tài xử phạt các doanh nghiệp nợ đọng thì mới có sức răn đe. Chẳng hạn trong Luật BHYT nên nêu rõ, nếu doanh nghiệp nợ BHXH phải trả tiền lãi số tiền nợ gấp đôi số tiền lãi của ngân hàng thì mới có thể khắc phục tình trạng này. Về lâu về dài, Nhà nước sẽ có những chế tài phù hợp. Ví dụ: Sắp tới giá dịch vụ y tế phải theo quy luật: Khi thực hiện theo quy luật thị trường, rõ ràng nếu không tham gia BHYT sẽ rất thiệt thòi. Tuy nhiên, khi triển khai chế tài không thể cấp tập mà phải tính đến những thời điểm phù hợp với từng giai đoạn.

Ngọc Thư (ghi)

 

Phương Liễu

 

 

Tin xem nhiều