Báo Đồng Nai điện tử
En

Giám đốc Nhà thiếu nhi Đồng Nai Nguyễn Thị Ngọc Dung: Sống phải biết cho chứ không chỉ biết nhận

09:08, 01/08/2014

Trong hơn 300 nhà thiếu nhi khắp cả nước, Nhà thiếu nhi Đồng Nai là một trong những đơn vị dẫn đầu có phong trào xuất sắc toàn diện, được biết đến như một đơn vị có rất nhiều chương trình, hoạt động sôi nổi và có những cách làm đột phá.

Trong hơn 300 nhà thiếu nhi khắp cả nước, Nhà thiếu nhi Đồng Nai là một trong những đơn vị dẫn đầu có phong trào xuất sắc toàn diện, được biết đến như một đơn vị có rất nhiều chương trình, hoạt động sôi nổi và có những cách làm đột phá. Thời nay, nhiều nhà thiếu nhi gặp khó khăn, thường chỉ sôi động 1 - 2 ngày cuối tuần thì Nhà thiếu nhi Đồng Nai luôn nhộn nhịp từ sáng đến tối, với rất nhiều lớp năng khiếu trên các lĩnh vực và đã trở thành một thương hiệu uy tín trong việc trang bị kỹ năng sống cho thiếu nhi.

Gắn bó gần 30 năm, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, một cựu cán bộ Đoàn đã dành cả tuổi trẻ và tâm huyết với nhà thiếu nhi, có công mang về nhiều bộ môn: múa rối, thể dục nhịp điệu, bóng rổ, trại sáng tác thơ văn tuổi học trò…

* Cơ duyên nào khiến bà gắn bó hàng chục năm với công tác thiếu nhi?

- Tôi làm công tác Đội ngay sau ngày 30-4-1975, khi mới học lớp 8. Hồi đó, học sinh các trường tham gia hoạt động Đội và phong trào rất sôi nổi. Tôi được giao phụ trách Đội cho các em Trường tiểu học Nguyễn Du. Và gần như ngay lúc đó, tôi nhận ra mình yêu thích những công việc liên quan đến Đoàn - Đội, công tác thiếu nhi…

Sau đó, tôi về Thành đoàn Biên Hòa tham gia sinh hoạt chung với các anh chị khi mới học lớp 9. Tôi được huấn luyện, được truyền lửa và truyền lý tưởng sống từ những lớp thanh niên sau giải phóng. Quá trình gắn bó với phong trào từ những lúc còn “chưa có gì” đã làm tôi dần yêu thích, say mê và điều đó ảnh hưởng đến quyết định chọn nghề nghiệp của tôi. Tôi từng học đại học, xuống Vũng Tàu dạy học 1 năm vào năm 1984, công việc ổn định, nhưng tôi mau chóng nhận ra công việc đó không làm mình hạnh phúc. Năm 1985, tôi xin nghỉ dạy, quay lại công tác ở Nhà thiếu nhi Đồng Nai đến tận ngày nay.

*  Điều gì gắn bà với các phong trào, hoạt động của nhà thiếu nhi lâu đến thế?

- May mắn của tôi là trong suốt mấy chục năm làm nghề, là luôn gặp được các em “máu lửa” với phong trào, tâm huyết với hoạt động Đoàn - Đội, công tác thiếu nhi. Các em đội viên trưởng thành quay về khá nhiều, tiếp tục hỗ trợ cho chúng tôi trong sự phát triển của các phong trào. Khi cần, các em sẽ hết lòng hỗ trợ. Ví dụ như Đội múa rối Hoa Hồng Nhỏ, mỗi năm vào dịp kỷ niệm ngày thành lập lại có một công trình thiện nguyện cho xã hội, từ Cà Mau đến Yên Bái… Và chính các em đã truyền cho tôi sự đam mê bền bỉ để theo nghề. 

* Bà tìm thấy ý nghĩa nào trong công việc của mình?

- Hiện tại, trách nhiệm chính trong giáo dục thuộc về nhà trường và gia đình. Nhưng trong khả năng nhỏ bé của mình, tôi mong muốn làm phong phú hơn thế giới tuổi thơ của các em bằng phong trào, bằng các môn nghệ thuật, khoa học - công nghệ, thể thao... Qua đó, rèn luyện cho các em kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử trong tập thể hay nơi công cộng. Quan trọng nhất là các em học được gì từ những hoạt động bên ngoài gia đình hay nhà trường. Với tôi, bài học quan trọng nhất tôi muốn thông qua những hoạt động của nhà thiếu nhi, là sống phải biết cho chứ không chỉ biết nhận.

* Kỹ năng sống của trẻ em đô thị đang là vấn đề được bàn cãi rất nhiều. Đời sống vật chất khá giả khiến nhiều gia đình cưng chiều, phục vụ con cái và quên đi việc dạy các em tự lập. Bà nghĩ thế nào về điều này?

Đồng Nai có 4 nhà thiếu nhi, ngoài Nhà thiếu nhi Đồng Nai có TX.Long Khánh, huyện Xuân Lộc và Long Thành. Chúng tôi vẫn cố gắng hỗ trợ để đem những chương trình tốt của mình đến với trẻ em các huyện. Tôi mong muốn huyện nào cũng sẽ có nhà thiếu nhi để các em được hưởng thụ nhiều hơn. Còn hiện tại, đành phải bằng lòng với những gì đang có.

- Đúng là có những em ở lứa tuổi tiểu học, cha mẹ vẫn còn đút cơm cho ăn. Sự phát triển về đời sống kinh tế khiến nhiều gia đình cho con một đời sống vật chất dư thừa, cho con học trường đắt nhất, tốt nhất, nhưng kỹ năng sống và kỹ năng ứng xử của các em lại thiếu. Thông qua các lớp năng khiếu, tôi xin các thầy cô 5-10 phút đầu để rèn luyện cho các em kỹ năng sống: sống văn minh, sống lịch sự thế nào, bắt nguồn từ những điều nhỏ bé nhất: dọn rác xung quanh nơi mình học, không chửi thề…

* Các “căn bệnh” của trẻ em đô thị, như: nghiện game, nghiện internet, béo phì… có làm bà lo ngại? Liệu có thể cải thiện được những điều ấy thông qua các hoạt động năng khiếu, kỹ năng không?

- Tôi lo ngại. Mỗi khi đi ngang những tiệm internet đầy trẻ em, tôi đau lòng. Vậy nên chỉ cần làm được gì có ích cho các em, tôi sẽ cố gắng hết mình. Tuy nhiên, khả năng của cá nhân tôi hay Nhà thiếu nhi Đồng Nai cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu, nhưng tôi vẫn luôn cố gắng hướng các em đến những hoạt động ngoài trời, tùy theo năng khiếu: bơi, vẽ, viết văn, học đàn… và thông qua đó chú trọng giáo dục kỹ năng sống. Một mảng hoạt động khá sôi nổi và quan trọng mà chúng tôi muốn các em tiếp cận là hoạt động thiện nguyện. Các em sẽ học cách chia sẻ với cộng đồng. Những chương trình, như: Áo trắng tặng bạn, Áo lụa tăng bà, Em yêu chú bộ đội, Thiệp cho Trường Sa… giúp các em va chạm với cuộc sống, gần gũi và sẻ chia nhiều hơn.

* Là nhà thiếu nhi đầu tiên trong cả nước thực hiện chương trình năng khiếu bán trú để giúp giải quyết nhu cầu dạy kỹ năng cho trẻ em đô thị, bà có thấy mình quá “ôm đồm”?

- Hoạt động của Nhà thiếu nhi Đồng Nai được xem là khá nổi bật trong số các nhà thiếu nhi tỉnh, thành. Nếu không có tâm huyết để làm phong trào nổi bật hơn cũng không ai trách. Nhưng chúng tôi không thể ngồi nhàn nhã trước những nhu cầu bức thiết của xã hội. Điều đó khiến tôi quyết tâm làm chương trình bán trú 11 năm nay. Khởi đầu chỉ có 60 em, nay đã trên 1 ngàn em, chúng tôi chú trọng rèn luyện kỹ năng, cho các em chơi, tham gia hoạt động năng khiếu… Dạy năng khiếu bán trú hiện tại rất áp lực, nhưng chúng tôi sẵn sàng chịu áp lực đó, đổi lại nhà thiếu nhi được sử dụng hết công suất. Chúng tôi làm hết chức năng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu cho trẻ em tỉnh nhà.

Tôi may mắn được đa số phụ huynh đồng thuận. Mỗi chương trình thiện nguyện cho các em tham gia, chúng tôi công khai minh bạch từng đồng tiền đóng góp. Phụ huynh và các em đội viên trưởng thành của Nhà thiếu nhi tỉnh tin tưởng nên chúng tôi duy trì được khá lâu. Và chúng tôi cũng muốn qua đó để các em thấy được nét đẹp của sự nhân hậu. Không thể sống một đường mà dạy các em một nẻo...

* Mải mê với hoạt động thiếu nhi hơn 30 năm đến mức quên… lập gia đình, bà có bao giờ thấy mình “già” trước các em? Và có khi nào bà thấy chán nghề?          

- Cũng có đôi khi tôi thấy mình già, nhất là khi các em “nhí” gọi tôi là bà, nhưng tôi hạnh phúc. Mặc dù không lập gia đình, nhưng ngày lễ tết hay sinh nhật, các em đội viên trưởng thành đã từng gắn bó với tôi hơn 30 năm qua lại quây quần về chung vui, tôi thấy mãn nguyện.

Tôi chưa bao giờ chán nghề. Hạnh phúc của tôi đơn giản, chỉ cần học trò nhỏ gặp mình, gặp người lớn biết khoanh tay chào, tôi đã thấy mình vui vẻ, mãn nguyện.

* Có điều gì khiến bà tiếc nuối sau hàng chục năm “nối dài” công tác Đoàn bằng các hoạt động, chương trình cho thiếu nhi?

- Tiếc nuối nhất có lẽ lại đến từ một khía cạnh khác. Chúng tôi là những lớp cán bộ Đoàn đầu tiên sau giải phóng, tràn đầy lý tưởng và nhiệt huyết. Ăn cơm nhà, hoạt động Đoàn - Đội không mệt mỏi, không nghĩ nhiều đến lợi ích riêng tư. Có lẽ chính lý tưởng đó làm chúng tôi hạnh phúc, và xung quanh tôi ngọn lửa đó rất nhiều. Điều này, buồn thay, tôi lại không thấy nhiều ở tuổi trẻ hiện nay. Nhưng có lẽ không nên cầu toàn quá, chỉ mong các em sống tốt và có ích cho xã hội. Giờ tôi chỉ nói với các em, luôn luôn có những người tốt quanh mình. Và hãy hướng về đó.

*  Xin cảm ơn bà!

Kim Ngân (thực hiện)

 

 

Tin xem nhiều