Báo Đồng Nai điện tử
En

Bình đẳng giới trong lao động, việc làm

08:09, 09/09/2014

Đồng Nai hiện có trên 800 ngàn lao động, trong đó tỷ lệ lao động nữ chiếm gần 60%. Để nâng cao chất lượng lao động, tiến tới mục tiêu bình đẳng giới thực chất, việc cải thiện điều kiện làm việc cho lao động nữ là rất cần thiết, trong đó chăm sóc sức khỏe sinh sản đóng vai trò quan trọng.

Đồng Nai hiện có trên 800 ngàn lao động, trong đó tỷ lệ lao động nữ chiếm gần 60%. Để nâng cao chất lượng lao động, tiến tới mục tiêu bình đẳng giới thực chất, việc cải thiện điều kiện làm việc cho lao động nữ là rất cần thiết, trong đó chăm sóc sức khỏe sinh sản đóng vai trò quan trọng.

Ông Võ Tân Thành, Phó tổng thư ký Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc VCCI chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, cho biết các doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân. Tuy nhiên, việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lao động nữ vẫn còn nhiều hạn chế.

* Coi trọng sức khỏe sinh sản

Bà Nguyễn Bích Hằng, Trưởng đại diện Tổ chức Marie Stopes International (gọi tắt là MSI) tại Việt Nam, cho rằng cải thiện điều kiện làm việc cho lao động nữ vừa góp phần nâng cao năng suất lao động, sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp, vừa thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao năng lực, vị thế của phụ nữ.

Lao động nữ được cấp thuốc tại Phòng khám BlueStar đặt tại Công ty TNHH Pouchen Việt Nam. Ảnh: N.SƠN
Lao động nữ được cấp thuốc tại Phòng khám BlueStar đặt tại Công ty TNHH Pouchen Việt Nam. Ảnh: N.SƠN

Tại Đồng Nai, thời gian qua hầu hết các cấp Công đoàn và doanh nghiệp đều duy trì hoạt động chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ. Trong năm 2013, toàn tỉnh có khoảng 196 ngàn công nhân viên chức lao động trên tổng số hơn 323 ngàn lao động nữ được khám sức khỏe (chiếm tỷ lệ trên 60%) với kinh phí trên 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Phước Mạnh, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lao động nữ mới chỉ diễn ra ở một vài doanh nghiệp lớn chứ chưa phổ biến. Trong khi đó, lao động nữ đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa đến sức khỏe sinh sản do môi trường sống thiếu vệ sinh, thiếu khu vui chơi giải trí lành mạnh, hiểu biết về sức khỏe sinh sản, tình dục còn hạn chế, ít được tiếp cận với thông tin và dịch vụ sức khỏe sinh sản, tình dục và kế hoạch hóa gia đình…

Ông Nguyễn Tuấn Kiệt, chuyên gia trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (thuộc Tổ chức MSI tại Việt Nam) cảnh báo, khi công nhân lao động vướng phải một số vấn đề sức khỏe, như: thiếu máu, thiếu dinh dưỡng; viêm nhiễm đường sinh dục; tiếp cận kế hoạch hóa gia đình kém; sức khỏe bà mẹ yếu; bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh tiểu đường... đều có tác động xấu đến công việc. Và sự tác động này thể hiện ở sự vắng mặt, mệt mỏi, khó tập trung, kiệt sức dẫn đến giảm năng suất lao động.

Cải thiện điều kiện làm việc cho lao động nữ không thể thực hiện được ngay mà cần có thời gian và thực hiện từng bước. Tại Công ty Pouchen (TP.Biên Hòa) và Công ty Pousung (huyện Trảng Bom), Tổ chức MSI đang triển khai dự án tăng cường chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ công nhân mang lại hiệu quả thiết thực. Bên cạnh việc trang bị kiến thức và giải đáp thắc mắc của nữ công nhân, chương trình còn tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí cho chị em, phát hiện kịp thời các bệnh liên quan đến đường sinh sản và đưa ra những tư vấn phù hợp.

* Cần có các chính sách dẫn đường

Ở Việt Nam, vấn đề bình đẳng giới là một trong những mục tiêu của Đảng và Nhà nước được đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, theo bà Phạm Nguyên Cường, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), Phó giám đốc văn phòng Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam, hiện nay một số chính sách, pháp luật dành cho lao động nữ hiện đang còn bất cập. Điển hình, trong Khoản 1, Điều 154, Chương X - Những quy định riêng đối với lao động nữ (Bộ luật Lao động năm 2012), quy định bảo đảm thực hiện bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác; Điều 160 quy định các công việc không được sử dụng lao động nữ; Thông tư 26 của Bộ Lao động - thương binh và xã hội ban hành danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ. Trong Luật Bảo hiểm xã hội quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản (Điều 27) mới chỉ đề cập đến lao động nữ mà chưa đề cập đến lao động nam…

Theo bà Phạm Nguyên Cường, để có bình đẳng giới, bên cạnh các quy định của pháp luật thể hiện được nguyên tắc bình đẳng giới, Nhà nước cần ban hành chính sách dẫn đường để các doanh nghiệp thực hiện chứ không thể để doanh nghiệp “tự bơi”. Với doanh nghiệp, ngoài việc tuân thủ Bộ luật Lao động còn phải đảm bảo điều kiện an toàn, môi trường vệ sinh, đầu tư các dịch vụ, tạo điều kiện để công nhân lao động được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Điều này góp phần tăng năng suất lao động, giúp doanh nghiệp xây dựng hình ảnh đẹp, tăng uy tín với khách hàng.

Nga Sơn

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích