Báo Đồng Nai điện tử
En

Năm học mới ở điểm trường lẻ

12:09, 02/09/2014

Sau gần 3 tháng hè, từ ngày 25-8, người dân ở ấp Phú Kiên, ấp Lá Ủ (xã Phú Bình, huyện Tân Phú) lại nghe văng vẳng bên tai tiếng trẻ con học hát, đọc thơ… Những âm thanh trong trẻo ấy phát ra từ lớp chồi 4, ấp Lá Ủ (một trong 3 điểm trường lẻ của Trường mầm non Phú Bình).

Sau gần 3 tháng hè, từ ngày 25-8, người dân ở ấp Phú Kiên, ấp Lá Ủ (xã Phú Bình, huyện Tân Phú) lại nghe văng vẳng bên tai tiếng trẻ con học hát, đọc thơ… Những âm thanh trong trẻo ấy phát ra từ lớp chồi 4, ấp Lá Ủ (một trong 3 điểm trường lẻ của Trường mầm non Phú Bình).

Đây là điểm trường duy nhất trong số 59 điểm trường lẻ của  huyện Tân Phú có 100% học sinh là người dân tộc thiểu số.

* Cô trò cùng học

Điểm trường lẻ ấp Lá Ủ sau 3 ngày tựu trường đã có 24 trẻ từ 3-5 tuổi ra lớp là người Mạ, Chơro, Cơ Ho, Nùng. “Nhìn những đứa trẻ đen nhẻm với đôi mắt to tròn lấp láy, vừa hiếu động lại vừa ham học, tôi thấy thương vô cùng. Do vậy, khi nhà trường có kế hoạch chuyển giáo viên vào dạy tại điểm này, tôi đã không ngần ngại nhận trách nhiệm” - cô Trần Thị Mộng Kiều phụ trách lớp học chia sẻ. Điểm trường lẻ này cũng là nơi đầu tiên cô Kiều bắt đầu sự nghiệp “gõ đầu trẻ”, đem những kiến thức sư phạm mình có được để dạy dỗ học trò. Được thành lập từ năm 1976, lớp chồi 4 ấp Lá Ủ trước đây là trường tiểu học, có 2 phòng học, sau khi chuyển cơ sở đi nơi khác, trường được dành cho trẻ mầm non.

Trẻ mầm non lớp chồi 4 ấp Lá Ủ chơi trò xây nhà. Ảnh: H. Dung
Trẻ mầm non lớp chồi 4 ấp Lá Ủ chơi trò xây nhà. Ảnh: H. Dung

  Với đặc thù 100% trẻ mầm non là người dân tộc thiểu số nên cô giáo vừa dạy trẻ học tiếng Kinh lại vừa phải học tiếng dân tộc. “Các cháu trả lời cô bằng tiếng Kinh nhưng nói chuyện với nhau bằng tiếng dân tộc, phụ huynh cũng vậy. Do đó, để hiểu được tâm tư, tình cảm của trẻ, mỗi lần trẻ nói câu gì đó, tôi lại phải nhờ phụ huynh dịch nghĩa. Đến giờ, tôi cũng hiểu được nhiều câu đơn giản trong giao tiếp hàng ngày để dạy dỗ trẻ tốt hơn“ - cô Kiều tâm sự. 14 năm công tác tại đây, với tình yêu trẻ, gần gũi, cô Kiều đã chiếm được tình cảm của đông đảo bà con.

Chị Ka Him, 34 tuổi, người dân tộc Cơ Ho, vui mừng nói: “Nhờ có cô giáo mà con em chúng tôi được học chữ, học hát, biết chào hỏi người lớn, vâng lời cha mẹ. Có cô giáo chăm, giữ tận tình, chúng tôi yên tâm và tin tưởng lắm”.

* Vượt khó

Cô Phạm Thị Chung, Hiệu trưởng Trường mầm non Phú Bình, cho biết điểm Lá Ủ mặc dù đã có điện, nước, nhà vệ sinh nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Phòng học chưa đạt chuẩn, cổng, sân chơi còn đá gồ ghề, đồ chơi ngoài trời chưa có, tường rào mới chỉ được rào bằng thép B40. Do đời sống của bà con người dân tộc thiểu số còn khó khăn nên việc huy động xã hội hóa để cải tạo cơ sở vật chất cho trường cũng không thực hiện được. Tuy thế, cô Kiều vẫn luôn kiên trì bám trường, bám lớp, nhiệt tình công tác, dạy dỗ trẻ theo đúng chuẩn chương trình giáo dục mầm non. 3 năm gần đây, công tác vận động trẻ ra lớp đúng độ tuổi ở điểm trường này đều đạt 100%.

Năm học 2014-2015, huyện Tân Phú có 66 trường học (24 trường mầm non, 25 trường tiểu học và 17 trường THCS). Tổng số học sinh dự kiến toàn huyện là 31,6 ngàn (giảm 207 học sinh tiểu học, THCS so với năm học trước). Với việc tuyển mới 16 giáo viên, nhiều nhất là bậc mầm non, năm học này toàn huyện có 2.555 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Đội ngũ giáo viên cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu giảng dạy, được đào tạo, tập huấn, ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp dạy nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Không riêng gì điểm Lá Ủ mà cả điểm Bến Thuyền ở ấp Phú Hợp B (cách điểm chính là Trường mầm non Phú Bình 10km, có 20 trẻ mầm non) và điểm ấp Phú Hợp (gồm 3 lớp với 76 trẻ do 5 giáo viên phụ trách) những năm qua đã vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành chương trình phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi. Riêng điểm lẻ ở ấp Phú Hợp đến nay đã có 2 lớp được học bán trú, giải quyết được nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh.

Năm học 2014-2015, toàn huyện Tân Phú có 59 điểm trường lẻ (32 điểm trường mầm non và 27 điểm trường tiểu học). Xã Đắk Lua xa nhất cũng có 4 điểm trường lẻ. Trừ 2 trường tiểu học là Minh Khai (thị trấn Tân Phú) và Cát Tiên (xã Tà Lài) không có điểm trường lẻ, còn lại 18 trường tiểu học công lập đều có từ 1-3 điểm trường lẻ nằm rải rác trên địa bàn xã, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, đi lại của học sinh.

Hạnh Dung

 

 

 

Tin xem nhiều