Báo Đồng Nai điện tử
En

Không để công nhân ăn "bánh vẽ"

10:10, 08/10/2014

Mặc dù lương tối thiểu được Nhà nước quan tâm điều chỉnh tăng thêm ít nhất 10%/năm, thế nhưng đời sống công nhân vẫn còn thiếu thốn trăm bề.

Mặc dù lương tối thiểu được Nhà nước quan tâm điều chỉnh tăng thêm ít nhất 10%/năm, thế nhưng đời sống công nhân vẫn còn thiếu thốn trăm bề.

Ông Lương Ngọc Hồi, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Great Veca tại Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1, bày tỏ lo lắng lương công nhân chỉ mới đáp ứng được 70% đời sống tối thiểu, trong khi Bộ luật Lao động năm 2013 đã quy định rõ, đó là “lương tối thiểu phải đáp ứng được mức sống tối thiểu”.

* Lo cái khó của công nhân

Theo ông Hồi, chính vì lương không đủ sống nên công nhân phải chi tiêu tằn tiện, ăn uống không đủ chất, cố gắng làm không có thời gian nghỉ. Điều này không những ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động mà con cái cũng ảnh hưởng theo. Qua khảo sát tại công ty, cứ 10 cặp vợ chồng thì có tới 4 cặp phải gửi con về quê cho ông bà nội, ngoại nuôi giúp vì cha mẹ không gánh nổi chi phí gửi con.

Con công nhân Công ty Pouchen (xã Hóa An, TP.Biên Hòa) được học trong trường mầm non khang trang, nhưng số trường như vậy hiện còn quá ít so với nhu cầu thực tế của công nhân.
Con công nhân Công ty Pouchen (xã Hóa An, TP.Biên Hòa) được học trong trường mầm non khang trang, nhưng số trường như vậy hiện còn quá ít so với nhu cầu thực tế của công nhân.

Ông Lê Tiến Thành, công nhân Công ty TNHH Namyang  International Việt Nam  (KCN Amata), cho biết công ty có trên 4 ngàn lao động, nhưng 80% công nhân là lao động nhập cư, phải đi thuê nhà trọ. Khi chưa lập gia đình, 3-4 người chung tiền thuê một phòng trọ 10 m2. Khi đã lập gia đình, cả gia đình 4 người cũng ở trong phòng trọ có diện tích như thế, chật chội, bất tiện. Đó là chưa kể tình trạng giá điện, nước sinh hoạt ở các khu nhà trọ luôn cao gấp 2-3 lần giá bình thường càng đẩy cuộc sống của công nhân vào khó khăn. Đây cũng là lý do dẫn đến việc người lao động bỏ Đồng Nai trở về miền Trung, miền Bắc làm việc để được gần nhà, chi phí sinh hoạt thấp hơn.

Ông Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết: “Doanh nghiệp luôn nói lao động là “vàng”, nhưng không phải như vậy. Thực tế doanh nghiệp không bao giờ muốn trả lương cho người lao động cao hơn mức tối thiểu của Nhà nước quy định, có cao hơn thì cũng không đáng kể. Tuy nhiên, Công đoàn đại diện cho người lao động sẽ đấu tranh với giới chủ đến cùng chứ không bao giờ chấp nhận để công nhân ăn “bánh vẽ” thêm nữa”.

Ông Mai Xuân Thạnh, công nhân Công ty TNHH một thành viên động cơ và máy nông nghiệp miền Nam (Vikyno - Vinappro) kiến nghị Nhà nước phải có chính sách hữu hiệu hơn để kiềm chế tăng giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, như: điện, nước sinh hoạt, nhà trọ, giá sữa... “Nếu cứ để tình trạng lương chưa tăng mà giá cả nhiều mặt hàng đã tăng thì việc tăng lương sẽ không còn ý nghĩa, thậm chí là có tác dụng ngược tới đời sống người lao động” - ông Thạnh nói.

* Chờ cải thiện đời sống

Việc chăm sóc công nhân về mọi mặt vẫn còn nhiều bất cập, trong đó có chính sách chăm sóc sức khỏe. Chị Lê Thị Thuận, công nhân Công ty TNHH Sanko Mold Việt Nam (KCN Amata), cho biết công nhân nào cũng được mua thẻ bảo hiểm y tế, nhưng ít khi dùng đến vì khám bệnh mỗi lần chỉ mất 15-20 phút song lại phải chờ đợi cả buổi. Công nhân xin nghỉ đi khám bệnh đã khó, phải chờ đợi rất sốt ruột, đó là chưa kể đến thái độ của bác sĩ với bệnh nhân khám bằng thẻ bảo hiểm y tế.

Công nhân Công ty TaeKwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) trong bữa ăn trưa đạm bạc.
Công nhân Công ty TaeKwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) trong bữa ăn trưa đạm bạc.

 Theo lộ trình về cải cách tiền lương, tới năm 2015 lương sẽ đảm bảo được đời sống tối thiểu của người lao động, nhưng thực tế đến nay đã là cuối năm 2014, nhưng lương mới chỉ đáp ứng được 70% đời sống tối thiểu. Trong khí đó, lương tối thiểu được điều chỉnh từ 1-1-2015 tới đây chỉ tăng thêm 15,1%. Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, với cách điều chỉnh lương như hiện nay, phải đợi tới năm 2017, thậm chí tới năm 2018 thì lương mới đáp ứng được đời sống tối thiểu.

Đầu tháng 8-2014, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất đề xuất tăng mức lương tối thiểu vùng năm 2015 lên 15,1%. Cụ thể, vùng I: 3,1 triệu đồng/tháng (tăng 400 ngàn đồng so với năm 2014); vùng II: 2,75 triệu đồng/tháng (tăng 350 ngàn đồng); vùng III: 2,42 triệu đồng/tháng (tăng 320 ngàn đồng); vùng IV: 2,2 triệu đồng/tháng (tăng 300 ngàn đồng).

Tiền lương được coi là “chìa khóa” để cải thiện đời sống hiện nay, song công nhân vẫn còn mong chờ nhiều chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống, trong đó có việc đầu tư xây dựng nhà văn hóa, nhà trẻ, trường học... Anh Dương Quyết Thắng, công nhân Công ty TNHH Henkel Dongsung Việt Nam (KCN Biên Hòa 2), kiến nghị công nhân thực sự mong chờ có một công trình nhà văn hóa để được giải trí thường xuyên; cần có nhà ở, nhà trẻ, trường học để gửi con đi làm. Trong khi đó, chị Trịnh Hồng Thuận, công nhân Công ty TaeKwang Vina, thẳng thắn bảy tỏ: “Nếu cuộc sống công nhân làm chẳng đủ ăn, sức khỏe không được cải thiện, thì chắc hết tuổi lao động tay trắng vẫn hoàn tay trắng”.

Công Nghĩa

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều