Báo Đồng Nai điện tử
En

Thờ ơ với xuất khẩu lao động

09:11, 16/11/2014

Trong khi rất nhiều lao động ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung luôn hào hứng với việc đi xuất khẩu lao động, thậm chí sẵn sàng vay mượn vài trăm triệu đồng để có cơ hội đi Hàn Quốc, Nhật Bản làm việc, thì tại Đồng Nai rất ít người đoái hoài tới hình thức này.

Trong khi rất nhiều lao động ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung luôn hào hứng với việc đi xuất khẩu lao động, thậm chí sẵn sàng vay mượn vài trăm triệu đồng để có cơ hội đi Hàn Quốc, Nhật Bản làm việc, thì tại Đồng Nai rất ít người đoái hoài tới hình thức này.

Người lao động tìm hiểu cơ hội đi xuất khẩu lao động tại sàn giao dịch việc làm.
Người lao động tìm hiểu cơ hội đi xuất khẩu lao động tại sàn giao dịch việc làm.

Người lao động ở Đồng Nai ít quan tâm tới hình thức đi xuất khẩu lao động là do thị trường việc làm tại chỗ luôn dồi dào, ổn định. Thu nhập lao động trong nước có thể chưa cao bằng lao động ở nước ngoài, nhưng đổi lại không phải sống xa gia đình.

* Quảng cáo hấp dẫn

Tại Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh, mỗi phiên giao dịch đều có từ 1-2 đơn vị tham gia tuyển dụng lao động đi làm việc tại nước ngoài. Thị trường việc làm được giới thiệu nhiều nhất là Nhật Bản. Theo giới thiệu của các đơn vị, ngành nghề tuyển dụng lao động đi Nhật Bản rất phong phú, phù hợp với lao động trẻ, thích được đi đây đi đó. Nếu chưa biết nghề người lao động sẽ được học nghề, chưa biết tiếng Nhật sẽ được dạy tiếng Nhật. Người đi làm việc tại Nhật Bản được hứa hẹn có mức thu nhập từ 20 - 25 triệu đồng/tháng. Sau 3 năm làm việc, người lao động có thể tích lũy được 500 - 600 triệu đồng, một con số chỉ thấy trong mơ với nhiều người.

Tại phiên giao dịch việc làm lần thứ 81 do Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức mới đây, nhân viên tư vấn của  Trung tâm cung ứng và xuất khẩu lao động Thành An (chi nhánh TP.Hồ Chí Minh), cho biết để được sang Nhật Bản làm việc, người lao động phải đóng 6.000 USD (khoảng hơn 120 triệu đồng Việt Nam), trong đó 4.000 USD là chi phí xuất cảnh, 2.000 USD còn lại là tiền đặt cọc.

Một công ty khác cũng thường xuyên đến Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh để tuyển lao động đi làm việc tại Nhật Bản, đó là Công ty TNHH Esuhai (TP.Hồ Chí Minh). Nhân viên Esuhai từ chối cung cấp chi tiết về những khoản chi phí để được đi Nhật Bản lao động, mà chỉ cho biết có rất nhiều công việc, ngành nghề đang cần tuyển. Nhân viên của công ty này cũng cho hay, nếu làm việc tại Nhật Bản từ 1-3 năm, tiền tích lũy được của người lao động sẽ từ 160 - 500 triệu đồng, thậm chí là cả tỷ đồng nếu thời gian lao động dài hơn.

* Sợ rủi ro

Theo thông tin từ Sở Lao động - thương binh và xã hội, người lao động Đồng Nai đi lao động xuất khẩu theo các kênh chính thức từ trước đến nay là không đáng kể và hầu như vắng bóng tại các thị trường việc làm ở Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc... Thậm chí,  đã có nhiều lao động ở các thị trường lao động nói trên sau khi hết hợp đồng, hoặc bị cho về nước trước hạn đã đến Đồng Nai tìm việc.

Đề phòng rủi ro khi đi xuất khẩu lao động

Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Lâm Duy Tín cho biết Đồng Nai là địa phương luôn đảm bảo đủ công việc cho người lao động. Tuy nhiên, những ai có nhu cầu đổi đời nhanh bằng hình thức xuất khẩu lao động thì phải cẩn thận, cần tìm đúng đơn vị có chức năng đưa người đi lao động nước ngoài do Bộ Lao động - thương binh và xã hội cấp phép. Ngoài ra, người lao động còn cần tìm hiểu rõ ràng các điều kiện về phí xuất cảnh, thu nhập trong thời gian làm việc trước khi quyết định nộp phí và tiền cọc.

Dành ít phút tìm hiểu về các thủ tục và chi phí cho một chuyến đi Nhật Bản lao động tại bàn tuyển dụng của một công ty cung ứng lao động xuất khẩu tại Trung tâm tâm giới thiệu việc làm tỉnh, chị Dương Thu Thảo (công nhân mới nghỉ việc tại Khu công nghiệp Amata) cho biết: “Chi phí đi xuất khẩu lao động lên tới hơn một trăm triệu đồng là quá khả năng của tôi. Nếu có phải vay mượn thì tôi cũng không thể vay được số tiền lớn như vậy”. Chị Thảo cũng không giấu sự lo lắng về những rủi ro, như: đóng tiền rồi, liệu có được đi ngay hay bị lừa như đã từng xảy ra với nhiều người? Nếu may mắn đi được thì công việc bên đó có thuận lợi không?...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, người lao động muốn đi xuất khẩu lao động, nếu chưa có nghề sẽ phải mất thêm thời gian học nghề và học ngôn ngữ của nước sở tại từ 4 - 6 tháng, chi phí học là từ 15 - 20 triệu đồng. Trong thời gian học gần như không có nguồn thu nào. Tuy nhiên, ngay cả khi người lao động đã có nghề, biết tiếng thì vẫn chưa chắc sẽ đảm bảo 100% cơ hội đi làm ngay vì phải chờ công ty ở Nhật Bản sang phỏng vấn, nếu đạt mới đi “trót lọt”. Trong trường hợp đã nộp tiền học nghề, học tiếng… mà không vượt qua được vòng phỏng vấn thì coi như mất học phí học nghề với giá cao.

Công Nghĩa

 

 

Tin xem nhiều