Báo Đồng Nai điện tử
En

Đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế

11:12, 07/12/2014

Trong khi có không ít cử nhân phải cất bằng đại học trong tủ để đi làm công nhân, thì lao động kỹ thuật có tay nghề lại đang "cháy hàng" trên thị trường lao động.

Trong khi có không ít cử nhân phải cất bằng đại học trong tủ để đi làm công nhân, thì lao động kỹ thuật có tay nghề lại đang “cháy hàng” trên thị trường lao động.

Ông Othmar Hardegger, Tổng lãnh sự Thụy Sĩ tại Việt Nam, cho hay 50 học viên nghề cắt gọt kim loại đầu tiên do phía Thụy Sĩ hỗ trợ Trường trung cấp nghề cơ điện Đông Nam bộ (huyện Vĩnh Cửu), sau khi tốt nghiệp đã được các doanh nghiệp (DN) của Thụy Sĩ và Đức “chia nhau” tuyển hết.

* Cơ hội cho người học nghề

Không dừng lại ở đó, Thụy Sĩ sẽ tiếp tục hỗ trợ Trường trung cấp nghề cơ điện Đông Nam bộ đào tạo thêm nghề mới: điện tử công nghiệp. Toàn bộ thiết bị thực hành nghề mới này đã được chuyển sang từ Thụy Sĩ, sẵn sàng cho việc đào tạo. Ông Othmar Hardegger đưa ra lời khuyên: “Thanh niên nên suy nghĩ về cơ hội học nghề, vì Việt Nam đang khởi động chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ, ngành cần rất nhiều lao động tay nghề kỹ thuật cao”.

Chuyên gia châu Âu đào tạo nghề nâng cao cho giáo viên dạy nghề Đồng Nai  tại Trường cao đẳng nghề Lilama 2.
Chuyên gia châu Âu đào tạo nghề nâng cao cho giáo viên dạy nghề Đồng Nai tại Trường cao đẳng nghề Lilama 2.

Ở Đồng Nai đã có những DN đi tiên phong đào tạo nghề, trong đó có Công ty Bosch Việt Nam (Khu công nghiệp Long Thành). DN này đang đào tạo 46 nhân viên kỹ thuật theo phương pháp mới, khác biệt so với các trường nghề hiện nay. Học viên, vừa được đào tạo nghề vừa được DN trả lương. 80% thời gian khóa học của học viên chỉ tập trung thực hành trên máy móc công nghệ tương thích mà DN này đang dùng. Việc học lý thuyết và ngoại ngữ được DN liên kết với Trường cao đẳng nghề Lilama 2 thực hiện. Dù mới qua 1 năm đào tạo nhưng học viên đã tương đối thạo nghề, tác phong chuyên nghiệp, kỹ năng ngoại ngữ tự tin. Tổng giám đốc Công ty Bosch Việt Nam Võ Quang Huệ cho biết, các học viên này sẽ là những thợ tay nghề cao, truyền nghề cho công nhân mới.

Nhu cầu cung cấp nguồn nhân lực kỹ thuật cao của DN đang mở ra nhiều cơ hội cho trường nghề. TS.Lê Văn Hiền, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Lilama 2, vui mừng cho biết nhiều tập đoàn lớn của châu Âu và Nhật Bản đã đặt vấn đề liên kết đào tạo với nhà trường. Điều này mang lại lợi ích lớn cho người học, cơ hội việc làm và thu nhập ổn định. Quá trình liên kết DN sẽ cung cấp cho trường các chương trình đào tạo mới nhất, cùng các thiết bị thực hành hiện đại. Ông Hiền cho biết thêm, năm 2015, Đức và Pháp sẽ tiếp tục tài trợ cho trường nhiều thiết bị dạy nghề tiên tiến, đồng thời trường đang đầu tư để sớm trở thành trường đào tạo nghề quốc tế đầu tiên tại Đông Nam bộ.

* Cần tư duy mới

Trong khi các DN đang “khát” lao động tay nghề kỹ thuật thì hệ thống  trường nghề tại Đồng Nai lại chưa thực sự nắm bắt cơ hội này để phát triển. Bà Lê Thị Mỹ Phượng, nguyên Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, nhận định các trường nghề hiện mới chỉ dừng lại ở tầm địa phương, thiếu trường đạt trình độ quốc gia, lại càng khó để tìm được một trường đạt đẳng cấp quốc tế. Theo bà Phượng, để trường nghề thực hiện được vai trò của mình, là nơi đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực cho DN, trước hết trường nghề phải chủ động đổi mới về nhiều mặt, nhất là đổi mới chương trình đào tạo, nâng cấp chương trình mới cho giáo viên dạy nghề và thiết bị thực hành cũng phải phù hợp, theo kịp với công nghệ của DN đang sản xuất.

Ông Phạm Văn Cộng, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho biết toàn tỉnh hiện có 40 cơ sở dạy nghề  và 23 doanh nghiệp đăng ký hoạt động dạy nghề (7 doanh nghiệp Nhà nước và 16 doanh nghiệp tư nhân). Sở đang rà soát lại cơ sở vật chất, chương trình dạy nghề, đội ngũ giáo viên... ở các trường nghề để mạnh dạn cắt bỏ những nghề, chương trình đào tạo đã lỗi thời. Hướng đi trong thời gian tới là tập trung những nghề kỹ thuật mà thị trường cần, nhất là nguồn nhân lực cho công nghiệp phụ trợ.

Nhiều trường nghề được đầu tư rất lớn nhưng lại đang chung số phận là không tuyển sinh được. Nguyên nhân chính là chất lượng đào tạo không đáp ứng nhu cầu của DN, còn người học thì “quay lưng” với trường nghề. Để duy trì bộ máy, một số trường nghề đã phải cho các trường đại học mướn lại một phần cơ sở vật chất để đào tạo hệ tại chức, hoặc cho thuê sân bãi làm nơi để xe, kho hàng… Có trường nghề được tỉnh đầu tư hiện đại, với số tiền hàng chục tỷ đồng nhưng cũng đang “chết lâm sàng”...

Để khắc phục hạn chế của trường nghề, Sở Lao động - thương binh và xã hội đã xây dựng một kế hoạch cụ thể về nguồn nhân lực dạy nghề. Theo đó, trong năm 2014  tỉnh đã đào tạo nâng cao trình độ sư phạm dạy nghề quốc tế tại Trường cao đẳng nghề Lilama 2 cho 40 giáo viên. Trong năm 2015, khoảng 400 giáo viên nữa sẽ được tỉnh tiếp tục đưa đi đào tạo nâng cao tại Trường cao đẳng nghề Lilama 2. Ngoài ra, tỉnh còn tranh thủ nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để đưa giáo viên đi đào tạo ở nước ngoài. Hiện có 3 trường của Đồng Nai được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ đào tạo nâng cao cho giáo viên dạy nghề, gồm: Trường cao đẳng nghề khu vực Long Thành - Nhơn Trạch, Trường cao đẳng nghề Đồng Nai và Trường đại học Lạc Hồng. Ngoài ra, Trường cao đẳng nghề Lilama 2 đang được hiệp hội dạy nghề của châu Âu, Anh quốc hỗ trợ đào tạo nghề nâng cao theo chuẩn quốc tế cho toàn bộ đội ngũ giáo viên.

Công Nghĩa

 

 

  

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích