Báo Đồng Nai điện tử
En

Còn thờ ơ với an toàn lao động, phòng chống cháy, nổ

10:03, 23/03/2015

Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy, nổ (ATVSLĐ-PCCN) lần thứ 17, toàn tỉnh đã có 7 đoàn kiểm tra tại gần 200 doanh nghiệp (DN). Qua kiểm tra cho thấy, không ít DN lẫn người lao động vẫn còn coi thường công tác này.

Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy, nổ (ATVSLĐ-PCCN) lần thứ 17, toàn tỉnh đã có 7 đoàn kiểm tra tại gần 200 doanh nghiệp (DN). Qua kiểm tra cho thấy, không ít DN lẫn người lao động vẫn còn coi thường công tác này.

Anh Nguyễn Hữu Hạnh, công nhân Công ty gạch men Thanh Thanh (Khu công nghiệp Biên Hòa 1), bị máy nghiền đứt lìa cánh tay, may mắn được nối thành công. Ảnh: C. NGHĨA
Anh Nguyễn Hữu Hạnh, công nhân Công ty gạch men Thanh Thanh (Khu công nghiệp Biên Hòa 1), bị máy nghiền đứt lìa cánh tay, may mắn được nối thành công. Ảnh: C. NGHĨA

Tại Công ty Dona Quế Bằng (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu), đoàn kiểm tra do Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh dẫn đầu đã phải lập tới 3 biên bản xử phạt hành chính, với số tiền lên đến trên 40 triệu đồng.

* Thờ ơ sức khỏe công nhân

Nguyên nhân Công ty Dona Quế Bằng phải “lãnh” 3 biên bản xử phạt hành chính một lúc là do công ty này tự ý cơi mái che giữa hai xưởng, đặt vật làm che khuất, cản lối vào của xe chữa cháy giữa các xưởng khi có hỏa hoạn. Các thiết bị điện bố trí trong tình trạng nguy hiểm cao, đặc biệt các tủ điện trong kho hóa chất phải là loại tủ chống nổ, tuy nhiên công ty chỉ trang bị loại tủ thường. Không dừng lại ở đó, hệ thống chữa cháy khi kiểm tra đều không hoạt động. Một số khu vực sử dụng hóa chất, mùi bốc ra khó chịu nhưng công nhân không đeo khẩu trang bảo hộ. Đoàn kiểm tra còn phát hiện công ty này không thực hiện đánh giá tác động môi trường làm việc, người lao động cũng không được tập huấn về ATVSLĐ-PCCN.

Công ty sản xuất mực in Tân Đông Dương (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) từng xảy ra hỏa hoạn lớn vào năm 2012. Tuy nhiên, nhận thức của chủ DN lẫn người lao động ở đây vẫn chưa thực sự chuyển biến. Môi trường sản xuất mực in được cho là rất độc, tuy nhiên hầu hết công nhân không đeo khẩu trang, găng tay. Phó tổng giám đốc công ty này, ông Trần Văn Danh, dường như đã “né” đoàn kiểm tra, ủy quyền cho cấp dưới làm việc với đoàn. Chỉ khi cấp dưới không đủ khả năng giải trình một số vấn đề thì vị này mới xuất hiện.

Trong khi đó, còn nhiều DN bỏ ngỏ công tác ATVSLĐ-PCCN, hoặc người đứng đầu “ôm” hết, hoặc khoán trắng cho cấp dưới làm được tới đâu thì làm. Chẳng hạn Công ty cổ phần thương mại dịch vụ dầu khí Vũng Tàu (chi nhánh Khu công nghiệp Gò Dầu, huyện Long Thành), không có bộ phận riêng chuyên trách ATVSLĐ-PCCN. Kinh doanh hàng gas rất dễ cháy nổ, thế nhưng công nhân lại không được tập huấn. Nhiều thiết bị chữa cháy đã cũ, tủ đựng dây chữa cháy lại có vật cố định chắn ngang nên không thể mở ra để lấy hay cất vòi.

Tại Công ty TNHH Woowon Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 1), mọi công tác liên quan tới ATVSLĐ-PCCN, giám đốc người Hàn Quốc đều giao hết cho một cán bộ tổng vụ. Khu vực xưởng rất ẩm ướt nhưng dây điện nằm sát đất, nối nhằng nhịt. Công nhân, kể cả công nhân đang mang thai, không ai đeo khẩu trang hay găng tay trong lúc làm việc. Khi cán bộ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy hỏi khu vực máy bơm cứu hỏa do bộ phận nào quản lý thì bộ phận bảo vệ và tổng vụ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Thậm chí Giám đốc Công ty Woowon, ông Lee Sung Ki còn thắc mắc tại sao nhiều công ty lớn, tỉnh không kiểm tra, công ty của ông nhỏ xíu lại bị kiểm tra (?!).

* Sẽ xử lý quyết liệt

Năm 2014, tai nạn lao động và cháy nổ đã giảm cả 3 tiêu chí: số vụ, số người bị thương và số người chết. Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Trí vẫn chưa hài lòng và cho rằng tần suất tai nạn lao động vẫn còn ở mức cao. Cụ thể, năm 2014 đã xảy ra tới 1.506 vụ, làm 1.557 người bị nạn, trong đó có 22 vụ tai nạn chết người, làm 22 người chết, ước thiệt hại về thuốc men, điều trị cho người bị nạn gần 6,5 tỷ đồng. Trong khi đó, tình hình cháy nổ đã xảy ra 18 vụ (giảm 32 vụ), nhưng có tới 9 người bị chết. Thiệt hại về tài sản của các vụ cháy, nổ lên tới 5 tỷ đồng.

Năm 2014, Thanh tra Sở Lao động - thương binh và xã hội đã thanh tra 381 doanh nghiệp về ATVSLĐ, có gần 100 DN bị xử phạt hành chính, số tiền trên 2,4 tỷ đồng. Còn Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy tỉnh cũng đã phạt 639 DN với số tiền gần 1,8 tỷ đồng do không chấp hành quy định về PCCN.

Đại tá Võ Văn Sáng, Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy tỉnh, cho biết trong đợt kiểm tra nhân Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN lần thứ 17, ngoài việc thành lập đoàn kiểm tra do Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy tỉnh làm trưởng đoàn, ban giám đốc còn cử cán bộ tham gia vào 6 đoàn kiểm tra khác của tỉnh. Sau đợt kiểm tra này, những DN nào thực hiện chưa nghiêm, nhất là DN vi phạm ở mức nghiêm trọng sẽ được đưa vào “danh sách đen” để thanh tra, đồng thời kiên quyết xử lý.

Để kéo giảm tai nạn lao động và cháy nổ, không chỉ cần tập trung vào chấn chỉnh DN mà việc nâng cao ý thức của người lao động được xem là một giải pháp đột phá. Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đoàn Văn Đây cho rằng, Công đoàn cơ sở và người lao động có thể tham gia hiệu quả vào kéo giảm tai nạn lao động, cháy nổ. Trước hết là tự giác thực hiện các quy định, giám sát và yêu cầu DN thực hiện nghiêm quy định về ATVSLĐ-PCCN. Trường hợp DN không chấp hành thì kiến nghị cơ quan chức năng vào kiểm tra, thậm chí chấm dứt hoạt động của DN để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của mình.    

Công Nghĩa

 

 

Tin xem nhiều