Báo Đồng Nai điện tử
En

Nguy hiểm bệnh nghề nghiệp

09:03, 10/03/2015

Bệnh nghề nghiệp phát sinh do điều kiện lao động có hại tác động tới người lao động. Bệnh xảy ra cấp tính hoặc từ từ. Một số bệnh nghề nghiệp không chữa khỏi và để lại di chứng nặng nề.

Bệnh nghề nghiệp phát sinh do điều kiện lao động có hại tác động tới người lao động. Bệnh xảy ra cấp tính hoặc từ từ. Một số bệnh nghề nghiệp không chữa khỏi và để lại di chứng nặng nề.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Sang, Quyền Trưởng khoa bệnh nghề nghiệp (thuộc Trung tâm sức khỏe lao động - môi trường Đồng Nai), cho biết trong năm 2014 trung tâm đã khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp định kỳ cho hơn 10 ngàn người lao động về bệnh nghề nghiệp. 5 loại bệnh nghề nghiệp chủ yếu là: bụi phổi - silic, điếc, nhiễm độc nicotin, rung chuyển nghề nghiệp, viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp.

* Nhiều người bị điếc nghề nghiệp

Trong hơn 9 ngàn người lao động được khám bệnh điếc nghề nghiệp, đa số là công nhân làm ở tại một số công ty may mặc, giày da với thời gian làm việc 8 giờ/ngày trong môi trường tiếng ồn lớn liên tục từ 6 tháng trở lên. Triệu chứng ban đầu của bệnh điếc nghề nghiệp là nghe kém. Sau vài tháng tiếp xúc với tiếng ồn, người bệnh cảm thấy ù tai, khó chịu, cảm giác tức tức ở tai, đau đầu, mất ngủ, ngày càng nghe càng kém khi nói chuyện dẫn tới điếc, điếc không hồi phục.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất có máy móc gây tiếng ồn lớn nhưng không cho người lao động khám bệnh nghề nghiệp định kỳ. Trong ảnh: Một doanh nghiệp sản xuất găng tay ở Khu công nghiệp Long Thành trong năm 2014 chưa cho người lao động khám bệnh định kỳ. Ảnh: A.AN
Nhiều doanh nghiệp sản xuất có máy móc gây tiếng ồn lớn nhưng không cho người lao động khám bệnh nghề nghiệp định kỳ. Trong ảnh: Một doanh nghiệp sản xuất găng tay ở Khu công nghiệp Long Thành trong năm 2014 chưa cho người lao động khám bệnh định kỳ. Ảnh: A.AN

Tại Đồng Nai, phần lớn người lao động khám bệnh điếc nghề nghiệp bị điếc tổn thương. Bệnh có thể không nặng hơn nếu người lao động được phát hiện bệnh sớm, ngưng làm việc trong môi trường tiếng ồn lớn, được bố trí công tác ở vị trí phù hợp. Trong trường hợp không được phát hiện sớm, bệnh sẽ ngày càng tiến triển nặng dẫn tới điếc, điếc không phục hồi ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng lao động và chất lượng cuộc sống của người lao động.

Để phòng tránh bệnh điếc nghề nghiệp, người lao động cần có thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý; khám sức khỏe định kỳ, đo thính lực để phát hiện sớm và có biện pháp xử lý kịp thời. Người lao động khi tiếp xúc tiếng ồn cần sử dụng các dụng cụ bảo vệ như nút che tai.

* Nguy hiểm của bệnh bụi phổi - silic         

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Sang, bệnh bụi phổi - silic là một “kẻ giết người thầm lặng”. Người lao động trực tiếp tiếp xúc với bụi đá, bụi xi măng, bụi sơn có nồng độ bụi silic vượt mức quy định tại các công ty sản xuất vật liệu xây dựng; công ty hóa chất; ở các công trình xây dựng; các cơ sở sản xuất gỗ như sơn PU... Giai đoạn đầu người bệnh khó phát hiện bệnh vì thường không có triệu chứng lâm sàng. Trong thời gian tiếp xúc với môi trường silic từ 3-5 năm, tùy thể trạng của mỗi người bệnh sẽ tiến triển nặng, như: đau, tức ngực, khó thở, ho khạc ra đàm đen. Ở giai đoạn nặng, phổi bị xơ hóa dần chuyển sang ung thư và tử vong.

Một người thợ sơn sắt không sử dụng khẩu trang chuyên dùng khi làm việc.
Một người thợ sơn sắt không sử dụng khẩu trang chuyên dùng khi làm việc.

Khó đánh giá đúng thực tế về bệnh nghề nghiệp

 Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Sang, Quyền Trưởng khoa bệnh nghề nghiệp (thuộc Trung tâm sức khỏe lao động - môi trường Đồng Nai), cho biết năm 2014 chỉ có hơn 60 doanh nghiệp trong tỉnh đăng ký tham gia khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với cả chục ngàn doanh nghiệp hoạt động trong tỉnh. Một trong những nguyên nhân là do nhiều chủ doanh nghiệp còn thờ ơ đối với quy định khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Nhiều chủ doanh nghiệp tìm đủ mọi cách để né tránh nên không đánh giá đúng thực tế số công nhân cần phải khám bệnh nghề nghiệp trong tỉnh. Riêng người lao động tự do làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân, cơ sở sản xuất nhỏ hầu như không thể quản lý được. Người sử dụng lao động hầu như không quan tâm để phòng, tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Một điều chắc chắn là nếu các chủ doanh nghiệp thờ ơ với sức khỏe người lao động thì bệnh nghề nghiệp sẽ tiếp tục tăng.

Để phòng ngừa bệnh bụi phổi - silic, người lao động cần được trang bị, sử dụng quần áo, dụng cụ bảo hộ lao động chuyên dụng khi làm việc. Việc sử dụng khẩu trang thông thường trong môi trường bụi silic cao cũng không có hiệu quả ngăn ngừa bụi vì bụi silic rất nhỏ, dễ dàng đi qua không khí vào đường hô hấp. Bên cạnh đó, người lao động cần được khám sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp định kỳ hàng năm để phát hiện sớm, điều trị kịp thời, ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Sang còn cho biết, bệnh nghề nghiệp thường diễn tiến âm thầm khiến người lao động chủ quan không chữa trị kịp thời dẫn đến mất khả năng lao động do hạn chế trong vận động. Người dễ mắc chứng bệnh này là những người trực tiếp cầm hoặc điều khiển các dụng cụ gây rung, lắc, như: máy khoan, máy sàng, máy lắc. Bệnh tổn thương ở khớp cổ tay, cột sống thắt lưng gây suy nhược thần kinh, mất ngủ; khi nặng, bệnh ảnh hưởng đến hệ mao mạch ngoại vi gây co mạch làm suy giảm chức năng lao động. Việc khám sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp định kỳ hàng năm sẽ giúp phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời.

An An (ghi)

 

 

 

 

Tin xem nhiều