Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhân Ngày thế giới chống lao (24-3): Bệnh lao vẫn còn phổ biến

11:03, 24/03/2015

Theo báo cáo công tác chống lao năm 2014, toàn tỉnh có hơn 3,4 ngàn bệnh nhân lao các thể, trong đó có 50% bệnh nhân lao phổi AFB dương tính.

Theo báo cáo công tác chống lao năm 2014, toàn tỉnh có hơn 3,4 ngàn bệnh nhân lao các thể, trong đó có 50% bệnh nhân lao phổi AFB dương tính.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh, Giám đốc Bệnh viện phổi Đồng Nai, cho biết hiện nay do kiến thức về phòng, chống bệnh lao của một số người dân còn hạn chế, nhiều người chủ quan, không đi khám bệnh sớm khi có các triệu chứng, như: ho kéo dài, sốt về chiều, đổ mồ hôi trộm, biếng ăn, sụt cân... đến khi bệnh nặng mới đi khám bệnh. Việc điều trị trễ không những kéo dài thời gian lây cho người khác mà còn làm cho khả năng kháng thuốc cao hơn.

* Chủ quan với lao

Theo bác sĩ Bùi Văn Thịnh, Trưởng khoa lao B, (Bệnh viện phổi Đồng Nai) ai cũng có thể bị mắc bệnh lao. Tuy nhiên, có một số người dễ mắc hơn, đó là các trường hợp giảm sức đề kháng tại chỗ hay toàn thân. Những người hút thuốc, bụi phổi dẫn đến sức đề kháng tại phổi giảm đi; hay những người bị nhiễm HIV, người bị bệnh đái tháo đường, ăn uống thiếu thốn, nghiện rượu làm cho sức đề kháng suy giảm cũng dễ mắc bệnh lao.

Bác sĩ Bùi Văn Thịnh, Trưởng khoa lao B, khám bệnh cho một bệnh nhân lao. Ảnh: N.THƯ
Bác sĩ Bùi Văn Thịnh, Trưởng khoa lao B, khám bệnh cho một bệnh nhân lao. Ảnh: N.THƯ

Hiện tại ở khoa lao B, các bệnh nhân điều trị trong khoa đều là nam giới, nhiều người trong số họ nghiện hút thuốc lá, một số lại uống rượu nhiều, nhiều bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường nhưng không được chữa trị... Vì vậy, cơ thể họ bị suy nhược, bị suy giảm miễn dịch, khi nhiễm vi khuẩn lao dễ tiến triển thành bệnh lao. Điều đáng nói là, ngay cả khi đã nằm viện điều trị lao, nhiều người vẫn lén lút hút thuốc, uống rượu khiến cho điều trị kém hiệu quả, dễ có những phản ứng có hại đối với thuốc chống lao. Như trường hợp ông Nguyễn Văn K., ngụ tại xã Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch) bị lao nặng, khi cơ thể suy nhược, ho ra máu mới đi khám bệnh. Thế nhưng, khi nằm điều trị nội trú, bệnh nhân vẫn hút thuốc dù nhân viên y tế nhiều lần nhắc nhở nhưng ông vẫn không nghe lời. Do đó, bệnh tình của ông K. ngày càng nặng, việc điều trị kéo dài.

* Lưu tâm bệnh lao ở trẻ em

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh cho biết thêm, một trong những khó khăn, cản trở cho công tác phòng, chống lao chính là sự kháng thuốc của vi khuẩn lao, đặc biệt lao đa kháng thuốc. Kháng thuốc trong lao thường xảy ra ở những bệnh nhân lao bỏ điều trị, lao thất bại, lao tái phát, lao/HIV, lao do tiếp xúc với lao kháng thuốc từ trước. Trong khi đó, việc điều trị bệnh lao kháng thuốc rất khó khăn, thời gian điều trị lâu hơn, thuốc có phản ứng phụ nhiều, chi phí điều trị lớn. Trước đây, bệnh nhân bị lao đa kháng thuốc phải chi trả toàn bộ chi phí điều trị, khoảng 30-40 triệu đồng/đợt từ 18-24 tháng. Hiện nay, người bị lao đa kháng thuốc được miễn phí thuốc điều trị lao. Từ tháng 4-2015, bệnh viện sẽ điều trị lao đa kháng thuốc theo hướng dẫn của Chương trình phòng, chống lao quốc gia để phòng ngừa và điều trị bệnh lao đa kháng thuốc hiệu quả hơn.

Năm 2014, Việt Nam vẫn là nước đứng thứ 12 trong 22 nước có số người mắc bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 14 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.

 Còn một vấn đề nữa cần phải quan tâm hiện nay, đó là bệnh lao ở trẻ em. Nước ta hiện chưa có điều tra về tình hình lưu hành bệnh lao ở trẻ em, nhưng theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới năm 2012, mỗi năm nước ta có khoảng 11 ngàn trẻ mắc lao cần điều trị. Đây là một con số đáng báo động, thúc giục chúng ta phải suy nghĩ và hành động để cứu các cháu. Tuy nhiên, việc chẩn đoán bệnh lao ở trẻ em cũng gặp nhiều khó khăn do bệnh nhi không biết khai triệu chứng bệnh; việc xét nghiệm, chẩn đoán cũng khó do trẻ không biết khạc đàm. Phần lớn chẩn đoán qua triệu chứng và tiền sử tiếp xúc, như: trẻ sống trong gia đình có nguồn lây; ho kéo dài điều trị thông thường không hết; trẻ sụt cân, không lên cân, hay đổ mồ hôi, hay quấy khóc, sốt về chiều mà không rõ nguyên nhân và chụp X.quang ngực khi có nghi ngờ. Hiện nay, việc điều trị lao cho trẻ đang được triển khai tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Đối với trẻ sống trong gia đình có nguồn lây lao có thể đăng ký điều trị dự phòng; trẻ sơ sinh trong vòng 1 tuần cần được tiêm ngừa bệnh lao; nếu phụ huynh theo dõi trẻ tiêm ngừa xong nhưng không thấy nổi sẹo cần đến các cơ sở y tế tiêm ngừa lại trong vòng 1 năm đầu tiên.

Công tác phòng, chống lao là một nhiệm vụ không chỉ của ngành y tế mà của toàn xã hội. Do đó, trong thời gian tới cần quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền để người dân hiểu phòng ngừa bệnh lao; nếu mắc lao thì phải tuân thủ đúng phác đồ điều trị trên nguyên tắc “Đúng, đều, đủ” (đúng phác đồ; đều đặn hàng ngày; đủ thuốc, đủ thời gian). Đặc biệt, cần quan tâm hơn nữa đến phòng ngừa, điều trị lao kháng thuốc và lao ở trẻ em.

Ngọc Thư

 

 

Tin xem nhiều