Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm gì để giảm tai nạn lao động?

10:03, 17/03/2015

Dù tình hình tai nạn lao động chết người đã giảm cả số vụ, số người chết, nhưng trong năm 2014 ở Đồng Nai vẫn có tới 22 người bị thiệt mạng. Trong khi đó, chỉ riêng 2 tháng đầu năm 2015 đã có thêm 3 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm 3 người chết.

Dù tình hình tai nạn lao động chết người đã giảm cả số vụ, số người chết, nhưng trong năm 2014 ở Đồng Nai vẫn có tới 22 người bị thiệt mạng. Trong khi đó, chỉ riêng 2 tháng đầu năm 2015 đã có thêm 3 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm 3 người chết.

“Khi tiến hành điều tra nguyên nhân những vụ tai nạn lao động chết người, cả chủ sử dụng lao động lẫn người bị nạn đều tuân thủ rất kém các quy định về an toàn lao động, dẫn đến những cái chết rất thương tâm” - bà Nguyễn Thị Kim Thùy, Phó chánh thanh tra Sở Lao động - thương binh và xã hội, nhận định.   

* Những cái chết thương tâm

Cái chết của anh Đặng Chính Tâm (29 tuổi), thợ sửa chữa ô tô tại mỏ đá Tân Cang (xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) hồi giáp tết Ất Mùi vừa qua đến nay vẫn còn khiến nhiều người cảm thấy bàng hoàng, thương tiếc. Trong lúc anh Tâm và người thợ phụ đang ở dưới gầm xe tải sửa xe, bất ngờ xe mất thắng đè lên người anh Tâm trước khi trượt lao xuống vực sâu của hầm khai thác đá. Trước đó, cũng tại khu vực mỏ đá Tân Cang, cũng đã xảy ra cái chết của anh Đoàn Anh Quốc (32 tuổi), bị đá mi bất ngờ đổ ập lên người một lớp dày, dẫn đến anh Quốc bị chết ngạt.

Người lao động đứng chênh vênh trên những khối bê tông lớn tại một công trình xây dựng tại xã Tam An (huyện Long Thành). Ảnh: C.NGHĨA
Người lao động đứng chênh vênh trên những khối bê tông lớn tại một công trình xây dựng tại xã Tam An (huyện Long Thành). Ảnh: C.NGHĨA

Còn theo một số công nhân đang thi công công trình lớn tại phường Tam Hòa (TP.Biên Hòa), kể từ sau cái chết của anh Lê Thế Trình (28 tuổi), do rơi từ tầng 10 xuống đất hồi cuối tháng 12-2014, những công nhân ở công trình này đã ý thức hơn với an toàn lao động. Anh Nguyễn Thế Toàn, công nhân làm việc tại công trình, cho biết: “Sau cái chết của anh Trình này, những công nhân làm việc trên cao rất cảnh giác, lúc nào cũng phải đeo dây an toàn, kiểm tra kỹ vị trí đứng làm việc, sau đó mới tiến hành các thao tác tiếp theo”.

Năm 2014, các công trình xây dựng vẫn là tâm điểm của những vụ tai nạn lao động chết người. Trong số 22 vụ tai nạn lao động chết người xảy ra trong năm 2014, có tới hơn một nửa số vụ xảy ra ở các công trình xây dựng, do bị ngã từ trên cao xuống dưới đất và bị điện giật. Điển hình trong số đó là cái chết của anh Nguyễn Minh Chiến (22 tuổi) rơi từ tầng 4 công trình Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh; anh Nguyễn Tất Hương (30 tuổi) bị điện giật chết khi đang thi công móng cầu La Ngà (huyện Định Quán); hay vụ việc ông Võ Văn Phùng (33 tuổi) cũng bị điện giật chết khi đang thực hiện công trình sửa chữa, nâng cấp cầu Hóa An (TP.Biên Hòa)...

* Cần giải pháp mạnh

Bà Nguyễn Thị Kim Thùy cho biết, có tới 7/22 vụ tai nạn lao động chết người xảy ra trong năm 2014 là do ngã từ trên cao xuống dưới đất. Trong khi đó, có 6/22 vụ tai nạn lao động chết người, xuất phát từ nguyên nhân bị điện giật. Các nguyên nhân khác, như: bị vật nặng rơi trúng người, bị va đập, ngạt khí… chiếm tỷ lệ thấp hơn.

Những người bị thiệt mạng hầu hết là lao động phổ thông ngoại tỉnh, tuổi đời còn trẻ, hoàn cảnh khó khăn. Cũng tại hiện trường các vụ tai nạn lao động chết người, các quy định về an toàn lao động đều lỏng lẻo, không có bộ phận giám sát về an toàn lao động, hoặc người bị nạn không phải là lao động chính thức của công ty mà được thuê mướn tạm thời từ bên ngoài vào làm việc, dẫn đến tai nạn lao động.

Tăng cường kiểm tra để kéo giảm tai nạn lao động

Ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho biết năm 2014 số vụ tai nạn lao động dẫn đến bị thương, bị chết người đã giảm đáng kể, trong đó đã giảm được 3 người chết so với năm 2013 và là năm thứ 3 liên tiếp số người chết vì tai nạn lao động ở Đồng Nai giảm. Ngay đầu năm 2015, Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ của tỉnh đã thành lập 7 đoàn kiểm tra an toàn lao động ở trên 150 doanh nghiệp. Sau đợt kiểm tra này, những đơn vị nào thực hiện chưa nghiêm, sẽ tiến hành thanh tra toàn diện về công tác an toàn lao động. Mục tiêu của năm 2015 sẽ là tăng cường kiểm tra để tiếp tục kéo giảm tai nạn lao động.

Hậu quả của những vụ tai nạn lao động, đặc biệt là những vụ tai nạn lao động chết người đều để lại cho xã hội những hậu quả lâu dài, đặc biệt là cho thân nhân những người bị nạn. Trong số 22 vụ tai nạn lao động xảy ra trong năm 2014 và 3 vụ tai nạn lao động xảy ra đầu năm 2015, không có bất cứ một vụ nào bị khởi tố do vi phạm các quy định về an toàn lao động. Điều đó cho thấy, các quy định xử lý vi phạm về an toàn lao động hiện nay còn quá nhẹ, thiếu sức răn đe đối với chủ sử dụng lao động. Trong khi đó, theo thống kê của Sở Lao động - thương binh và xã hội, năm 2014 chỉ có 551/18.335 doanh nghiệp thực hiện báo cáo bắt buộc về công tác an toàn tại doanh nghiệp mình.

Ông Tăng Quốc Lập, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, cho rằng để tiếp tục kéo giảm tình trạng tai nạn lao động trong năm 2015 và những năm tiếp theo, Công đoàn cơ sở và các cơ quan chức năng cùng tham gia công tác giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm minh việc thực hiện các quy định về an toàn lao động tại các doanh nghiệp chính là giải pháp có tính căn cơ. Công tác giám sát được thực hiện thường xuyên sẽ buộc các doanh nghiệp phải đầu tư đầy đủ các thiết bị bảo hộ lao động cho người lao động, đồng thời xây dựng quy trình đảm bảo an toàn lao động và tập huấn đảm bảo an toàn lao động một cách đầy đủ. Tuy nhiên, về phía người lao động cũng cần chủ động nâng cao ý thức về an toàn lao động. Vì khi tai nạn lao động, nhất là tai nạn nặng, tai nạn chết người, dù có được đền bù thì cũng không còn nhiều ý nghĩa, vì sức khỏe của mình mới chính là thứ quý giá nhất.

Công Nghĩa

 

Tin xem nhiều