Báo Đồng Nai điện tử
En

An toàn vệ sinh lao động: Doanh nghiệp "lờn thuốc"?

11:06, 01/06/2015

Việc rò rỉ khí amoniac từ hệ thống làm lạnh của Công ty Amanda Foods (Khu công nghiệp Amata) đã khiến nhiều công nhân của công ty bên cạnh (Công ty TNHH ASIA Garment Manufacturer) ngộ độc phải đi cấp cứu. Vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn lao động trong môi trường làm việc.

Việc rò rỉ khí amoniac từ hệ thống làm lạnh của Công ty Amanda Foods (Khu công nghiệp Amata) đã khiến nhiều công nhân của công ty bên cạnh (Công ty TNHH ASIA Garment Manufacturer) ngộ độc phải đi cấp cứu. Vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn lao động trong môi trường làm việc.

Công nhân Công ty TNHH sản xuất thương mại Tân Đông Dương (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) không đeo khẩu trang bảo hộ khi tiếp xúc với hóa chất pha mực in.
Công nhân Công ty TNHH sản xuất thương mại Tân Đông Dương (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) không đeo khẩu trang bảo hộ khi tiếp xúc với hóa chất pha mực in.

Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2015, Đồng Nai đã có 6 người tử nạn vì tai nạn lao động. Thế nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) lẫn người lao động hiện vẫn xem nhẹ công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), còn các cơ quan Nhà nước vẫn lúng túng với việc quá tải do số lượng DN và người lao động của tỉnh quá đông.

* “Lờn thuốc”

Toàn tỉnh hiện có trên 20 ngàn DN với trên 900 ngàn lao động. Từ năm 2011 đến nay mới chỉ có 1.305 DN được kiểm tra về ATVSLĐ, trong đó có tới 1.245 DN vi phạm (chiếm tỷ lệ trên 95%). Đáng lưu ý, dù tỷ lệ DN vi phạm ATVSLĐ chiếm tỷ lệ rất cao khi bị thanh kiểm tra nhưng số DN bị xử phạt lại rất thấp. Trong số 1.245 DN vi phạm thì chỉ có 162 DN bị lập biên bản vi phạm hành chính với số tiền phạt cũng rất khiêm tốn là gần 2,5 tỷ đồng. Đáng lưu ý, rất nhiều DN không tiến hành khắc phục vi phạm sau khi có kết luận thanh tra và bị xử phạt. Điều đó cho thấy DN có dấu hiệu “lờn thuốc”.

Các vi phạm của DN về lĩnh vực ATVSLĐ phổ biến giống nhau, trong đó trên 60% DN không huấn luyện về ATVSLĐ, gần 60% DN không đo kiểm đánh giá môi trường nơi làm việc; 34% DN không khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, đặc biệt có tới 73% DN không phân loại lao động làm việc trong môi trường nguy hiểm độc hại. Trong khi đó, phân loại nguyên nhân dẫn đến tai nạn thì người lao động vi phạm các quy định về ATVSLĐ chiếm tới 47%, thậm chí nhiều lao động còn thích được làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm để được nhận thêm tiền phụ cấp.

Bà Mai Thị Tuyết, Chánh thanh tra Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho rằng cả DN lẫn người lao động đều chưa nhận thức đầy đủ về hậu quả của việc mất ATVSLĐ, DN còn thực hiện luật một cách đối phó. Việc tuyên truyền ATVSLĐ gặp khó khi kinh phí cấp không tăng, thậm chí giảm đi. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là lực lượng thanh tra của Sở quá mỏng, chỉ có 17 người (cả lãnh đạo quản lý), trong khi có nhiều lĩnh vực quản lý thanh tra, gồm: lao động, dạy nghề, thương binh xã hội...

* Khó trị tận gốc

Tại buổi giám sát mới đây về ATVSLĐ, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, đặt vấn đề: “Có phải DN không nhận thức đầy đủ về công tác ATVSLĐ hay là họ cố tình không thực hiện đầy đủ? Có phải do chúng ta còn nể nang trong xử phạt, dẫn đến ai lờ đi được thì lờ?”. Bà Hiền nêu thực tế, qua giám sát có thể thấy không chỉ DN thực hiện chưa tới nơi tới chốn mà người lao động cũng mắc nhiều lỗi về ATVSLĐ. Biết làm việc trong môi trường không an toàn sẽ bị điếc, bị bệnh về phổi... nhưng người lao động vẫn không sợ. Đồ bảo hộ lao động DN trang bị nhưng người lao động không sử dụng. Đoàn kiểm tra đến thì người lao động lấy ra sử dụng, đoàn ra khỏi xưởng thì đâu lại vào đó.

Cần thông tin nhanh cho người lao động khi xảy ra sự cố

TS.BS Trịnh Hồng Lân, Trưởng khoa sức khỏe lao động - bệnh nghề nghiệp (Viện y tế công cộng TP.Hồ Chí Minh), cho rằng qua sự cố rò rỉ khí amoniac tại Công ty Amanda Foods khiến hàng chục công nhân của Công ty TNHH ASIA Garment Manufacturer bị ngộ độc thần kinh phải đi cấp cứu vừa qua, có một số vấn đề cần phải rút kinh nghiệm.

Thứ nhất, ngay sau khi vụ việc xảy ra, cần nhanh chóng thông tin cho công nhân về nguyên nhân vụ việc, mức độ ảnh hưởng, cách phòng ngừa để họ có đủ thông tin, tránh hoang mang, sợ hãi. Có như vậy sẽ không xảy ra phản ứng dây chuyền khiến hàng chục công nhân phải nhập viện dù theo kiểm tra của ngành chức năng, môi trường làm việc không còn khí độc.

Thứ hai, qua sự cố này cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn đối với những công ty có sử dụng trang thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ nhằm tránh xảy ra sự cố tương tự. Trong đó, cần kiểm tra thiết bị có được đăng kiểm hay không, kiểm định có đúng tiêu chuẩn hay không. Đặc biệt phải kiểm soát xem, những người vận hành các thiết bị này có chứng chỉ hành nghề và được tập huấn đầy đủ, bài bản hay không?

Ngọc Thư

Bà Mai Thị Tuyết cho hay hiện nay việc thanh kiểm tra lần đầu DN có vi phạm mới chủ yếu nhắc nhở, nếu tiếp tục vi phạm lần hai mới phải xử phạt. Tuy nhiên do tỉnh có quá nhiều DN nên để “xoay tua” kiểm tra lần hai là rất lâu. Trong khi đó, giải thích về tỷ lệ người lao động được tuyên truyền về ATVSLĐ hàng năm mới chỉ đạt 4%/tổng số lao động, ông Nguyễn Thế Kiên, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động - môi trường (thuộc Sở Y tế), cho biết: “Tài liệu tuyên truyền không thiếu, vấn đề là tuyên truyền thế nào nào cho hiệu quả. Nếu phát tờ rơi tuyên truyền thì thiếu kinh phí, còn tuyên truyền trên báo đài thì người lao động không có thời gian mà xem, nghe, đọc”.

Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Văn Thuộc cho biết: “Lực lượng thanh tra của Sở đang “vừa đá bóng vừa thổi còi” nhưng sẽ phải đẩy mạnh việc củng cố, nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác thanh kiểm tra ATVSLĐ do sở quản lý, cương quyết xử lý mạnh tay từng lỗi vi phạm của DN. Chỉ có như vậy mới đủ sức răn đe tình trạng vi phạm công tác ATVSLĐ như hiện nay”.

Công Nghĩa

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều