Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng lương tối thiểu năm 2016: Người lao động đã hài lòng?

07:09, 08/09/2015

Sau nhiều ngày mong đợi, cuối cùng người lao động trong khối doanh nghiệp cả nước đã biết được mức tăng lương tối thiểu cho mình từ ngày 1-1-2016 là 12,4%.

Sau nhiều ngày mong đợi, cuối cùng người lao động trong khối doanh nghiệp cả nước đã biết được mức tăng lương tối thiểu cho mình từ ngày 1-1-2016 là 12,4%. Phần lớn công nhân khi được hỏi đều bày tỏ chưa hài lòng với mức lương mới này, vì vẫn chưa đáp ứng được đời sống tối thiểu của người lao động.

Công nhân Công ty cổ phần bao bì  Biên Hòa  trong giờ sản xuất (ảnh minh họa).
Công nhân Công ty cổ phần bao bì Biên Hòa trong giờ sản xuất (ảnh minh họa).

Chị Phạm Thị Thu làm việc tại Công ty Pouchen (xã Hóa An, TP.Biên Hòa) bày tỏ: “Kinh tế được cho là khởi sắc hơn năm trước, do đó tôi và nhiều người đều đinh ninh rằng lương tối thiểu năm 2016 sẽ tăng cao hơn mức 14,3% của năm 2015. Thế nhưng, thực tế chỉ tăng được ở mức khiêm tốn là 12,4%, thậm chí còn thấp hơn cả mức tăng của năm 2015”.

* Khi nào mới đủ sống?

Hiện nay chị Thu nhận được mức lương căn bản là trên 3,1 triệu đồng/tháng, tổng thu nhập trung bình là 5 triệu đồng/tháng, bao gồm cả tiền hỗ trợ nhà ở, phụ cấp chuyên cần và tăng ca. Chị Thu chia sẻ: “Ông xã tôi đi làm lương mang về mỗi tháng còn thấp hơn cả tôi, trong khi đó từ tiền nhà trọ, nuôi 2 con học hành, ăn uống sinh hoạt đủ các khoản. Có tháng, lương vợ chồng tôi không đủ chi, nhất là tháng 8 vừa rồi lo các khoản đóng góp đầu năm học cho 2 con phải vay mượn tùm lum”.

Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Đoàn Văn Đây cho biết, mức tăng lương tối thiểu 2016 còn phải chờ Chính phủ chính thức phê duyệt và phải gần 4 tháng nữa mới có hiệu lực chính thức. Ít nhất là đến đầu tháng 2-2016 người lao động trong doanh nghiệp mới nhận được tháng lương đầu tiên theo quy định mới. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ các cấp Công đoàn đã phải chuẩn bị sẵn kế hoạch giám sát tăng lương để đảm bảo doanh nghiệp thực thi đúng quy định, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Anh Huỳnh Thanh Phong, công nhân Công ty TNHH quốc tế Fleming Việt Nam (Khu công nghiệp Amata), thì cho biết công nhân chỉ trông chờ vào tiền lương căn bản là chính. Đáng tiếc mức tăng lương tối thiểu từ đầu năm 2016 tới đây đã không tăng được như kỳ vọng. Mức tăng lương chậm là vậy, trong khi đó chi phí sinh hoạt, nhất là tiền nhà trọ và ăn uống hàng ngày luôn ở mức cao, khiến cho số tiền trung bình hàng tháng công nhân phải bỏ ra nhiều hơn. Anh Phong băn khoăn: “Với mức tăng lương tối thiểu hàng năm rất khiêm tốn như vậy thì không biết đến khi nào đời sống công nhân mới gọi là đủ sống, chứ chưa dám nói có của ăn của để”.

Hơn nửa năm trước, anh Nguyễn Thanh Phương ngụ KP.3, phường Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) nghỉ việc tại Công ty cổ phần bê tông 620 tại xã Bình An, TX.Dĩ An (tỉnh Bình Dương) để về đi làm thợ hồ tự do, do mức lương cơ bản quá thấp, anh lại là trụ cột trong gia đình. Theo anh Phương, nuôi một đứa con nhỏ tiền ăn học mỗi tháng tiết kiệm thì người công nhân cũng cần chi tới 3 triệu đồng, trong khi nhà anh có tới 2 con tuổi ăn học, áp lực chi tiêu không nhỏ. “Từ khi tôi chuyển sang làm nghề thợ hồ dù công việc hơi vất vả, không có chế độ bảo hiểm xã hội nhưng ngày nào đi làm cũng có ít nhất 230 ngàn đồng để về lo cho gia đình, cao hơn nhiều so với đi làm công nhân trong nhà máy, lại giảm áp lực lo toàn tiền bạc cho vợ” - anh Phương chia sẻ thêm.

* Chờ lộ trình tăng lương

Theo quy định về mức tăng lương tối thiểu tính theo vùng, từ 1-1-2016 cả nước sẽ phân thành 4 vùng tính lương với các mức lương và mức tăng khác nhau. Riêng Đồng Nai có 3 vùng, trong đó vùng 1 được áp dụng mức cao nhất là 3,5 triệu đồng (tăng 400 ngàn đồng so với năm 2015) gồm các huyện: Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu, Trảng Bom và TP.Biên Hòa. Vùng 2 sẽ có mức lương 3,1 triệu đồng (tăng 400 ngàn đồng) gồm các huyện: Định Quán, Xuân Lộc, TX.Long Khánh. Vùng 3 có mức 2,4 triệu đồng (tăng 250 ngàn đồng) gồm các huyện: Tân Phú, Cẩm Mỹ và Thống Nhất.

Công nhân đẩy xe thu hồi chỉ may công nghiệp tại Công ty Woowon Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 1).
Công nhân đẩy xe thu hồi chỉ may công nghiệp tại Công ty Woowon Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 1).

Việc tăng lương tối thiểu phải đảm bảo được đời sống tối thiểu của công nhân, đây là nguyện vọng của phần đông công nhân trong các khu công nghiệp hiện nay. Nhà nước cũng đặt ra lộ trình: tới năm 2017 lương tối thiểu sẽ phải đạt được mức sống tối thiểu của công nhân. Tuy nhiên, với lộ trình tăng lương khá chậm chạp như những năm trở lại đây sẽ rất khó đảm bảo được lộ trình này. Trong nhiều lần về tiếp xúc với cử tri Đồng Nai, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng đã từng chia sẻ: “Tổng Liên đoàn là một bên đại diện cho người lao động để thảo thuận với về mức tăng lương tối thiểu hàng năm và tinh thần của Tổng Liên đoàn là rất quyết liệt, nhằm đảm bảo lộ trình tăng lương đã đề ra”.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Công đoàn khu công nghiệp Biên Hòa, cho biết mức tăng lương tối thiểu mới dự định triển khai từ đầu năm 2016 với vùng 1 trên địa bàn TP.Biên Hòa là 3,5 triệu đồng. Tuy nhiên, qua nắm bắt tình hình tại các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản, châu Âu thì nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị “kịch bản” tăng lương cao hơn mức tối thiểu là 3,5 triệu đồng, thậm chí đã có một số doanh nghiệp Nhật Bản trả mức lương tối thiểu 3,5 triệu đồng từ 1 năm về trước.

Công Nghĩa

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều