Báo Đồng Nai điện tử
En

An toàn vệ sinh lao động: (*) Trách nhiệm từ nhiều phía

09:10, 29/10/2015

Tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm trong năm 2014. Tuy nhiên, năm 2015 tình hình này lại có xu hướng tăng cao trở lại, đặc biệt là tai nạn lao động chết người.

Tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm trong năm 2014. Tuy nhiên, năm 2015 tình hình này lại có xu hướng tăng cao trở lại, đặc biệt là tai nạn lao động chết người.

Theo tổng hợp của Phòng Thanh tra Sở Lao động - thương binh và xã hội, trong gần 10 tháng của năm 2015 đã xảy ra 24 vụ tai nạn lao động chết người, làm 24 người chết, tăng 4 trường hợp so với năm 2014 .

* Hậu quả nặng nề

Bà Nguyễn Thị Kim Thùy, Phó chánh thanh tra Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho hay những năm qua Đồng Nai vẫn nằm trong số các địa phương có số người chết vì tai nạn lao động cao so với cả nước. Điều này trước hết là do Đồng Nai là tỉnh công nghiệp phát triển với trên 18,3 ngàn doanh nghiệp lớn nhỏ, số lao động lên tới trên 800 ngàn người. Bà Thùy cho biết liên tục từ năm 2010 đến nay, tình hình tai nạn lao động thường có xu hướng tăng, đặc biệt là tai nạn lao động chết người.

Người lao động làm việc trong một doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 không cần bảo hộ lao động. (Ảnh minh họa)
Người lao động làm việc trong một doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 không cần bảo hộ lao động. (Ảnh minh họa)

Những vụ tai nạn lao động đều để lại những hậu quả cho người lao động và những người thân trong gia đình. Đơn cử, như vụ tai nạn chết người tại Công ty TNHH thương mại - xây dựng Khải Phát (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) xảy ra ngày 1-10 vừa qua. Nạn nhân là anh Trần Lâm Vũ, tuổi đời mới 20 (quê tỉnh Kiên Giang). Anh Vũ bị điện giật chết do không đeo găng tay bảo hộ lao động, sơ ý sờ vào dây điện bị hở dẫn đến hậu quả đau lòng. Sự ra đi đột ngột của anh Vũ khiến nhiều lao động trong công ty hoang mang, đặc biệt là những người thân thiết trong gia đình.

Hay như trường hợp của ông Võ Văn Út (53 tuổi) ở xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) làm nghề lao động tự do, bị thiệt mạng hồi cuối tháng 9 vừa qua do bị đất đè lên người. Ông Út được thuê  đào hố ga của trại heo Công ty Anco. Trong quá trình đào, do không có biện pháp đề phòng lở đất nên ông Út bất ngờ bị vùi sâu. Cái chết của ông Út khiến cho những khó khăn trong gia đình càng thêm chồng chất, vì ông Út là lao động chính trong gia đình.

* Khó xử lý triệt để

Đồng Nai có đông doanh nghiệp lẫn người lao động, tuy nhiên ý thức chấp hành các quy định về an toàn lao động còn rất kém. Đến nay các chế tài quy định về xử phạt còn chưa đủ sức răn đe đối với doanh nghiệp. Theo thống kê, năm 2014 chỉ có 551/18.335 doanh nghiệp thực hiện báo cáo bắt buộc về công tác an toàn tại doanh nghiệp mình. Trong khi đó, trong 6 tháng đầu năm 2015 con số này cũng không được cải thiện đáng kể, khi chỉ tăng thêm được hơn 10 doanh nghiệp có báo cáo thường xuyên. Những doanh nghiệp không báo cáo cũng không bị xử phạt hành chính.

Năm 2013 toàn tỉnh có 25 người chết vì tai nạn lao động; năm 2014 là 20 người; trong khi đó chưa đầy 10 tháng của năm 2015, con số này đã tăng lên 24 người. Theo số liệu tai nạn lao động của 565/18.334 doanh nghiệp báo cáo, trong 6 tháng đầu năm xảy ra 951 vụ tai nạn lao động, làm 67 người bị thương nặng.

Nếu như việc thực hiện quy định về an toàn vệ sinh lao động ở các doanh nghiệp lớn có uy tín được quan tâm nhất định, thì ở nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là ở những doanh nghiệp tư nhân nằm ngoài hàng rào khu công nghiệp lại khá hời hợt. Theo Thanh tra Sở Lao động - thương binh và xã hội, các doanh nghiệp vừa và nhỏ nằm ngoài khu công nghiệp có số lượng rất lớn, tỷ lệ xảy ra tai nạn lao động khá cao, trên 60%. Nhiều trường hợp xảy ra tai nạn lao động dẫn tới thương tích, cả doanh nghiệp lẫn người bị nạn không khai báo, hoặc tự thương lượng nên cơ quan quản lý không hay biết.

Để kéo giảm tai nạn lao động thực sự là bài toán khó, do số lượng doanh nghiệp lẫn người lao động của tỉnh quá đông nên việc thanh kiểm tra thường xuyên ở tất cả các doanh nghiệp là một việc làm không dễ dàng. Với lực lượng thanh tra lao động mỏng, nếu thanh tra hết toàn bộ doanh nghiệp cần khoảng thời gian phải vài năm. Việc kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ thường được tiến hành rầm rộ theo định kỳ nhân Tuần lễ quốc gia an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ được tổ chức hàng năm, nhưng sau đó lại lắng xuống, ít tạo được hiệu ứng sâu.

Bà Mai Thị Tuyết, Chánh thanh tra Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho biết nếu công tác thanh kiểm tra về an toàn lao động dồn hết lên lực lượng thanh tra sở thì đây thực sự là một nhiệm vụ khó khăn. Để  nâng cao ý thức về an toàn vệ sinh lao động, biện pháp căn cơ và hiệu quả nhất vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người lao động và doanh nghiệp. Trong đó, người lao động nên từ chối không làm việc ở môi trường không an toàn cho sức khỏe và tính mạng của mình, đồng thời  tự giác chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh lao động.

Công Nghĩa

 

(*) Bài viết phục vụ dự án “Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về an toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2015”.

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều