Báo Đồng Nai điện tử
En

"Săn" nhân lực chất lượng cao

07:10, 27/10/2015

Trong lúc nhiều sinh viên ra trường than vãn khó khăn tìm kiếm việc làm phù hợp, thì nhiều doanh nghiệp lại phải chật vật và tốn kém công sức ròng rã đi "săn" nhân lực có trình độ, tay nghề.

Trong lúc nhiều sinh viên ra trường than vãn khó khăn tìm kiếm việc làm phù hợp, thì nhiều doanh nghiệp lại phải chật vật và tốn kém công sức ròng rã đi “săn” nhân lực có trình độ, tay nghề.

Để tìm được nhân lực có chất lượng, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi chiến lược tuyển dụng từ ngồi một chỗ sang “tấn công” các cơ sở đào tạo, hoặc lôi kéo những nhân lực có trình độ từ công ty khác bằng những chính sách đặc biệt.

* Đãi cát tìm vàng

Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đang triển khai chương trình tuyển dụng thực tập sinh tiềm năng ở một số trường đại học tại Đồng Nai. Đây là một trong số rất nhiều cách thức để ngân hàng này tìm ra đội ngũ nhân lực có chất lượng ban đầu, sau đó tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng trong tương lai gần. Bà Phạm Thị Thu, Giám đốc Sacombank chi nhánh Đồng Nai, chia sẻ các trường đào tạo sinh viên ngành tài chính ngân hàng hiện nay tương đối nhiều, nhưng tuyển dụng được những nhân viên tốt lại không dễ, đòi hỏi phải có chiến lược tuyển dụng cụ thể và đột phá.

Các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tuyển sinh viên của một trường đại học tại Biên Hòa.
Các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tuyển sinh viên của một trường đại học tại Biên Hòa.

Ông Lê Minh, Trưởng phòng tuyển dụng Công ty TNHH cung ứng nhân lực MeKong Nhật Bản, cho biết công ty hoạt động trong lĩnh vực giới thiệu lao động có tay nghề từ Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản dưới dạng thực tập sinh. Tuy nhiên, việc tìm kiếm lao động có chất lượng khó như “đãi cát tìm vàng”. Mới đây, công ty đã giới thiệu cho một doanh nghiệp Nhật Bản đến Trường đại học Lạc Hồng để tuyển dụng. Các chuyên gia Nhật Bản đã phải mất tới 3 ngày mới tuyển dụng được 2 sinh viên đủ tiêu chuẩn.

Khi tuyển dụng lao động phổ thông, cán bộ nhân sự  chỉ cần dán thông báo ở cổng công ty, hoặc tới trung tâm dịch vụ việc làm là có thể nhận được rất nhiều hồ sơ xin việc, thậm chí người không có tay nghề doanh nghiệp vẫn tiếp nhận rồi công ty dạy nghề sau. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp cần tuyển dụng lao động kỹ thuật là đã có mục đích sử dụng cho những khâu sản xuất quan trọng. Theo ông Trần Thanh Tấn, cán bộ nhân sự Công ty TNHH Saitex International Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 1), nếu ngồi chờ các ứng viên có trình độ tới tận công ty xin việc như với lao động phổ thông có thể phải mất cả tháng trời, thậm chí lâu hơn. Trong khi đó nếu liên hệ trực tiếp với các trường thì có thể tuyển được trong vòng 1 tuần và có nhiều lựa chọn hơn. “Những sinh viên năm cuối có học lực xuất sắc chưa hẳn đã có tay nghề tốt nhất, nhưng khi tuyển dụng được những sinh viên này, tiếp tục đào tạo theo công nghệ của công ty sẽ mất ít thời gian hơn” - ông Tấn cho biết.

* Gian nan giữ chân lao động

Những lao động có trình độ, kinh nghiệm luôn có nhiều lựa chọn về môi trường làm việc, mức lương và nhiều chế độ ưu đãi khác. Chính vì vậy, tuyển được những lao động có trình độ, kinh nghiệm đã là gian nan nhưng “giữ chân” được những lao động này càng gian nan hơn.

Lao động có trình độ không bao giờ mất giá

Ông Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai, dự báo thị trường lao động có trình độ sẽ ngày càng “nóng” hơn do nước ta đã bắt đầu chọn lọc nhà đầu tư, ưu tiên hơn các nhà đầu tư có hàm lượng kỹ thuật cao. Khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) và sắp tới là Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực thì sự cạnh tranh về trình độ lao động sẽ càng gay gắt hơn, tuy nhiên lao động có trình độ sẽ không bao giờ mất giá.

 Giám đốc kỹ thuật của một công ty trong Khu công nghiệp Loteco cho hay, phải rất khó khăn công ty mới tuyển được 2 nhân viên cơ khí chế tạo ở một trường đại học tại TP.Biên Hòa có khả năng làm việc tốt. Tuy nhiên, làm chưa đầy nửa năm thì cả 2 nhân viên này đã rủ nhau “nhảy việc” sang công ty khác.

Từ lâu, thị trường lao động đã hình thành nên bộ phận “săn đầu người” (head hunting) chuyên đi tìm kiếm và sẵn sàng “mặc cả” mức lương cao để lôi kéo lao động có trình độ cao về làm việc tại công ty mình. Những lao động có trình độ cao, đặc biệt là có thâm niên thường không chỉ có kinh nghiệm thuần túy mà nhiều khả năng đã nắm giữ những “bí mật” trong sản xuất, kinh doanh của chính doanh nghiệp đó. Điều đó cũng cho thấy nếu lao động thực sự có tay nghề, kinh nghiệm sẽ không bao giờ phải lo thất nghiệp hoặc phải chấp nhận thu nhập thấp. Đây cũng là bài học cho các doanh nghiệp trong việc ngăn “chảy máu” nguồn lao động chất lượng cao.

Công Nghĩa

 

 

 

 

Tin xem nhiều