Báo Đồng Nai điện tử
En

Một cuộc thi đầy tính sáng tạo

11:01, 17/01/2016

Kết thúc cuộc thi khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2015-2016, ban tổ chức chọn được 5 dự án xuất sắc nhất để trao giải nhất.

Kết thúc cuộc thi khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2015-2016, ban tổ chức đã chọn được 5 dự án xuất sắc nhất trong tổng số 700 dự án khoa học kỹ thuật của học sinh toàn tỉnh để trao giải nhất.

Các giám khảo của cuộc thi đang hỏi nhóm tác giả Kim Dung, Hữu Đức về dự án Nắp cống gom rác tự động không sử dụng điện. Ảnh: A.Yên
Các giám khảo của cuộc thi đang hỏi nhóm tác giả Kim Dung, Hữu Đức về dự án Nắp cống gom rác tự động không sử dụng điện. Ảnh: A.Yên

“Số lượng và chất lượng các dự án tăng vọt cho thấy sự chuẩn bị, đầu  tư của các trường, đam mê của học sinh đối với một cuộc thi mang đầy tính thực hành sáng tạo này. Nhiều dự án rất sát thực tế và có thể giải quyết được nhiều vấn đề còn vướng mắc trong cuộc sống hiện nay” - TS. Trần Việt Hồng, giảng viên Trường đại học bách khoa TP.Hồ Chí Minh, thành viên ban giám khảo, nhận xét.

Nắp cống gom rác tự động không sử dụng điện

Đó là dự án do 2 học sinh Đỗ Thị Kim Dung và Trương Hữu Đức (Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh) thực hiện trước tình trạng ngập lụt trong mùa mưa bão ở các thành phố của Việt Nam, trong đó có TP.Biên Hòa. Một trong những nguyên nhân khiến ngập lụt mà nhóm tác giả đưa ra để giải quyết là rác chặn tại miệng cống làm nước không thoát được.

Từ ý tưởng đó, Kim Dung và Hữu Đức đã đo tốc độ dòng chảy của nước trong lòng cống ở nhiều địa điểm tại TP.Biên Hòa vào những thời điểm khác nhau trong ngày, những ngày không mưa, có mưa để phân tích, đánh giá và so sánh số liệu với những tài liệu các em có trước đó. Sau nhiều tháng nghiên cứu, sản phẩm “Nắp cống gom rác tự động không sử dụng điện” đã thành hình với các bộ phận, gồm: gom rác, khung đỡ, tua bin, thùng chứa rác.

Kim Dung cho biết: “Khi trời mưa to, năng lượng dòng chảy của nước dưới cống sẽ vận hành cánh quạt. Lực đẩy của nước làm cho cánh quạt chuyển động tròn. Các cánh quạt của tua bin được cố định với trục quay nên khi tua bin quay sẽ làm trục quay theo, sau đó sẽ làm chổi quét quay. Rác vướng trên lưới lọc chịu sự tác động lực của chổi quét sẽ được gom vào thùng rác. Các bác lao công có thể gom rác một cách dễ dàng”.

“Qua sản phẩm này, chúng em hy vọng sẽ góp phần làm giảm hiện tượng ngập lụt ngay tại chính nơi mình đang ở. Từ đó ngăn chặn các tác nhân bệnh tật. Điều này cũng góp phần làm giảm tác hại của biến đổi khí hậu đang là nguy cơ với nhiều quốc gia hiện nay, trong đó có Việt Nam” - Hữu Đức bộc bạch.

Tấm mica đọc sách thông minh

Là những học sinh thành phố, lại được sinh ra trong những gia đình “có điều kiện”, Văng Sỹ Hào và Trần Minh Thư (Trường quốc tế IPS, TP.Biên Hòa) lại lựa chọn nghiên cứu một dự án nhằm giúp đỡ những học sinh ở vùng sâu, vùng xa chưa có điện để dùng.

Với các vật liệu gỗ, mica, đèn led, 2 học sinh Trường quốc tế IPS đã nghiên cứu và tạo thành sản phẩm Tấm mica đọc sách thông minh. Minh Thư chia sẻ: “Vào ban đêm ở những nơi chưa có điện, các bạn học sinh phải thắp nến hoặc đèn dầu để học bài. Ánh sáng từ nến hoặc đèn dầu không tập trung vào trang sách mà lan rộng ra xung quanh. Với sản phẩm này, ánh sáng từ mica sẽ chỉ tập trung vào trang sách, không lan ra ngoài và không ảnh hưởng đến những người xung quanh”.

Thoạt nhìn, tấm mica đọc sách thông minh này có vẻ đơn giản, dễ làm nhưng đôi bạn đã mất gần 7 tháng để vừa tìm tài liệu, vừa đi thực nghiệm ở những vùng sâu, vùng xa và xin ý kiến đánh giá của những người có chuyên môn. “Qua tìm hiểu, chúng em chưa thấy có ai sử dụng tấm mi ca để làm đèn. Chúng em mong rằng, sản phẩm này sẽ đến được tay các bạn học sinh ở những nơi chưa có điện. Và trong tương lai, hy vọng các bạn sẽ có điện để dùng như chúng em” - Sỹ Hào bày tỏ.

Cùng với 2 dự án trên, 3 dự án khác là Hệ thống gửi thư điện tử thông minh (Trường THPT Ngô Quyền), Hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông tự động (Trường THPT Long Khánh) và Biến năng lượng rung thành điện năng sạc pin điện thoại cho phượt thủ (Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh) cũng đã xuất sắc giành giải nhất của cuộc thi, đồng thời được chọn để tham dự cuộc thi cấp quốc gia.

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang cho rằng, việc học sinh tích cực nghiên cứu khoa học từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường cho thấy đam mê, nỗ lực của các em. Từ đây góp phần hình thành đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh nhà và những nhà khoa học trong tương lai. Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực nhằm đổi mới phương pháp dạy và học trong trường phổ thông.

An Yên

 

Tin xem nhiều