Báo Đồng Nai điện tử
En

"Ế"… tiền hỗ trợ học nghề

04:06, 28/06/2016

Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ học nghề đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp từ năm 2013. Theo đó, thời gian học 3 tháng sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, nếu kéo dài 6 tháng sẽ được hỗ trợ 600 ngàn đồng/tháng. Tuy nhiên, đến nay tiền hỗ trợ học nghề vẫn bị... "ế".`

Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ học nghề đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp từ năm 2013. Theo đó, thời gian học 3 tháng sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, nếu kéo dài 6 tháng sẽ được hỗ trợ 600 ngàn đồng/tháng. Tuy nhiên, đến nay tiền hỗ trợ học nghề vẫn bị... “ế”.

Theo Phòng Bảo hiểm thất nghiệp Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai, trong chưa đầy 6 tháng đầu năm đã có tới trên 14,7 ngàn người tới đăng ký thất nghiệp, nhưng chỉ có 382 người đăng ký học nghề trong thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

* Ngần ngại học nghề

Để được giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động phải thực hiện một số quy trình, trong đó có tư vấn giới thiệu việc làm, giới thiệu học nghề mới… Tuy nhiên, phần lớn người lao động xin hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp lại không muốn học nghề. Chị Lê Thị Hường, công nhân cũ của Công TNHH Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) đang trong thời gian nghỉ việc chờ giải quyết bảo hiểm thất nghiệp cho biết: “Các nghề đào tạo cho người thất nghiệp ít có sự lựa chọn, hoặc chúng tôi đã biết rồi, hoặc là khó tìm đầu ra nên không muốn đăng ký học”.

 Người lao động thất nghiệp được cán bộ Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai tư vấn học nghề.  Ảnh: C.NGHĨA
Người lao động thất nghiệp được cán bộ Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai tư vấn học nghề. Ảnh: C.NGHĨA

Nhiều người thất nghiệp băn khoăn, chính sách hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp tuy có cao gấp đôi so với trước đây nhưng vẫn chưa hấp dẫn. Để có thể học được một nghề cụ thể, số tiền được hỗ trợ chỉ đủ đóng học phí. Với những khóa học dài hơn 6 tháng, người học phải bỏ tiền ra bù thêm. Đó là chưa kể trong quá trình học còn phát sinh nhiều chi phí khác, như: ăn ở, tài liệu, đi lại…

Trong khi đó, Nhà nước mới chỉ hỗ trợ học nghề ngắn hạn, nhưng không đảm bảo chắc chắn sẽ có đầu ra, và người học nghề vẫn phải tự lo đầu ra là chính. Ông Bùi Minh Trí, công nhân Công ty cổ phần nông nghiệp quốc tế Anco (Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom), cho biết: “Tôi lo lắng khi được khuyên đi học nghề trong thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Vì tôi đã lớn tuổi, nghề may công nghiệp thì không hợp với nam, nghề nấu ăn cũng không phù hợp, nghề kế toán thì tôi chưa học hết THPT. Với tuổi như tôi, có nghề chưa chắc doanh nghiệp đã nhận”.

Còn anh Phan Thành Hiếu, công nhân từng làm việc tại Công ty TNHH thép SeAH Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2), người đang trong thời gian chờ giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, thẳng thắn cho rằng: “Đã phải xin hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp tức là khó khăn rồi. Chính vì vậy, trong thời gian này phải nhanh chóng đi tìm một việc làm mới để có lương đầy đủ, chứ đi học nghề 3 tháng, được hỗ trợ học phí nhưng không có lương thì “chết đói”.

* Cần linh hoạt hơn

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.Hồ Chí Minh, cho rằng tình hình lao động thất nghiệp và nhu cầu học nghề ở TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai khá tương đồng với nhau. Số người lao động thất nghiệp đi đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp tháng nào cũng rất cao, và chủ yếu là lao động phổ thông. Tuy nhiên, số người thất nghiệp đăng ký đi học nghề luôn chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ dưới 1%. Ông Tuấn cho rằng, sở dĩ không có nhiều người muốn học nghề trong thời gian thất nghiệp là bởi số tiền hỗ trợ còn chưa hấp dẫn. Mặt khác, thời gian học nghề chỉ từ 3-6 tháng cũng chưa đủ để người thất nghiệp có thể học được một nghề hoàn chỉnh.


Theo Phòng Bảo hiểm thất nghiệp, trong số 382 người thất nghiệp đăng ký học nghề có tới 136 người bị hủy quyết định trợ cấp hỗ trợ học nghề do bỏ dở chương trình học, hoặc đang trong quá trình học thì tìm được việc làm mới.

Nhu cầu lao động có trình độ tay nghề cao của các doanh nghiệp ngày càng lớn, nhất là khi tỉnh đang có chính sách ưu tiên các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Những lao động phổ thông sẽ khó có thể nâng cao được thu nhập nếu không chịu khó bước qua trường lớp đào tạo nghề bài bản. Theo Trưởng phòng Dạy nghề Sở Lao động - thương binh và xã hội Mao Quốc Trung, trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn khó khăn, sẽ khó mà đáp ứng được nhu cầu tối đa của những người thất nghiệp có nhu cầu học nghề. Do đó, người lao động thất nghiệp mà chưa qua trường đào tạo nghề thì nên “hy sinh” một thời gian ngắn để tới trường nghề học một nghề cụ thể.

Chị Hoàng Thị Thùy, từng làm việc tại Công ty TNHH Việt Nam Wacoal (Khu công nghiệp Amata), hiện đang trong thời gian giải quyết thủ tục để hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, có mong muốn Nhà nước tăng thêm mức hỗ trợ học nghề, cũng như đa dạng các ngành nghề để người thất nghiệp có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp được lựa chọn, vì hiện nay còn quá ít nghề để người thất nghiệp có thể chọn học. Ngoài ra, sau khi học nghề người học cần được giới thiệu việc làm ở những doanh nghiệp mà thu nhập phải tốt hơn khi chưa được học nghề.

 

Công Nghĩa

 

 
 

 

Tin xem nhiều