Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động tìm việc

11:07, 06/07/2016

Không chỉ nỗ lực thay đổi chương trình, chất lượng đào tạo, nhiều trường đại học, cao đẳng trong tỉnh đã và đang tạo cơ hội cho sinh viên được tiếp cận việc làm sớm để giúp sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Không chỉ nỗ lực thay đổi chương trình, chất lượng đào tạo, nhiều trường đại học, cao đẳng trong tỉnh đã và đang tạo cơ hội cho sinh viên được tiếp cận việc làm sớm để giúp sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Sinh viên Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi tham gia Ngày hội việc làm do trường và Hiệp hội doanh nghiệp Đài Loan tại Đồng Nai tổ chức.  Ảnh: C.NGHĨA
Sinh viên Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi tham gia Ngày hội việc làm do trường và Hiệp hội doanh nghiệp Đài Loan tại Đồng Nai tổ chức. Ảnh: C.NGHĨA

Liên kết với doanh nghiệp để đào tạo, chủ động phối hợp với hiệp hội các doanh nghiệp tổ chức các ngày hội việc làm là một hướng đi hiệu quả trong việc giúp sinh viên ra trường có được việc làm ngay, phù hợp với ngành nghề đào tạo.

* Không ngồi chờ doanh nghiệp

Đến nay, Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi đã 7 lần tổ chức ngày hội việc làm cho sinh viên với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp. Việc tổ chức những ngày hội việc làm đã mang lại “lợi ích kép” cho nhà trường, doanh nghiệp, đặc biệt là sinh viên. Thay vì cầm hồ sơ vất vả đi tìm cơ hội ở nhiều doanh nghiệp, đến với ngày hội sinh viên có thể tìm được việc làm ở các doanh nghiệp khác nhau. Hiệu trưởng nhà trường, Th.S Lưu Phước Dũng cho biết: “Trước đây chủ yếu sinh viên năm cuối được ưu tiên tham gia các ngày hội việc làm, nhưng hiện nay mỗi lần tổ chức chúng tôi tạo điều kiện cho cả những sinh viên năm thứ nhất, thứ hai cùng tham dự”.

Nhiều trường đã thay đổi tư duy trong đào tạo, đó là không chỉ hoàn thành nhiệm vụ đào tạo mà còn gắn với trách nhiệm tìm đầu ra cho sinh viên. TS.Phan Ngọc Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học công nghệ Đồng Nai, cho rằng mục tiêu đào tạo của trường nào cũng vậy, khi sinh viên ra trường có việc làm thì mới gọi là làm tròn trách nhiệm với sinh viên. Việc nhà trường liên kết với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sinh viên không chỉ là kênh giới thiệu “chào hàng” của nhà trường với doanh nghiệp về những ngành nghề mà trường đào tạo, mà còn là kênh để doanh nghiệp góp ý với nhà trường về chương trình đào tạo, cơ hội cho sinh viên chủ động liên hệ với doanh nghiệp tìm nơi thực tập, nơi làm việc sau khi tốt nghiệp.

Trong khi đó, bà Nguyễn Lê Vy, cán bộ nhân sự Công ty TNHH thời trang G&G Việt Nam (Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn, xã Bình Sơn, huyện Long Thành), cho biết công ty sẽ đi vào sản xuất từ tháng 11-2016, cần khoảng 2 ngàn lao động, trong đó có nhiều lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên ở các vị trí kỹ thuật may, bảo trì cơ khí, quản lý... Nhiều trường ở Đồng Nai đã chủ động liên hệ với công ty để mời tham gia tuyển dụng sinh viên thực tập và tìm kiếm cơ hội việc làm. Khi tới tham gia tuyển dụng tại các trường, cán bộ nhân sự không mất nhiều thời gian lại có nhiều cơ hội lựa chọn sinh viên ở nhiều vị trí việc làm mà công ty cần.

* Hỗ trợ kỹ năng cho sinh viên

Để doanh nghiệp không vướng vào bài toán thiếu hụt lao động cả về chất lẫn lượng, sinh viên ra trường không thất nghiệp thì sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp được cho là lời giải hiệu quả, trong điều kiện chất lượng đào tạo của nhiều trường hiện nay còn bất cập. Theo đại diện Phòng nhân sự Công ty cổ phần  Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2), nhân lực các trường đào tạo ra mỗi năm không hề nhỏ, nhưng nhân lực doanh nghiệp cần lại bị thiếu, nhất là đội ngũ lao động có kỹ thuật da giày. Do đó doanh nghiệp luôn sẵn sàng hỗ trợ cho đơn vị đào tạo nào có ngành thiết kế giày về chương trình đào tạo, hỗ trợ sinh viên trong quá trình thực tập và tới công ty làm việc nếu đảm bảo yêu cầu về trình độ tay nghề.

Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Huỳnh Văn Tịnh cho biết, Sở đang tiếp tục hỗ trợ các trường nghề nâng cao chất lượng đào tạo bằng 3 giải pháp chủ yếu. Đó là hỗ trợ thiết bị dạy nghề; đưa giáo viên các trường đi đào tạo lại chương trình đào tạo quốc tế tại Trường cao đẳng nghề Lilama 2; giới thiệu các trường với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp để xây dựng chương trình hợp tác. Đây được xem là những biện pháp đang phát huy hiệu quả tác động tới cơ hội việc làm cho sinh viên nói chung.

TS. Lê Văn Hiền, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Lilama 2, cho biết để sinh viên không bị thất nghiệp sau khi ra trường thì đào tạo phải gắn liền với nhu cầu của thị trường lao động. “Sinh viên của chúng tôi không đợi tới năm cuối mới đi thực tập làm quen với công việc ở doanh nghiệp mà được tạo điều kiện ngay từ năm đầu. Sinh viên năm cuối đã có thể hình dung công việc mình sẽ làm trong tương lai gần như thế nào và cần những kỹ năng gì” - TS. Hiền nhấn mạnh.

Ông Lâm Thanh Thu, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai (thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội), cho rằng tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào quá trình đào tạo, trong đó có quá trình nhà trường và doanh nghiệp cùng bắt tay đào tạo và tìm đầu ra cho sinh viên. Hiện nay phần lớn các trường đều có bộ phận quan hệ doanh nghiệp để làm cầu nối cho sinh viên với doanh nghiệp. Nhiều trường đã cho sinh viên năm thứ hai, thứ ba đi tham quan sàn giao dịch việc làm do trung tâm tổ chức để sinh viên hiểu được nhu cầu của thị trường lao động ở ngành nghề mình đang học. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất vẫn là phải có chương trình đào tạo tốt cho sinh viên, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Trong thời buổi lao động cạnh tranh như hiện nay, nếu như chất lượng đào tạo không bám sát nhu cầu thị trường, để sinh viên phải “tự bơi” tìm cơ hội việc làm thì sẽ rất khó nâng được thương hiệu đào tạo của nhà trường. 

Công Nghĩa

 

 

 

Tin xem nhiều