Báo Đồng Nai điện tử
En

Đầu tư hơn nữa cho khoa học - công nghệ

10:09, 25/09/2016

Sau chuyến giám sát mới đây về phát triển khoa học - công nghệ (KH-CN) và triển khai Luật KH-CN tại Đồng Nai, đồng chí Lê Bá Trình, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đề nghị tỉnh cần quan tâm, đầu tư hơn nữa cho lĩnh vực này nhằm thúc đẩy KH-CN phát triển xứng tầm với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Sau chuyến giám sát mới đây về phát triển khoa học - công nghệ (KH-CN) và triển khai Luật KH-CN tại Đồng Nai, đồng chí Lê Bá Trình, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đề nghị tỉnh cần quan tâm, đầu tư hơn nữa cho lĩnh vực này nhằm thúc đẩy KH-CN phát triển xứng tầm với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đoàn giám sát về phát triển khoa học - công nghệ của Trung ương đi thực tế tại Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học tỉnh Đồng Nai (huyện Cẩm Mỹ). Ảnh: H.Dung
Đoàn giám sát về phát triển khoa học - công nghệ của Trung ương đi thực tế tại Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học tỉnh Đồng Nai (huyện Cẩm Mỹ). Ảnh: H.Dung

PGS.TS Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở KH-CN, cho biết Đồng Nai đã tiến hành đổi mới công tác quản lý hoạt động KH-CN theo hướng triệt để xóa bỏ cơ chế xin - cho sang cơ chế đặt hàng sản phẩm KH-CN. Từ năm 2006, tỉnh áp dụng chính sách hỗ trợ cho đề tài dự án cấp huyện, ngành và cấp bộ, viện nghiên cứu, trường đại học theo cơ chế 50/50 hoặc 70/30. Cơ chế này đã có tác động khuyến khích các đơn vị chủ động trong việc soát xét tính khả thi của từng đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng. Đến nay, đã có 88 đề tài, dự án cấp huyện, ngành được nghiệm thu, áp dụng vào thực tế đời sống.

* NHIỀU SẢN PHẨM MANG THƯƠNG HIỆU ĐỒNG NAI

2 lĩnh vực được tỉnh tập trung đầu tư phát triển tiềm lực KHCN là nông nghiệp và cải cách hành chính hướng tới chính phủ điện tử. 3 chương trình mũi nhọn được xác định gồm công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Giai đoạn 2011-2015, tỉnh đã đầu tư triển khai 10 dự án phát triển tiềm lực KH-CN, đã đưa vào sử dụng có hiệu quả trong thực tế nhiều dự án, như: Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai, Trung tâm đo kiểm Đồng Nai tại huyện Nhơn Trạch… Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt thành lập Khu công nghệ cao công nghệ sinh học tỉnh Đồng Nai. Đây là tiền đề quan trọng để Đồng Nai xây dựng thành phố khoa học trong tương lai.

PGS.TS Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở KH-CN, cho biết trong thời gian tới KH-CN tỉnh nhà sẽ tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ, giải pháp đột phá sau: bồi dưỡng, đào tạo nhân lực nghiên cứu, phát triển trình độ cao phục vụ ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp ưu tiên và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng cơ sở hạ tầng cho công nghệ thông tin và công nghệ sinh học; xây dựng cơ chế đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới KH-CN.

Theo lãnh đạo Sở KH-CN, những sản phẩm tiêu biểu mang thương hiệu của KH-CN Đồng Nai, như: văn phòng điện tử I-Office; công cụ về an toàn thông tin nhằm bảo vệ dữ liệu đường truyền, đã được giải vàng quốc tế và sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực hành chính. Toàn tỉnh đã xây dựng được 17 thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, trong đó có 3 thương hiệu sản phẩm đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, gồm: bưởi Tân Triều, xoài Suối Lớn và tiêu Lâm San. Không những thế, Đồng Nai còn có thể sản xuất nhiều loại giống cây trồng chất lượng cao để phục vụ sản xuất trong nước và quốc tế. Ông Trần Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH Việt Nông (thuộc Khu công nghệ cao công nghệ sinh học tỉnh Đồng Nai, đặt tại huyện Cẩm Mỹ), cho biết: “Trong số 54 loại giống cây trồng do công ty sản xuất, có nhiều loại đã xuất khẩu sang Thái Lan, Philippines…, có nhiều giống chủ lực đã được cấp bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ. Có những giống có lợi thế rất lớn mà giống ở nước ngoài không thể cạnh tranh và vào được thị trường Việt Nam như giống khổ qua. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng KH-CN để tạo dựng lợi thế, đón đầu hội nhập, phát triển”.

Để thu hút và giữ chân nhân tài, Đồng Nai có chương trình đào tạo sau đại học đã, đang được thực hiện nhiều năm nay, trong đó có chương trình tạo nguồn. Tức là hàng năm, tỉnh lựa chọn một số học sinh có thành tích học tập xuất sắc để đào tạo ở nước ngoài. Sau khi kết thúc khóa học, những cá nhân này sẽ quay trở về công tác tại tỉnh.

* ĐẦU TƯ HƠN NỮA CHO KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ

Tỷ phần đóng góp của KHCN vào tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng từ 26,36% năm 2011 lên 32,45% năm 2015, vượt so với mục tiêu đề ra. Ngoài ra, tỉnh còn có chương trình KH-CN hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập; đưa KH-CN phục vụ người nông dân phát triển kinh tế - xã hội nông nghiệp, nông thôn. Trong khi đó, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, mức đầu tư cho KH-CN của tỉnh tuy có tăng theo từng năm nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của KH-CN. Hiện tại, tỉnh có Quỹ KH-CN với số tiền 20 tỷ đồng nhưng mới chỉ dành để ưu tiên đầu tư cho nông dân.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư cho rằng thời gian qua KH-CN đã có những đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Đồng Nai là tỉnh nằm trong khu vực phát triển nhưng việc đầu tư cho KHCN chưa tương xứng với tiềm năng. Một trong những hạn chế của KH-CN Đồng Nai là việc kết nối vùng chưa tốt, vẫn còn phân khúc ở một số mảng, chưa có giải pháp căn cơ để thu hút nhân tài KH-CN, phát triển nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.

Để nâng tầm KH-CN đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình đề nghị Đồng Nai đầu tư, hoàn thiện, phát triển Khu công nghệ cao công nghệ sinh học, có kế hoạch phát triển KH-CN trên địa bàn, đặc biệt là ở huyện Cẩm Mỹ. Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cần được đầu tư thêm để có sự phát triển hài hòa giữa các lĩnh vực. Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối, phối hợp với các đối tác nước ngoài trong phát triển KH-CN; tạo thêm cơ chế, chính sách nhằm phát huy vai trò của hoạt động tư vấn, phản biện xã hội để tập trung sức mạnh của đội ngũ trí thức trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương và khu vực.

Hạnh Dung

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích