Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai làm tốt phổ cập mầm non 5 tuổi

10:09, 14/09/2016

Sau 2 ngày kiểm tra, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT hoan nghênh, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả trong công tác phổ cập giáo dục mầm non mà các địa phương trong tỉnh đã đạt được.

Sau 2 ngày kiểm tra phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi tại Đồng Nai, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT hoan nghênh, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả trong công tác phổ cập giáo dục mầm non mà các địa phương trong tỉnh đã đạt được.

Đoàn công tác của Bộ GD-ĐT dự giờ sinh hoạt của cô trò Trường mầm non Phong Lan (thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: H.Dung
Đoàn công tác của Bộ GD-ĐT dự giờ sinh hoạt của cô trò Trường mầm non Phong Lan (thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: H.Dung

Tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 279 trường mầm non, mẫu giáo, 876 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập. Số lượng trẻ được huy động ra lớp năm sau luôn cao hơn năm trước. Riêng trẻ 5 tuổi được huy động ra lớp là gần 43 ngàn trẻ/43,9 ngàn trẻ mẫu giáo 5 tuổi, chiếm gần 98%. Trong đó, tỷ lệ trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt gần 95%.

Tích cực vận động trẻ ra lớp

Để đạt được kết quả đó, nhiều địa phương có áp lực dân số cơ học tăng nhanh, như: TP.Biên Hòa, huyện Trảng Bom, huyện Long Thành, huyện Nhơn Trạch hay những địa phương ở vùng sâu, vùng xa như: Cẩm Mỹ, Tân Phú, Định Quán, một số xã: Mã Đà, Phú Lý, Hiếu Liêm của huyện Vĩnh Cửu đã có nhiều cố gắng trong công tác đầu tư cơ sở vật chất, vận động trẻ ra lớp.

Cô Đỗ Thị Ngọc, Hiệu trưởng Trường mầm non Mã Đà (trường mầm non duy nhất của xã Mã Đà), cho biết trường có một điểm chính và 5 điểm lẻ với tổng số 371 trẻ từ 2 tuổi trở lên. Do địa bàn xã rộng, điểm trường chính cách các điểm lẻ quá xa nên công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Đầu năm học này, nhà trường phối hợp với các cấp chính quyền địa phương đã vận động được 104 trẻ 5 tuổi trong xã ra lớp. “Có nhiều trẻ không có điều kiện đến trường vì cha mẹ làm ăn, sinh sống không ổn định. Ban chỉ đạo phổ cập cấp xã đã, đang nỗ lực áp dụng nhiều giải pháp, như: vận động mạnh thường quân hỗ trợ học bổng, các suất ăn trưa; đến tận nơi ở của các gia đình… để huy động 29 trẻ 5 tuổi còn lại đến trường” - cô Ngọc cho hay.

Toàn huyện Vĩnh Cửu hiện có 15 trường mầm non và 26 nhóm trẻ được cấp phép hoạt động. 100% số trẻ trong huyện đều được học 2 buổi/ngày. Qua kiểm tra, cho thấy các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, số trẻ được huy động ra lớp… của 12/12 xã, thị trấn của huyện đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Ông Nguyễn Minh Phước, Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục - xóa mù chữ huyện Vĩnh Cửu, nhấn mạnh: “Đầu tư cho giáo dục và chăm lo cho trẻ mầm non luôn được huyện đặc biệt quan tâm. Huyện xác định phổ cập giáo dục phải gắn với xây dựng nông thôn mới, phải đi vào thực chất nhằm đảm bảo quyền lợi cho thế hệ tương lai. Không chỉ quan tâm phổ cập trẻ 5 tuổi, huyện sẽ tiếp tục hướng tới trẻ 3-4 tuổi để huy động được ngày càng nhiều trẻ ra lớp, tạo điều kiện cho trẻ được dạy dỗ, chăm sóc trong môi trường tốt nhất”.

Thực hiện tốt các chính sách về giáo dục mầm non

Bà Chu Như Ý, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT), cho biết: “Ngoài việc thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo quy định, từ tháng 1-2014 đến nay, ngân sách tỉnh còn hỗ trợ cho 4,7 ngàn giáo viên và hơn 1,2 ngàn nhân viên đang công tác tại các trường công lập có tổ chức bán trú với tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng. Mục đích là để khuyến khích đội ngũ này an tâm công tác, tiến tới ổn định làm việc lâu dài tại các cơ sở giáo dục”. Đây được xem là một trong những việc làm đi đầu của tỉnh Đồng Nai nhằm chia sẻ phần nào khó khăn với giáo viên, nhân viên mầm non.

Thầy Trần Quang Dõng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cẩm Mỹ, cho hay để khuyến khích và huy động trẻ ra lớp, những năm qua huyện đã tổ chức thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với trẻ mầm non, như: hỗ trợ chi phí học tập, tiền ăn trưa, miễn giảm học phí, uống sữa học đường... 100% trường mầm non tổ chức dạy học bán trú, 100% số trẻ 5 tuổi người dân tộc thiểu số được tăng cường tiếng Việt, dạy kỹ năng sống, các hoạt động vận động ngoài trời… Đội ngũ cán bộ, giáo viên thường xuyên được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn. Cùng với các trường mầm non công lập, trên địa bàn huyện còn có sự chung tay của các nhà dòng trong việc xây dựng, mở các nhóm trẻ ngoài công lập với sự chăm sóc trẻ của các nữ tu. Đến nay, toàn huyện Cẩm Mỹ đã đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Làm việc tại các cơ sở giáo dục của các địa phương trong tỉnh, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do bà Lý Thị Hằng và Nguyễn Thị Hiếu (Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non) làm trưởng đoàn biểu dương những nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên mầm non tỉnh Đồng Nai đã luôn bám trường, bám lớp, mến trẻ, yêu nghề, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Bên cạnh đó, đoàn công tác cũng đánh giá cao sự chỉ đạo, thực hiện, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của ban chỉ đạo phổ cập giáo dục - xóa mù chữ từ cấp tỉnh đến cấp xã, sự vào cuộc và trách nhiệm của những cán bộ làm công tác phổ cập giáo dục tại địa phương, góp phần tạo nên những kết quả tốt về phổ cập giáo dục trẻ 5 tuổi của tỉnh nhà.

Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 11/11 huyện, TX.Long Khánh, TP.Biên Hòa hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi. Trong số 171 xã, phường, thị trấn, có 4 xã chưa đủ điều kiện công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi do thiếu cơ sở vật chất, số trẻ học một buổi còn nhiều. Trong đó, có xã Suối Trầu, huyện Long Thành là xã phải giải tỏa do quy hoạch Sân bay quốc tế Long Thành.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên ở các cơ sở giáo dục mầm non đạt chuẩn, trên chuẩn so với yêu cầu chuẩn nghề nghiệp. Tất cả các xã, phường, thị trấn đều có cán bộ chuyên trách thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Mạng lưới trường học, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị được quan tâm đầu tư ngày càng tốt hơn nữa để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non.

Hạnh Dung

 

Tin xem nhiều