Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỳ vọng vào năm học mới

04:09, 05/09/2016

Sáng nay, ngày 5-9 các trường học trong tỉnh đồng loạt tổ chức lễ khai giảng năm học 2016-2017. Đây là năm học thứ 3 ngành giáo dục và toàn xã hội chung tay thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Sáng nay, ngày 5-9 các trường học trong tỉnh đồng loạt tổ chức lễ khai giảng năm học 2016-2017. Đây là năm học thứ 3 ngành giáo dục và toàn xã hội chung tay thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái tham quan cơ sở vật chất của Trường THPT Hoàng Diệu (TX Long Khánh).  Ảnh: Ngọc Thư
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái tham quan cơ sở vật chất của Trường THPT Hoàng Diệu (TX Long Khánh). Ảnh: Ngọc Thư

Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, đổi mới muốn thành công cần phải có lộ trình, phải công khai rộng rãi chủ trương, đường lối đổi mới để cộng đồng biết, ủng hộ. Phó thủ tướng đặt niềm tin, kỳ vọng rất lớn vào sự đổi mới này với mong muốn thay đổi diện mạo, chất lượng của ngành GD-ĐT.

TẤT CẢ MỌI NGƯỜI ĐỀU ĐƯỢC ĐI HỌC

Năm học này, toàn tỉnh có 817 trường học, tăng 13 trường (6 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 3 trường THCS và 2 trường THPT) với 653,8 ngàn học sinh, trẻ mầm non, tăng 24,4 ngàn học sinh so với năm học trước. Những địa phương có số học sinh tăng nhanh là các địa bàn có nhiều khu công nghiệp, như: TP.Biên Hòa, huyện Trảng Bom, huyện Nhơn Trạch, huyện Vĩnh Cửu. Số học sinh được tuyển mới vào lớp 1 và lớp 6 đạt 100% so với dân số trong độ tuổi và số học sinh hoàn thành chương trình tiểu học. Có khoảng 76% học sinh vào học THPT, số còn lại được phân luồng vào các trường nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp…

Học sinh Trường THPT Nhơn Trạch biểu diễn văn nghệ trong ngày khánh thành trường mới và khai giảng năm học 2016-2017. Ảnh:  H.DUNG
Học sinh Trường THPT Nhơn Trạch biểu diễn văn nghệ trong ngày khánh thành trường mới và khai giảng năm học 2016-2017. Ảnh: H.DUNG

Để đáp ứng yêu cầu về đội ngũ cho năm học mới, các địa phương và Sở GD-ĐT tiến hành tuyển dụng số lượng lớn giáo viên, nhân viên. Trong đó, địa phương có nhu cầu nhiều nhất là TP.Biên Hòa đã tuyển dụng xong gần 400 giáo viên, nhân viên. Những người trúng tuyển đều có trình độ đạt chuẩn, trên chuẩn, có những kỹ năng, điều kiện cần thiết phục vụ quá trình công tác. Toàn tỉnh hiện có khoảng hơn 31 ngàn cán bộ, giáo viên, nhân viên các cấp.

Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017 mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo: năm học này ngành giáo dục cần đẩy mạnh tuyên truyền về đổi mới. Đổi mới phải kiên trì, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Hiện nay, chúng ta đã tiến hành miễn học phí cho bậc tiểu học. Tới đây, chúng ta nên nghiên cứu để tiến tới miễn học phí cho cấp THCS. Muốn xóa học thêm, chúng ta phải đầu tư hơn nữa cho hệ thống trường lớp. Tức là phải có đủ trường, lớp để dạy, học 2 buổi/ngày. Năm học mới đã đến, các thầy, cô giáo, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và toàn xã hội cùng chung tay để thực hiện nhiệm vụ đổi mới, phải thực sự coi học sinh làm trung tâm. Phải khôi phục tính kỷ cương, yêu lao động, yêu môi trường đối với học sinh, như: khuyến khích các em làm trực nhật, vệ sinh trường lớp học.

Nhằm động viên, khích lệ học sinh nghèo hiếu học đến trường và hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, vào đầu năm học nhiều tổ chức, cơ quan, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh đã quyên góp, tặng nhiều học bổng cho học sinh. Ông Đặng Kim Tòng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Cửu, cho biết: “Phòng phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn tiến hành rà soát kỹ những học sinh nhập cư không có điều kiện đi học để giúp đỡ các em được đến trường. Ngoài ra, hiệu trưởng các trường học trong huyện cũng có trách nhiệm rà soát những trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn để tổ chức thăm hỏi, tặng sách vở, quần áo, đồ dùng học tập, giúp các em an tâm đến trường”.

Phường Long Bình (TP.Biên Hòa) là nơi tập trung số lượng lớn trẻ em nhập cư, một số không có giấy tờ hợp pháp để được đi học. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của các em, trong phường có 5 cá nhân đứng ra mở lớp học tình thương cho 120 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Cô Nguyễn Thị Dư, một trong 5 giáo viên của phường đứng ra mở lớp học tình thương, chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn đóng góp công sức của mình giúp các em học sinh nghèo được học chữ, biết tính toán và có thể làm chủ cuộc đời mình khi lớn lên. Còn sức khỏe thì còn cống hiến, những học sinh nào có nhu cầu học tập, chúng tôi đều nhận và cố gắng tận tâm dạy dỗ”.

GIÁO DỤC THỰC CHẤT, VÌ NGƯỜI HỌC

Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Thông tư 30 (sửa đổi) về đánh giá học sinh tiểu học. Theo đó, thay vì đánh giá học sinh đạt hay chưa đạt, hoàn thành hoặc chưa hoàn thành, giáo viên sẽ đánh giá học sinh theo các mức A, B, C; khen thưởng học sinh cụ thể hơn. Về vấn đề này, một giáo viên tiểu học huyện Long Thành chia sẻ: “Năm vừa qua, các giáo viên tiểu học phải “đánh vật” với một đống hồ sơ, sổ sách, đánh giá, nhận xét học sinh. Cũng vì tâm lý không chấm điểm nên nhiều học sinh ỷ lại, chưa có ý thức tự học. Chúng tôi mong rằng Thông tư 30 được sửa đổi cụ thể hơn, giảm bớt áp lực sổ sách cho giáo viên, đưa ra những đánh giá học sinh cụ thể, không chung chung, giúp cả giáo viên và phụ huynh gắn kết với nhau hơn trong việc giáo dục học sinh”.

Trong khi đó, với mô hình trường học mới (VNEN), nhiều giáo viên THCS “than” rằng, còn quá mơ hồ với mô hình này. Những học sinh khá, giỏi, ham học hỏi có thể thích nghi tốt với cách học mới, song điều này lại không mang lại hiệu quả với học sinh trung bình.

Trước thực trạng học sinh “quay lưng” với môn Lịch sử, ông Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai, cho rằng: “Phải có sự cải tiến bắt đầu từ phía Bộ GD-ĐT, tức là chương trình học phải được sửa đổi sao cho cân đối. Tiếp đó là đổi mới phương pháp dạy của giáo viên. Đừng bắt học sinh phải học thuộc tất cả các số liệu, ngày giờ, sự kiện mà giáo viên cần ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy nhằm tạo nên bài giảng sinh động, lôi cuốn. Ngoài việc dạy, học ở trường, giáo viên nên đưa học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa, như: thăm bảo tàng, nghe nhân chứng lịch sử nói chuyện, tổ chức các hoạt động thúc đẩy tinh thần tự học, tự nghiên cứu của học sinh”.

Trong khi đó, nhiều phụ huynh, học sinh trên địa bàn TP.Biên Hòa lại có mong muốn thành phố sớm xây thêm được nhiều trường học mới để sớm xóa tình trạng học ca 3. Anh Nguyễn Đình Hòa, có con học ở Trường tiểu học Trảng Dài, bày tỏ: “Con tôi đã vài năm không được đi dự lễ khai giảng vì sân trường quá chật. Cũng vì học sinh đông mà các cháu phải học ca 3, không có sân chơi, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, chất lượng học tập. Chúng tôi mong muốn thành phố quan tâm, sớm xây trường mới, Bộ GD-ĐT giảm tải chương trình học, các cô giáo tận tâm hơn nữa với học trò để các cháu phát triển ổn định, có một tuổi thơ đẹp”.

Liên quan đến vấn đề nhiều học sinh từ các tỉnh miền Tây theo cha mẹ đến TP.Biên Hòa làm ăn, sinh sống, không có giấy tờ hợp pháp để được đến trường, ông Đặng Xuân Vinh, chuyên viên phụ trách giáo dục thường xuyên Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa, cho hay với những học sinh không có giấy khai sinh, hộ khẩu nhưng có nguyện vọng đi học, các phường, xã đều tạo điều kiện cho các em được học các lớp phổ cập trên địa bàn. Giáo viên các lớp này có sổ theo dõi kết quả học tập của các em để chuyển lên cấp học cao hơn khi các em hoàn thành chương trình cấp dưới.

Hạnh Dung

 


 

 


 

 

 

 

 

Tin xem nhiều