Báo Đồng Nai điện tử
En

Trẻ bị suy dinh dưỡng do đâu?

09:09, 26/09/2016

Hàng năm, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận và điều trị cho hàng ngàn ca bệnh về dinh dưỡng, trong đó phần lớn là bệnh suy dinh dưỡng ở mức độ nhẹ, vừa và các ca nhẹ cân.

Hàng năm, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận và điều trị cho hàng ngàn ca bệnh về dinh dưỡng, trong đó phần lớn là bệnh suy dinh dưỡng ở mức độ nhẹ, vừa và các ca nhẹ cân. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra suy dinh dưỡng ở trẻ, nhưng một trong những nguyên nhân chính là do mẹ còn thiếu kiến thức nuôi con hoặc không có thời gian chăm sóc con trẻ đúng cách.

Nhân viên y tế Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đo chiều cao cho trẻ khi khám dinh dưỡng. Ảnh: N.Thư
Nhân viên y tế Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đo chiều cao cho trẻ khi khám dinh dưỡng. Ảnh: N.Thư

Bác sĩ Lê Thị Đẹp, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho biết có rất nhiều trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng do biếng ăn nhưng mẹ chủ quan không cho trẻ đi khám bệnh vì cho rằng tuy không ăn được nhưng trẻ vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, ngủ ngon thì cũng không đáng lo ngại. Từ đó dẫn đến tình trạng trẻ ăn không đủ nhu cầu, thiếu chất kéo dài dẫn đến bị suy dinh dưỡng.

* Trẻ không ăn thì thôi!

Cụ thể, trường hợp của bé Tống Anh T. (ở xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ) đã 42 tháng tuổi nhưng chỉ có 10,4kg, cao 91,5cm, so với cân nặng, chiều cao chuẩn thì bé còn thiếu 4,6kg và thiếu 7,5cm; suy dinh dưỡng độ vừa nhưng chỉ còn thiếu 1g nữa là bé thuộc suy dinh dưỡng nặng. Chị Tường Thị Na, mẹ của bé T., cho biết bé rất biếng ăn, buổi sáng đi học ăn ở nhà trẻ, còn tối về bé chỉ ăn nửa chén canh hoặc nửa chén cơm chan nước mắm, ngoài ra không chịu ăn thịt, cá. Thấy con nhỏ hơn so với bạn bè cùng tuổi nhưng lanh lẹ nên chị không chú ý, cứ để con thích ăn gì thì ăn, khi nào lớn thì lớn.

Hay như trường hợp bé Trần Gia H. (ở xã Tam Phước, TP.Biên Hòa) tuy đã 8 tháng nhưng cân nặng chỉ có 6kg, thiếu gần 2kg so với chuẩn, suy dinh dưỡng độ 2. Chị Trần Thị Gia Tuệ, mẹ của bé H., cho biết do bé H. lười bú mẹ nên chị cho bé ăn sớm trước 5 tháng tuổi thay vì 6 tháng theo quy định. Tuy nhiên do mỗi lần ăn là bé H. khóc thét nên chị cho bé ăn ngày càng ít lại và bé ngày càng chậm tăng cân, người xanh xao, hay bị bệnh. Do mẹ đưa bé đi khám sớm và thực hiện theo lời khuyên của bác sĩ: ăn tăng lượng đạm, béo; bú đủ lượng sữa cần thiết và thay đổi thực đơn thường xuyên nên bé H. nay đã tăng cân, tăng chiều cao khá tốt.

Ngoài ra vẫn còn trường hợp trẻ ăn được, ngủ được nhưng vẫn bị suy dinh dưỡng. Một trong những nguyên nhân là do trẻ ăn nhưng không đủ nhu cầu, còn thiếu năng lượng cần thiết nhất là chất đạm và chất béo. Hiện nay, không ít các bà mẹ sử dụng cháo dinh dưỡng bán sẵn tại các cửa hàng cho trẻ ăn mỗi ngày. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của bác sĩ Nguyễn Thị Đẹp, các loại cháo dinh dưỡng chưa hẳn đã tốt cho trẻ nhỏ vì không tính toán được năng lượng cần thiết theo nhu cầu của mỗi trẻ nên dù trẻ có ăn nhiều vẫn không đủ chất. Tốt nhất mẹ nên tự nấu ăn cho trẻ để chọn thực phẩm đảm bảo an toàn và đủ chất dinh dưỡng cho con.

* Thuốc bổ không phải là “cái đũa thần”

Thực tế có một số trường hợp trẻ bị biếng ăn, nhẹ cân, được cha mẹ đưa đi khám bệnh và điều trị nhiều nơi nhưng tình trạng thiếu cân vẫn không được cải thiện. Thậm chí có người còn đưa con đi khám khắp nơi, ai chỉ thuốc gì thì uống đó, kể các các loại thuốc Đông y, thậm chí có trường hợp còn đưa con đi cắt, lể với ý nghĩ loại bỏ máu xấu, máu nóng đã làm cơ thể trẻ không phát triển được. 

Về vấn đề này, bác sĩ Lê Thị Đẹp phân tích, nhiều mẹ rất chủ quan, cứ nghĩ đi khám về cho trẻ uống thuốc bổ là đủ, không chú ý đến lượng ăn cho trẻ. Trong khi đó, thuốc bổ không phải là “cái đũa thần” có thể giúp trẻ tăng cân trở lại. Tình trạng dinh dưỡng của trẻ có cải thiện được hay không là do lượng thức ăn có đủ hay không và có đủ chất hay không. Thuốc bổ chỉ giúp kích thích, bổ sung vi chất còn thiếu nhưng phải bổ sung năng lượng thì trẻ mới tăng cân được. Việc phát hiện và đưa trẻ đi khám dinh dưỡng là cần thiết. Tốt nhất là nên đi khám từ sớm thì mức độ hồi phục nhanh hơn, vì trẻ không mất một khoảng thời gian dài chậm phát triển.

Riêng những trẻ đã được đi khám dinh dưỡng nhiều lần, tuân thủ điều trị của bác sĩ nhưng trẻ vẫn không tiến triển, phụ huynh cần chú ý đến những vấn đề về bệnh lý, trong đó có bệnh lý về hấp thu, tim bẩm sinh, tan máu bẩm sinh, não, bại não, tiêu hóa... Phụ huynh cần sớm đưa trẻ đi khám nội khoa để sàng lọc bệnh và có hướng điều trị phù hợp, giúp trẻ không bị suy dinh dưỡng kéo dài, không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà còn ảnh hưởng đến trí tuệ, khả năng học tập và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng. Đặc biệt, nếu trẻ mắc bệnh sẽ nặng hơn, nguy cơ tử vong cao hơn gấp 10 lần so với trẻ có sức khỏe thông thường do sức đề kháng bị suy giảm.

Mẹ cần quan tâm hơn đến trẻ suy dinh dưỡng

Trẻ suy dinh dưỡng, trẻ nhẹ cân phải được mẹ quan tâm và chăm sóc đặc biệt hơn, không nên để cho trẻ ăn chung một chế độ với gia đình. Mẹ cần dành thời gian để chế biến thức ăn cho con phù hợp với từng lứa tuổi. Phải nắm rõ ngày đó con ăn gì, uống gì, có đủ năng lượng cần thiết hay không; theo dõi thường xuyên sự phát triển về cân nặng và chiều cao của con hàng tháng. Chú ý đối với trẻ suy dinh dưỡng và nhẹ cân cần được bổ sung lượng chất đạm và chất béo còn thiếu cho cơ thể. Do đó, nếu cho trẻ ăn chung với gia đình thường sẽ không đủ chất béo cho trẻ. Vì vậy, cần cho thêm dầu ăn vào khẩu phần canh hoặc cháo cho trẻ.

Ngọc Thư

 

Tin xem nhiều