Báo Đồng Nai điện tử
En

Sáp nhập bệnh viện và trung tâm y tế tuyến huyện

10:10, 23/10/2016

UBND tỉnh vừa chính thức ký quyết định thành lập mới các trung tâm y tế ở các huyện, TP.Biên Hòa trên cơ sở sáp nhập nguyên trạng các bệnh viện đa khoa với trung tâm y tế tuyến huyện.

UBND tỉnh vừa chính thức ký quyết định thành lập mới các trung tâm y tế ở các huyện, TP.Biên Hòa trên cơ sở sáp nhập nguyên trạng các bệnh viện đa khoa với trung tâm y tế tuyến huyện. Các trung tâm y tế mới sẽ có chức năng vừa dự phòng vừa khám chữa bệnh, phục hồi chức năng và quản lý các trạm y tế.

Trung tâm y tế TP.Biên Hòa theo mô hình mới sẽ được sáp nhập từ Trung tâm y tế Biên Hòa (ảnh nhỏ) và Bệnh viện đa khoa TP.Biên Hòa. Ảnh: N.Thư
Trung tâm y tế TP.Biên Hòa theo mô hình mới sẽ được sáp nhập từ Trung tâm y tế Biên Hòa (ảnh nhỏ) và Bệnh viện đa khoa TP.Biên Hòa. Ảnh: N.Thư

Toàn tỉnh sẽ có 8 trung tâm y tế mới ở TP.Biên Hòa và các huyện: Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Thống Nhất, Tân Phú, Cẩm Mỹ và Xuân Lộc. Riêng TX.Long Khánh, 2 huyện Long Thành và Định Quán do có bệnh viện đa khoa khu vực là bệnh viện tuyến tỉnh nên không thực hiện sáp nhập với trung tâm y tế mà vẫn giữ nguyên mô hình hoạt động như cũ.

Sáp nhập để tinh gọn bộ máy

Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Hoàn cho biết thực hiện Thông tư liên tịch 51/2015 của Bộ Y tế - Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thuộc UBND tỉnh, trong năm 2016 phải tiến hành sắp xếp lại hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt với y tế dự phòng. Mục đích của việc sáp nhập này là tinh gọn bộ máy y tế cơ sở, tập trung được cơ sở vật chất, nhân lực cho công tác dự phòng và điều trị, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.

Bắt đầu từ ngày 24-10, Sở Y tế sẽ lần lượt tiến hành công bố thành lập mới các trung tâm y tế. Theo đó, các đơn vị được thành lập mới sẽ đi vào hoạt động ngay. Trong thời gian đầu, các đơn vị này sẽ sắp xếp tổ chức lại bộ máy hoạt động về nhân sự, thành lập tổ chức lại các khoa, phòng. Cụ thể, trung tâm y tế mới sẽ có 1 giám đốc và không quá 3 phó giám đốc; 4 phòng chức năng và có tối thiểu 14 khoa chuyên môn về điều trị và dự phòng. Các đơn vị y tế trực thuộc trung tâm y tế là: các phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã, phường. Như vậy, với việc sắp xếp lại bộ máy như trên, những người được bổ nhiệm lãnh đạo sẽ dôi dư ra. Cụ thể, sẽ có 8 giám đốc thôi giữ chức giám đốc và sẽ có nhiều phó giám đốc xuống làm trưởng khoa.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở y tế Huỳnh Minh Hoàn cho biết trước mắt vẫn giữ nguyên số lượng cán bộ, viên chức, người lao động ở các trung tâm và các bệnh viện tuyến huyện như cũ. Tuy nhiên, với nhân lực lãnh đạo, Sở Y tế đã làm việc với lãnh đạo thành ủy, huyện ủy, lãnh đạo các trung tâm và các bệnh viện để thống nhất về nhân sự cho việc sáp nhập, thành lập trung tâm mới. “Riêng những cán bộ không đủ điều kiện tiếp tục giữ vị trí công tác, Sở Y tế cũng đã làm công tác tư tưởng, giải quyết theo nguyện vọng của anh em. Những người gần tuổi nghỉ hưu thì giải quyết cho nghỉ hưu, chuyển vị trí công tác hoặc chuyển đơn vị khác cho phù hợp” - Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Hoàn cho hay.

Vẫn còn nhiều băn khoăn

Theo lãnh đạo một số bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện, đúng là sáp nhập sẽ tinh gọn được bộ máy y tế tuyến huyện từ trên xuống dưới; sáp nhập nhiều khoa, phòng có cùng chức năng. Tuy nhiên, việc tinh giản biên chế sẽ chưa thực hiện ngay được. Khi chính thức đi vào hoạt động, trước mắt các trung tâm sẽ sắp xếp lại vị trí việc làm cho phù hợp để tất cả cán bộ, viên chức đều có việc làm, không tuyển dụng thêm.

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề ngành y tế cần quan tâm khi sáp nhập chính là bố trí, sắp xếp công tác đối với các bác sĩ thuộc các trung tâm y tế cũ. Một lãnh đạo trung tâm y tế tuyến huyện cho biết, để đào tạo và giữ chân một bác sĩ điều trị làm việc trong hệ dự phòng là không dễ. Do đó, khi sáp nhập cần có sự công bằng trong bố trí nhân lực cho hợp lý, không phân biệt bác sĩ điều trị và dự phòng; ưu tiên cho đội ngũ đi đào tạo, cập nhật kiến thức nâng cao tay nghề, tránh tình trạng các bác sĩ nghỉ việc sẽ làm hụt nguồn bác sĩ đang rất thiếu ở tuyến huyện.

Được biết, mô hình trung tâm y tế có chức năng dự phòng và điều trị không phải là mô hình mới, đã được ngành y tế triển khai từ trước năm 2008. Từ năm 2008, ngành y tế đã tách thành 2 loại hình trung tâm và bệnh viện, đến nay lại sáp nhập lại. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả của mô hình này, bên cạnh quan tâm củng cố lại nguồn nhân sự, nguồn nhân lực, phải không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho tuyến huyện, tuyến xã; quan tâm và đầu tư tương xứng cho mảng y tế dự phòng, để công tác phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao hơn nữa.

Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Hoàn cho biết sắp tới tỉnh cũng sẽ thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật ở tuyến tỉnh trên cơ sở sáp nhập các trung tâm có cùng chức năng, như: Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai, Trung tâm răng hàm mặt Đồng Nai, Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản Đồng Nai, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai, Trung tâm bảo vệ sức khỏe và môi trường Đồng Nai... Tuy nhiên, thời gian triển khai phải chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế vì đây là mô hình hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ.

Ngọc Thư

 


 

Tin xem nhiều